Tạo nguồn cán bộ trẻ ở các tỉnh Ðông Nam Bộ
TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Ðồng Nai và Bình Dương là khu vực kinh tế phát triển năng động, rất cần đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực toàn diện để lãnh đạo, tổ chức, điều hành, quản lý, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Những năm qua, các cấp ủy đảng trong khu vực đã có nhiều cách làm sáng tạo để xây dựng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ các cấp.
Tạo nguồn: Muốn có, đừng sợ khó
Dù mới gặp, nhưng dễ cảm nhận thấy Bí thư Ðảng ủy phường 12, quận 5, TP Hồ Chí Minh Lê Thị Loan là người năng động, đầy nhiệt huyết. Chị Loan được Thành ủy TP Hồ Chí Minh “để mắt” tới từ khi là sinh viên năm thứ hai ngành ngân hàng. Ðó là năm 1999, lần đầu Thành ủy triển khai chương trình quy hoạch cán bộ dài hạn, lựa chọn những sinh viên ưu tú trong học tập và rèn luyện, bồi dưỡng để tạo nguồn cán bộ lâu dài cho thành phố. Năm 2001, khi chị Loan tốt nghiệp với tấm bằng giỏi thì được Ban Tổ chức Thành ủy TP Hồ Chí Minh trực tiếp gặp, trao đổi nguyện vọng về công việc tương lai. Cân nhắc giữa làm việc cho ngân hàng, có thu nhập khá cao hay làm cán bộ tập sự ở Văn phòng Quận ủy quận 5 với mức lương ít ỏi, chị vẫn quyết định theo con đường làm cán bộ, công chức. Năm 2006, chị Loan về làm Phó Chủ tịch UBND phường 12, phụ trách công tác quản lý đô thị, lĩnh vực “nóng” nhất của địa bàn. Qua quá trình tự khẳng định, chị được giao các cương vị Chủ tịch UBND phường, Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy và nay là Bí thư Ðảng ủy phường. Vừa làm vừa học, chị đã có bằng thạc sĩ và hoàn thành khóa học cao cấp lý luận chính trị. Sự quan tâm của Ðảng ủy cũng như niềm đam mê của chị là làm thế nào để cải tiến các thủ tục hành chính, phục vụ người dân tốt nhất.
Ðến nay, phường 12 đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 đối với tất cả 74 thủ tục hành chính; đầu tư đổi mới trang thiết bị phục vụ công việc, nâng cao trình độ, kỹ năng tiếp công dân và tác nghiệp của cán bộ công chức. Qua khảo sát, thăm dò ý kiến của người dân đến thực hiện các thủ tục hành chính, mức độ hài lòng luôn đạt tỷ lệ hơn 95%.
Quận ủy quận 5 có khá nhiều cán bộ được Thành ủy TP Hồ Chí Minh lựa chọn từ khi mới tốt nghiệp đại học đưa về quận bồi dưỡng, nay đã trưởng thành như Trưởng ban Dân vận Quận ủy Huỳnh Ngọc Nữ Phương Hồng; Chánh văn phòng Quận ủy Nguyễn Thị Minh Phượng; Bí thư Ðảng ủy phường 14 Nguyễn Quốc Dũng,… Gần đây, quận tiếp tục tuyển dụng một số sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi đại học chính quy, đưa về làm cán bộ đoàn phường để rèn luyện như Ngô Thị Bảo Nguyên, đang là học viên cao học, đối tượng kết nạp Ðảng.
Ðể cán bộ có cơ hội rèn luyện, Quận ủy Tân Phú đưa cán bộ trẻ dưới 30 tuổi về hoạt động tại địa bàn khu phố và các cơ sở đảng trực thuộc. Qua thử thách, rèn luyện, Quận ủy đã lựa chọn được hơn 100 cán bộ trẻ có chiều hướng phát triển tốt đưa đi đào tạo, bố trí vào các chức danh lãnh đạo, quản lý ở cơ sở và quy hoạch nhân sự cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Thành ủy quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Mới đây, Quận ủy đã thông qua hai nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ dự bị các chức danh do Quận ủy và Thành ủy quản lý, chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng mục tiêu xây dựng chính quyền đô thị thời gian tới.
