Tạo môi trường thuận lợi cho đối thoại Israel-Palestine
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan (G.Xu-li-van) đã tiếp Tổng Thư ký Ban Chấp hành Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Hussein Al Sheikh (H.A. Sếch) tại Nhà trắng.
Người dân Palestine nhận viện trợ quốc tế. (Ảnh ASHRAFUL AID). |
Hai bên đã đề cập tới lợi ích của Mỹ trong hỗ trợ hòa bình và ổn định, duy trì con đường tiến tới các cuộc đàm phán để thành lập hai nhà nước và thúc đẩy các biện pháp bình đẳng về an ninh, thịnh vượng và tự do cho cả người Israel và Palestine. Đây là một tín hiệu tích cực nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông vốn đang lâm vào bế tắc.
Các quan chức Mỹ và Palestine đã thảo luận về giải pháp hai nhà nước cũng như tình hình an ninh hiện nay ở khu Bờ Tây. Cố vấn Sullivan đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các bước giảm leo thang căng thẳng ở Bờ Tây bằng cách ngăn ngừa khủng bố và kích động bạo lực, lưu ý tầm quan trọng của tất cả các bên trong kiềm chế các hành động đơn phương đe dọa sự ổn định khu vực. Trong khuôn khổ các hoạt động tại Mỹ, Tổng Thư ký Ban Chấp hành PLO Al Sheikh cũng đã gặp Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman (O.Sơ-man), thảo luận về cam kết đối với giải pháp hai nhà nước cho Israel và Palestine, với đường biên giới trước năm 1967 và những nỗ lực chung nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân Palestine. Hai quan chức cũng trao đổi về căng thẳng hiện tại ở Bờ Tây và nhu cầu cấp thiết để cải thiện môi trường an ninh.
Trong nhiều tháng qua, khu Bờ Tây chứng kiến nhiều vụ xung đột giữa quân đội Israel và người Palestine. Theo thống kê của phía Palestine, từ đầu tháng 1 đến nay, hơn 100 người Palestine thiệt mạng trong các cuộc xung đột. Trong khi đó, phía Israel thông báo 18 người Israel thiệt mạng trong các vụ tấn công của người Palestine tại một số thành phố của Israel kể từ tháng 3. Sau nhiều năm xung đột và chịu các lệnh phong tỏa từ Israel, tình hình kinh tế của Palestine gặp nhiều khó khăn. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, nền kinh tế Palestine, vốn dựa chủ yếu vào các nguồn tài trợ và viện trợ nước ngoài, sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 3,5% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,1% mà nền kinh tế Palestine đạt được trong năm 2021. Trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế ở các vùng lãnh thổ của Palestine được dự báo sẽ chậm lại, do chi tiêu công giảm sút và áp lực lạm phát kéo dài. Theo WB, giữa lúc giá cả tiếp tục leo thang, các hộ gia đình tại các vùng lãnh thổ của Palestine đang phải đối mặt nhiều khó khăn khi giá bánh mì, bột mì và dầu thực vật tăng trung bình 80%. Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) nhận định, Palestine đang đối mặt nguy cơ lạm phát cao hơn và tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng hơn trong năm nay, vì hầu hết nguồn cung lúa mì của Palestine được nhập khẩu từ Nga và Ukraine.
Với cam kết đưa Mỹ trở lại vai trò trung gian cho cuộc xung đột Israel và Palestine, đồng thời thúc đẩy giải pháp hai nhà nước, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) đã có những bước đi nhằm tạo bầu không khí thuận lợi thúc đẩy đối thoại giữa Israel và Palestine. Để củng cố các chương trình đối thoại Israel-Palestine và phát triển doanh nghiệp Palestine, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) thông báo danh sách đối tượng nhận ba khoản viện trợ tổng trị giá 7,8 triệu USD của Quốc hội Mỹ. Các khoản viện trợ này dựa trên cơ sở Đạo luật Đối tác Trung Đông vì hòa bình (MEPPA) được Quốc hội Mỹ thông qua năm 2020, dự kiến sẽ cấp 250 triệu USD trong vòng 5 năm để hỗ trợ nỗ lực xây dựng hòa bình nhân dân với nhân dân. Mỹ bắt đầu phân bổ các khoản viện trợ đầu tiên vào năm 2021 và ba khoản viện trợ mới được công bố.
Khoản viện trợ đầu tiên trong ba dự án nêu trên là 1 triệu USD, triển khai trong hai năm theo sáng kiến “Xây dựng Hòa bình” nhằm kết nối người Israel và Palestine, đồng thời thúc đẩy các giải pháp đổi mới về cơ khí và công cụ sản xuất, như in 3D, cung cấp các giải pháp phù hợp cho người già và người tàn tật. Dự án Trung tâm chăm sóc đặc biệt Israel-Palestine sẽ được nhận 2,3 triệu USD trong vòng ba năm nhằm xây dựng một phương pháp tiếp cận mang tính hệ thống cho hoạt động hợp tác xuyên biên giới dưới hình thức ngoại giao y tế và biện pháp cải thiện hoạt động chăm sóc y tế. Khoản viện trợ 4,5 triệu USD trong vòng ba năm sẽ được trao cho dự án Thúc đẩy Thế hệ tiếp theo, với mục tiêu cung cấp chương trình huấn luyện doanh nghiệp tăng cường kéo dài ba tháng và hỗ trợ tiếp theo cho hơn 120 thanh niên Israel và Palestine nhằm kết nối cá nhân trong quá trình cùng làm việc.
Ý kiến ()