Tạo môi trường tự chủ tài chính tốt nhất cho giáo dục đại học
Tự chủ đại học, đặc biệt là tự chủ tài chính trong đại học ở Việt Nam là chủ đề luôn được nhiều người quan tâm. Hiện tự chủ tài chính đại học ở Việt Nam vẫn trong giai đoạn thí điểm, việc triển khai còn nhiều hạn chế. Do vậy, Nhà nước cần có những thay đổi căn bản về cơ chế, chính sách để tạo môi trường tài chính tốt nhất cho các trường đại học hoạt động hiệu quả.
Kinh nghiệm thế giới
Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng tiến trình tự chủ tài chính nói riêng, tự chủ đại học nói chung là con đường để các quốc gia chuyển đổi cơ chế quản lý hệ thống giáo dục đại học từ mô hình nhà nước điều hành thành mô hình nhà nước giám sát.
Tự chủ tài chính có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trường đại học; cho phép trường đại học chủ động hơn trong việc huy động các nguồn lực của xã hội phục vụ các mục tiêu phát triển ngắn hạn và dài hạn; đồng thời tối ưu hóa được hoạt động quản lý tài chính. Bên cạnh đó, tự chủ tài chính tạo điều kiện thuận lợi để trường đại học sử dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có về cơ sở vật chất và nguồn lực, đa dạng hóa nguồn thu, tăng khả năng tích lũy vốn và giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
Tự chủ về tài chính cũng tạo ra cơ chế khuyến khích đối với đội ngũ học thuật, mở rộng các chính sách ưu đãi nhằm thu hút giảng viên có trình độ cao, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục và nghiên cứu khoa học.
Theo phân tích của giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Trọng Hoài, tại các quốc gia trên thế giới, tự chủ tài chính của các trường đại học là sự kết hợp hành lang pháp lý do Chính phủ ban hành cộng với nỗ lực tự thân của các trường đại học. Hành lang pháp lý do Chính phủ ban hành thường nhắm đến 2 hướng: Chính phủ đảm bảo các tài trợ công chiến lược, nhưng vẫn cắt giảm nguồn ngân sách tài trợ nhằm tạo động lực cho trường đại học nỗ lực tìm kiếm nguồn thu; đồng thời nới lỏng các chính sách tạo nguồn thu, đa đạng hóa nguồn thu để các trường đại học có khả năng đầu tư và phát triển bền vững.
Hiện nay, một trong những chính sách được các quốc gia châu Á áp dụng rộng rãi để khuyến khích, thúc đẩy tự chủ tài chính là thắt chặt ngân sách Chính phủ tài trợ cho các trường đại học. Bên cạnh việc cắt giảm ngân sách, Trung Quốc và Nhật Bản sử dụng các gói tài trợ hướng vào các mục tiêu cụ thể thay vì cấp phát ngân sách cho các trường đại học theo cơ chế bao cấp hoàn toàn như trước.
Trung Quốc vào giai đoạn 1993-2001 đã triển khai các nội dung về tự chủ tài chính đại học theo chương trình cải cách và phát triển giáo dục vào năm 1995, Luật Giáo dục đại học vào năm 1998. Kết quả là chi hàng năm ngân sách của Chính phủ Trung Quốc cho giáo dục đại học trong giai đoạn trên giảm từ 83% xuống còn 53%.
Ở Nhật Bản, trong giai đoạn 2004-2009, nguồn thu từ các khoản phí đã chiếm 60% nguồn thu của các trường đại học tư nhân, trong khi đó nguồn tài trợ của Chính phủ chỉ còn chiếm 12%.
Nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Trường Đại học Kinh tế-Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho thấy, xu hướng trên thế giới là trao quyền tự chủ cho các đại học công lập, nhưng Nhà nước vẫn giữ vai trò quan trọng trong cung cấp tài chính cho cơ sở vật chất và nghiên cứu khoa học.
Tại Liên bang Nga, trong những năm qua, cùng với sự mở rộng mạng lưới trường đại học tư, Nga đã có chính sách sắp xếp lại các trường đại học công lập. Chính phủ chọn ra 40 trường hàng đầu để Nhà nước đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đội ngũ trong vòng 5 năm. Cùng với tăng cơ sở vật chất và chất lượng đội ngũ, các trường đại học công lập cũng tăng học phí, thu hút sinh viên ngoại quốc với học phí cao hơn để nâng cao thu nhập cho đội ngũ giảng viên.
Tại Pháp, nguồn tài trợ chính cho các trường đại học công là ngân sách nhà nước Trung ương chiếm tới 75-80%, sử dụng cho cơ sở vật chất và chi thường xuyên. Tài trợ của ngân sách vùng và Liên minh châu Âu cho các dự án nghiên cứu chiếm từ 5-10%. Nguồn học phí chiếm rất ít, từ 3-5%. Chính phủ cũng dành một tỷ lệ nhỏ học bổng cho sinh viên nghèo.