Cũng chung quanh việc tạo nguồn cán bộ trẻ, tìm hiểu ở Ðồng Nai, chúng tôi thấy các cấp ủy ở đây có cách làm khá bài bản. Qua nhiều năm chú ý lựa chọn, tuyển dụng cán bộ trẻ, Ðảng ủy phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa đã chuẩn bị nhân sự cấp ủy theo ba độ tuổi cho nhiệm kỳ đại hội tới. Trong Thường trực Ðảng ủy phường, đồng chí Phó Bí thư, Chủ tịch UBND phường 33 tuổi, đồng chí Bí thư và Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy phường đều đủ tuổi tái cử tiếp từ một đến hai nhiệm kỳ. Ban Thường vụ Ðảng ủy có năm đồng chí bảo đảm đủ ở ba độ tuổi, theo đúng tinh thần Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Ðại hội XII của Ðảng. Ðồng chí Trần Văn Lâm, Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy phường cho biết, do chuẩn bị từ những năm trước, cho nên Ðảng ủy chủ động được nguồn cán bộ bảo đảm cơ cấu ba độ tuổi, nhất là tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia Ðảng ủy.
Chú trọng năng lực thực tiễn
Cán bộ trẻ thường được đào tạo cơ bản và có trình độ chuyên môn tốt, nhưng kinh nghiệm thực tiễn chưa nhiều. Chính vì thế trong quá trình tạo nguồn cán bộ, các cấp ủy rất chú trọng rèn luyện, nâng cao năng lực thực tiễn đối với số cán bộ này. Nhiệm kỳ qua, cấp ủy các cấp khu vực kinh tế trọng điểm Ðông Nam Bộ đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ như tuyển dụng, quy hoạch, cử đi đào tạo, tạo môi trường rèn luyện, kết hợp giải quyết “đầu ra” đối với cán bộ sắp đến tuổi nghỉ hưu, để có “chỗ” cho cán bộ trẻ đảm nhiệm, thử thách. Trong đó, việc tạo môi trường rèn luyện cán bộ trẻ luôn được các cấp ủy chú trọng.
Các chương trình tạo nguồn cán bộ trẻ của TP Hồ Chí Minh khá đa dạng, như các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trẻ; quy hoạch, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân; thực hiện chủ trương tăng thêm phó bí thư, phó chủ tịch UBND một số quận, huyện và tăng thêm phó chủ tịch UBND một số phường, xã; thực hiện tuyển dụng cán bộ biên chế dự phòng; xây dựng một số chính sách ưu đãi để thu hút cán bộ có năng lực, trình độ… Trong Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trẻ, từ năm 2001 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã tuyển chọn gần 800 học viên đưa đi đào tạo làm nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ cho các tổ chức trong hệ thống chính trị. Những sinh viên tham gia Chương trình quy hoạch, đào tạo, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân ký hợp đồng ngắn hạn tại Ban Tổ chức Thành ủy, được bồi dưỡng nghiệp vụ ba tháng, bố trí làm việc tại các doanh nghiệp ít nhất ba năm. Thời gian ấy đủ cho cán bộ trẻ tích lũy kinh nghiệm thực tiễn. Sau đó, Thành ủy xem xét các điều kiện, tiêu chuẩn để quy hoạch, đào tạo lâu dài. Các quận, huyện đã điều động, luân chuyển hơn 600 cán bộ trẻ về xã, phường, thị trấn để tạo môi trường cho cán bộ thử thách, khẳng định mình. Các chương trình này đã bổ sung hàng nghìn cán bộ trẻ có chất lượng cho nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của thành phố.
Tiếp giáp phía bắc TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương có hơn 1,8 triệu dân là địa phương thu hút đầu tư khá hiệu quả. Trên địa bàn tỉnh có 28 khu công nghiệp và tám cụm công nghiệp, 2.356 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn hơn 20,2 tỷ USD, cùng với hàng nghìn doanh nghiệp trong nước. Sự phát triển đó đặt ra yêu cầu cao đối với công tác cán bộ.
