Tạo môi trường thuận lợi xây dựng thành công chính quyền điện tử
(LSO) – Để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) giai đoạn 2019 – 2025, năm 2019, các cấp, ngành trong tỉnh đã nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi về chính sách, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ hoạt động và người dân, doanh nghiệp.
Tạo môi trường pháp lý thuận lợi
Xây dựng CQĐT nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; nâng cao chỉ số xếp hạng chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT (ICT – Index) của tỉnh. Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết: Điều kiện cần thiết để xây dựng thành công CQĐT đến năm 2025 là hành lang pháp lý, hạ tầng, việc ứng dụng CNTT. Vì thế thời gian qua, các cơ quan liên quan đã tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh tạo hành lang pháp lý thuận lợi để triển khai đồng bộ, có hệ thống, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật và bảo mật trong công tác quản lý, điều hành công việc, trao đổi văn bản điện tử qua mạng của các cơ quan, đơn vị, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong triển khai ứng dụng CNTT.
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân nộp hồ sơ điện tử qua mạng
Hành lang pháp lý đó có thể kể đến như việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 122 ngày 24/11/2014 về thực hiện Nghị Quyết số 36 ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. UBND tỉnh ban hành Quyết định 254 ngày 8/3/2012 phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011 – 2020; tổ chức lập và phê duyệt Quy hoạch phát triển CNTT tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2007 – 2015 và định hướng đến năm 2020; ban hành Quyết định 1360 ngày 20/7/2018 phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Lạng Sơn phiên bản 1.0; Quyết định 2358 ngày 20/11/2018 về việc thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Lạng Sơn và ban hành Quy chế quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến, hệ thống thư điện tử, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động ứng dụng CNTT của các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh; thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng CQĐT tỉnh Lạng Sơn…
Đáp ứng yêu cầu về hạ tầng công nghệ thông tin
Bên cạnh hành lang pháp lý, hạ tầng và việc ứng dụng CNTT đóng vai trò hết sức quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi triển khai CQĐT. Vì lẽ đó, chính quyền tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đảm bảo đáp ứng yêu cầu về hạ tầng CNTT. Theo đó, đến hết năm 2019, 100% sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã có mạng LAN nội bộ kết nối Internet; cả tỉnh có trên 6.300 máy tính, trong đó có 150 máy chủ trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức của các cơ quan, đơn vị khối hành chính đạt 93,5%. Trong đó, cấp sở ngành đạt 100%; cấp huyện đạt 100%; cấp xã đạt trên 75,1%. Các trang thiết bị phụ trợ như: máy in, máy photo, máy quét, thiết bị mạng cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác; 100% thị trấn, thành phố có sóng di động 3G, 100% xã, phường, thị trấn có mạng Internet băng thông rộng cáp quang. Ông Bùi Văn Côi, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Sở thường xuyên quan tâm đầu tư hạ tầng CNTT, hiện đã có khoảng 10 phần mềm chuyên ngành, gần 30% TTHC được ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 vào giải quyết, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Hạ tầng CNTT được phát huy hiệu quả giúp giảm áp lực công tác cho cán bộ và tạo thuận lợi cho việc giải quyết các TTHC; theo dõi, giám sát của tổ chức, cá nhân đối với việc giải quyết TTHC.
Giám đốc Sở TT&TT khẳng định: Với những nền tảng có sẵn của năm 2019 – năm đầu tiên thực hiện đề án xây dựng CQĐT tỉnh giai đoạn 2019 – 2025, tin rằng các nhiệm vụ, mục tiêu trong việc xây dựng CQĐT của tỉnh đến năm 2025 sẽ thành công như mong muốn.
Lạng Sơn đặt mục tiêu xây dựng CQĐT tỉnh đến năm 2025 là: 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; 80% TTHC đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; 40% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống CQĐT; 50% hồ sơ TTHC được giải quyết theo DVCTT mức độ 3, 4; 90% hồ sơ công việc tại tỉnh, 80% tại cấp huyện và 60% tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; đảm bảo 100% cán bộ, công chức, viên chức có thể sử dụng khai thác có hiệu quả CQĐT của tỉnh… |
MINH ĐỨC
Ông Bùi Đức Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công: “Ứng dụng nhiều hạ tầng, phần mềm CNTT”.
