Tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng bền vững
LSO-Thời gian qua, ngành Công Thương Lạng Sơn đã phát huy hiệu quả vai trò quản lý nhà nước trong phát triển lĩnh vực thương mại – dịch vụ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các chương trình, hoạt động để bảo vệ quyền, lợi ích người tiêu dùng. Nhân ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15/3/2020, phóng viên Báo Lạng Sơn đã phỏng vấn ông Phùng Quang Hội, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn để làm rõ về công tác bảo vệ người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thời gian qua.
PV: Xin ông cho biết về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong những năm qua?
Ông Phùng Quang Hội: Với lợi thế của một tỉnh vùng biên giới có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa diễn ra sôi động, Lạng Sơn đang có những bước phát triển nhanh về kinh tế, thu thuế từ hoạt động thương mại chiếm trên 80% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh. Lạng Sơn đã, đang và sẽ trở thành trung tâm giao lưu thương mại lớn của quốc gia và khu vực. Do vậy, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như các cơ sở sản xuất kinh doanh chân chính trong nước, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng quyết liệt triển khai công tác kiểm tra và xử lý các hành vi buôn lậu, sản xuất, tiêu thụ hàng hóa không đảm bảo chất lượng, hàng nhái, hàng giả, không rõ nguồn gốc và không đảm bảo vệ sinh ATTP trên địa bàn.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhận thức của các tổ chức và cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ khiếu nại của người tiêu dùng (NTD) còn rất thấp so với các vụ vi phạm được phát hiện. Điều này, một phần vì tâm lý ngại đụng chạm đến các tổ chức và cá nhân kinh doanh, nhưng một phần do bản thân NTD chưa ý thức được quyền của mình với các nhà cung cấp sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và địa chỉ để khiếu nại. Nhiều trường hợp NTD bị thiệt hại nhưng không biết phải hỏi ai, không biết khiếu nại ở cơ quan đơn vị nào. NTD mua hàng nhưng không đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng và một phần khác do phía doanh nghiệp thiếu thiện chí với người tiêu dùng.
PV: Trong dịp ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15/3 năm nay, tỉnh Lạng Sơn nói chung, Sở Công Thương Lạng Sơn nói riêng có những hoạt động nổi bật gì để thiết thực bảo vệ quyền lợi NTD, thưa ông?
Ông Phùng Quang Hội: Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Công Thương, của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và UBND tỉnh Lạng Sơn về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15/3/2020, Sở Công Thương đã giao cho Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Lạng Sơn tổ chức tuyên truyền bằng phóng sự phát trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, trên Báo Lạng Sơn, băng rôn, khẩu hiệu treo ở các trục đường chính trên địa bàn thành phố Lạng Sơn và trung tâm thương mại các huyện. In và phát tờ rơi tại các chợ, các siêu thị, trung tâm thương mại các huyện và thành phố, với chủ đề “Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử” nhân ngày Quyền của người tiêu dùng 15/3/2020.
Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp của dịch viên đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) gây ra, Sở Công Thương đã có công văn kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tổ chức các chương trình, hoạt động tri ân người tiêu dùng như: Hỗ trợ bảo hành sản phẩm, hỗ trợ, tư vấn sản phẩm tiêu dùng an toàn, tiết kiệm, giảm giá, có các chương trình khuyến mại và hoạt động tri ân khác. Đồng thời, vận động các doanh nghiệp có website thương mại điện tử, các ngân hàng thương mại hỗ trợ, hướng dẫn người tiêu dùng các hình thức thanh toán trực tuyến, nhất là trong các ngày, các đợt, mùa mua sắm cao điểm, cùng với việc tập trung vào các hoạt động nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
PV: Ông có dự định gì trong hoạt động của Sở Công Thương với công tác bảo vệ người tiêu dùng trong thời gian tới ?
Ông Phùng Quang Hội: Thời gian tới, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong điều kiện thị trường rộng mở, hội nhập với khu vực và quốc tế, có rất nhiều thuận lợi song cũng không ít thách thức, Sở Công thương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến rộng rãi hơn nữa về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thông tin, cung cấp cho người tiêu dùng những kiến thức, kỹ năng để nhận biết về hàng giả, hàng kém chất lượng một cách thường xuyên hơn. Tăng cường giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện pháp luật về đo lường, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, tiếp tục kiện toàn và phát triển mạng lưới Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, Sở Công Thương sẽ chủ động phối hợp với các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố để triển khai hiệu quả công tác bình ổn thị trường, đấu tranh ngăn chặn các hành vi buôn bán, vận chuyển hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ qua địa bàn, điều này không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích của người dân Lạng Sơn mà còn tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng bền vững trên cả nước./.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Ý kiến ()