Năm 2011, tỉnh triển khai Ðề án “Tuyển chọn và đào tạo 200 cán bộ trẻ làm lãnh đạo chủ chốt cấp ủy, chính quyền cấp xã”. Người được lựa chọn sẽ tham gia khóa đào tạo trình độ trung cấp lý luận chính trị – hành chính, được trang bị các kỹ năng của cán bộ chủ chốt theo từng chức danh bí thư, chủ tịch UBND xã. Yêu cầu về ngoại ngữ phải đạt trình độ IELTS 3.5 trở lên. Kết thúc khóa học, những người đạt yêu cầu được bố trí công tác tại các xã, phường, thị trấn và quy hoạch, giới thiệu ứng cử các chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp xã.
Cùng thời gian này, Tỉnh ủy Bình Dương triển khai Ðề án tuyển chọn, đào tạo cán bộ nguồn từ học sinh, sinh viên xuất sắc. Ðối tượng tham gia gồm học sinh lớp 12 các trường THPT và sinh viên đang theo học tại các trường đại học công lập trong cả nước. Một sinh viên đại học có thể được hỗ trợ chi phí sinh hoạt 30,4 triệu đồng/năm chưa kể hỗ trợ học phí. Ðánh giá chung sau khi tốt nghiệp đại học, khoảng 80% số sinh viên xuất sắc được bồi dưỡng và bố trí công việc phù hợp. Tỉnh Bình Dương còn xây dựng Ðề án tuyển chọn, cử cán bộ, công chức, viên chức và đối tượng tạo nguồn đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài, giai đoạn 2011 – 2015, chủ yếu là cán bộ trẻ có khả năng phát triển tốt. Bên cạnh đó, tỉnh có chế độ khuyến khích đối với những cán bộ tự học nâng cao trình độ và đã hỗ trợ cho hơn 100 sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy loại giỏi và sau đại học tự nguyện về công tác tại tỉnh.
Là địa phương có công nghiệp phát triển và tiếp nhận lượng lao động ngoài tỉnh nhiều nhất nước, cán bộ cấp xã ở Ðồng Nai phải căng mình xử lý các vấn đề nảy sinh từ cơ sở. Xuất phát từ thực tiễn đó, năm 2007, Tỉnh ủy Ðồng Nai đã ban hành quy định về trợ cấp cho cán bộ xã, phường, thị trấn nhằm thu hút người có trình độ cao đẳng và đại học về xã. Ngoài tiền lương, các đối tượng thuộc diện thu hút có bằng đại học được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng bằng hai lần mức lương tối thiểu, được hỗ trợ tiền thuê nhà… Ðề án này đã góp phần tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho tuyến xã, đồng thời cung cấp cho cấp huyện nhiều cán bộ trẻ có năng lực và kinh nghiệm thực tiễn. Từ Ðề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh giai đoạn 2006 – 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 của Tỉnh ủy Ðồng Nai, hàng nghìn cán bộ trẻ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, quản lý nhà nước và chuyên môn, nghiệp vụ. Năm 2014, tỉnh đã luân chuyển hai đợt cán bộ trẻ, có năng lực về làm lãnh đạo chủ chốt các huyện với mục tiêu đào tạo, rèn luyện. Nhờ tăng cường sử dụng cán bộ trẻ, tỉnh Ðồng Nai đã cơ bản chủ động được nguồn cán bộ ba độ tuổi cho nhiệm kỳ đại hội Ðảng sắp tới.
Đ ến nay, phường 12, quận 5 (TPHồ Chí Minh) đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 đối với tất cả 74 thủ tục hành chính; đầu tư đổi mới trang thiết bị phục vụ công việc, nâng cao trình độ, kỹ năng tiếp công dân và tác nghiệp của cán bộ công chức. Qua khảo sát, thăm dò ý kiến của người dân đến thực hiện các thủ tục hành chính, mức độ hài lòng luôn đạt tỷ lệ hơn 95%.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()