Đến thực tiễn triển khai tại Việt Nam
Với Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập, đến năm 2018, đã có 23 trường đại học tự chủ. Các trường đảm bảo được toàn bộ chi thường xuyên và trích lập được các quỹ nhờ việc tự chủ học phí, tăng quy mô đào tạo các chương trình chất lượng cao.
Tuy nhiên, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Trọng Hoài cho rằng, việc thực hiện chính sách tự chủ tài chính đại học tại Việt Nam vẫn gặp phải những hạn chế. Trong đó, Chính phủ chưa có định hướng cụ thể cho việc chuyển tiếp từ giai đoạn thí điểm của Nghị quyết 77 sang giai đoạn chính thức thực hiện. Điều này gây khó khăn cho các trường đại học trong việc lập kế hoạch phát triển dài hạn, đầu tư vào cơ sở vật chất và nhân sự.
Chính phủ cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về quyền tự chủ của trường đại học trong các mức chi tiêu, như chi cho nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, chi xây dựng chương trình giáo dục, chi xây dựng giáo trình đại học và chi công tác phí. Bên cạnh đó, Nhà nước vẫn chưa tính đúng, tính đủ mức chi phí thực tiễn cần thiết để bảo đảm chất lượng đào tạo.
Căn cứ để xây dựng khung học phí, bao gồm định mức kinh tế-kỹ thuật phù hợp với từng nhóm ngành, chuyên ngành đào tạo còn chưa được tính toán một cách đầy đủ, khoa học, phù hợp với thực tiễn. Thu từ học phí và lệ phí vẫn là nguồn thu chính của trường đại học tự chủ khi chiếm trên 70% tổng thu; nguồn thu phụ thuộc nhiều vào tình hình tuyển sinh. Đây là rủi ro cao đối với chất lượng đào tạo của trường đại học do tuyển sinh phụ thuộc vào nhu cầu xã hội và quy định của Nhà nước.
Từ kinh nghiệm thực tiễn của một số quốc gia trên thế giới và bối cảnh tự chủ tài chính giáo dục đại học Việt Nam cho thấy tự chủ đại học không đồng nghĩa với việc Chính phủ cắt giảm hoàn toàn nguồn ngân sách tài trợ. Nguồn ngân sách của Chính phủ vẫn đóng vai trò quan trọng đối với các trường đại học, tạo nền tảng vững chắc để trường đại học chuyển dần sang mô hình tự chủ tài chính.
Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Trọng Hoài nhấn mạnh hiện nay, hệ thống trường đại học tại Việt Nam còn nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, nên gặp nhiều khó khăn trong việc đa dạng hóa nguồn thu. Nguồn thu chủ yếu vẫn tập trung vào học phí và lệ phí. Do đó, việc Nhà nước cắt giảm hoàn toàn nguồn ngân sách tài trợ sẽ khiến các trường gặp khó khăn rất lớn trong việc duy trì hoạt động ổn định.
Vì vậy, gói tài trợ từ Chính phủ cần hướng đến các trường đại học được cho phép tự chủ hoàn toàn, cụ thể là phải tập trung vào các phòng thí nghiệm có khả năng tiếp cận nghiên cứu đẳng cấp quốc tế; thu hút sinh viên quốc tế và học giả quốc tế phát triển nghiên cứu; cơ chế học bổng đào tạo nghiên cứu sinh trong nước có khả năng công bố quốc tế; nguồn tài trợ cho các tạp chí học thuật phát triển hệ thống xếp hạng quốc tế; nguồn tài trợ nghiên cứu công bố quốc tế và nghiên cứu chuyển giao gắn với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.
Phó giáo sư-tiến sỹ Đặng Thị Thanh Huyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Quản lý giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục, chia sẻ, Nhà nước cần thay đổi căn bản cơ chế, chính sách và quản trị tài chính của trường đại học công lập. Cơ chế đầu tư cho giáo dục cần thay đổi, từ chủ yếu ngân sách nhà nước cấp sang đa dạng hóa nguồn thu cho các trường, nhưng Nhà nước vẫn kiểm soát chặt chẽ về tài chính đối với tất cả các cơ sở giáo dục đại học. Ngân sách Nhà nước chủ yếu phân bổ cho các ngành ưu tiên theo cơ chế đặt hàng. Các ngành, chuyên ngành đào tạo khác, Nhà nước quy định tỷ lệ hỗ trợ cho trường trên cơ sở tính toán mức thu học phí và điều kiện đảm bảo chất lượng.
Theo nhóm các nhà khoa học Trường Đại học Kinh tế-Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), hiện số lượng cơ sở giáo dục đại học công lập của Việt Nam là quá lớn trong bối cảnh nguồn chi ngân sách nhà nước cho giáo dục hạn hẹp. Giải pháp tốt nhất để nâng cao chất lượng là giảm số lượng trường công nhằm tập trung ngân sách cho các trường công trọng điểm. Nhà nước cần tái cấu trúc hợp lý lại hệ thống các trường, phân loại, sắp xếp tầm quan trọng của các ngành đào tạo để đầu tư hợp lý, hiệu quả./.
Ý kiến ()