Trung tâm Phục vụ hành chính công (PVHCC) tỉnh được trang bị đầy đủ cơ sở hạ tầng, máy móc phục vụ công tác như: hệ thống tivi, camera theo dõi, bảng, biểu hướng dẫn thủ tục hành chính (TTHC) và 100% cán bộ có máy tính cá nhân. Trung tâm đã và đang sử dụng các phần mềm hỗ trợ giải quyết TTHC như: phần mềm lấy số tự động, phần mềm Dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử, phần mềm thanh toán của Ngân hàng Vietinbank … Từ tháng 1/2019 đến nay, trung tâm tiếp nhận và giải quyết được hơn 15 nghìn hồ sơ TTHC của các sở, ban, ngành. Trong đó có khoảng 20% hồ sơ được nộp và giải quyết qua mạng, đặc biệt có 100% hồ sơ lĩnh vực vận tải tiếp nhận qua mạng. Nhờ đó, hơn 30% số hồ sơ được giải quyết trước thời hạn, chỉ khoảng 1% số hồ sơ bị trả quá hạn. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với Sở thông tin và Truyền thông, Viễn thông Lạng Sơn chỉnh sửa hoàn thiện chức năng cơ bản của các phần mềm ứng dụng cho phù hợp; đẩy mạnh kiểm soát việc hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ TTHC; tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực cho công chức, viên chức giải quyết TTHC; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát … để có những bước đột phá hơn nữa trong giải quyết TTHC góp phần xây dựng thành công chính quyền điện tử tỉnh.
Ông Hoàng Minh Tuyền, Phó trưởng Phòng Cải cách thủ tục hành chính, Sở Nội vụ: “Cần thực hiện hiệu quả các giải pháp”.
Xây dựng CQĐT tỉnh Lạng Sơn sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh dựa trên nền tảng phát triển CNTT và truyền thông, phù hợp với xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việc xây dựng CQĐT nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển CQĐT dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số… Để thực hiện mục tiêu trên, các sở, ban, ngành tập trung thực hiện những nhóm nhiệm vụ cơ bản gồm: nhóm nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ; xây dựng hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin; đào tạo, nâng cao trình độ CNTT cho cán bộ, công chức; xây dựng Đề án đô thị thông minh tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020 – 2025… Chỉ khi thực hiện tốt những nhóm nhiệm vụ cơ bản trên, công tác xây dựng CQĐT Lạng Sơn nói riêng, cải cách thủ tục hành chính nói chung mới đạt được những hiệu quả tích cực, dựa trên 3 tiêu chí mà người dân mong muốn đó là: minh bạch, hiệu quả và chuẩn hóa; với phương châm kịp thời, nhanh chóng, tiết kiệm.
Bà Đỗ Thị Duyên – Nhân viên Công ty TNHH Duy Quang (thành phố Lạng Sơn): “Thuận lợi nhờ nộp hồ sơ điện tử”.
Trung bình mỗi năm, công ty tôi thực hiện cấp đổi phù hiệu khoảng hơn 30 xe taxi. Trước đây, việc thực hiện hồ sơ là nộp bản giấy nên mỗi lần thực hiện đổi phù hiệu cho nhiều hoặc 1 xe, tôi đều phải trực tiếp đến Sở Giao thông – Vận tải nộp hồ sơ nên rất mất thời gian, công sức mà hiệu suất công việc không cao. Hai năm gần đây, nhờ thực hiện nộp hồ sơ điện tử qua mạng, tôi chỉ cần scan các giấy tờ cần thiết như: giấy đề nghị cấp phù hiệu, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy đăng ký xe ô tô … rồi gửi hồ sơ qua mạng Internet, sau đó nhấn “theo dõi” là có thể biết được mọi biến động về quy trình hồ sơ của mình. Lúc đầu có hơi bỡ ngỡ, nhưng khi quen rồi thì tôi thấy rất tiện lợi, hầu hết hồ sơ đều được giải quyết sớm hơn hoặc đúng thời hạn.
ĐẶNG DŨNG
Ý kiến ()