Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn, minh bạch hơn
Ngày 10-11, kỳ họp thứ tám, Quốc hội (QH) khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ 18. Buổi sáng, QH thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Ðầu tư (sửa đổi). Buổi chiều, các đại biểu QH biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015, Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015 và thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Quy định rõ ngành, nghề, lĩnh vực ưu đãi
Mở đầu phiên họp buổi sáng, QH nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Ðầu tư (sửa đổi). Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật, đề cập tên gọi của dự thảo luật, đại biểu Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh) cho rằng, để phù hợp phạm vi điều chỉnh và phân biệt rõ lĩnh vực đầu tư, tên các luật mà QH đã ban hành, nên sửa tên thành Luật Ðầu tư kinh doanh (ÐTKD). Ðề cập về ngành, nghề cấm ÐTKD và ngành, nghề ÐTKD có điều kiện (điều 6, 7 và 8), đại biểu Ðỗ Văn Vẻ (Thái Bình), Phan Văn Quý (Nghệ An) và một số đại biểu cho rằng, quy định như trong dự thảo luật còn chung chung. Vì thực tế hiện nay, có lĩnh vực ÐTKD có điều kiện phải xin giấy chứng nhận được phép kinh doanh. Nếu dự thảo luật không làm rõ vấn đề nêu trên, khi luật được ban hành, không chỉ hạn chế quyền tự do ÐTKD của công dân, các tổ chức, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tính mạng, sức khỏe của người dân… Các đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo cần rà soát, điều chỉnh phạm vi ngành, nghề ÐTKD, quy định rõ trong dự thảo luật từng ngành, nghề cấm ÐTKD và từng danh mục ngành, nghề ÐTKD có điều kiện; tiêu chí, giải pháp và các trường hợp đủ điều kiện được ÐTKD, tạo môi trường ÐTKD thuận lợi, minh bạch, tránh cơ chế “xin cho” trong hoạt động ÐTKD…
Ðề cập về vấn đề ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư (Chương III), đại biểu Danh Út (Kiên Giang) và một số đại biểu cho rằng, dự thảo luật quy định còn chung chung, chưa hợp lý. Vì vậy cần quy định cụ thể từng lĩnh vực, ngành, nghề và địa bàn được ưu đãi đầu tư; cần bổ sung quy định ưu đãi đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước ÐTKD ở địa bàn đặc biệt khó khăn thuộc miền núi, vùng sâu, vùng xa; các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, như: rau, củ, quả, giày, dép và một số ngành, nghề; doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thiết yếu cho người khuyết tật, trẻ em… Ðồng thời, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, nâng cao chất lượng hàng nội địa, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước phát triển, mở rộng thị trường, đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp các nước trong khu vực. Về vấn đề này, đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre) và một số đại biểu cho rằng, thời gian qua, việc ưu đãi đầu tư được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, gây khó khăn cho nhà đầu tư, do vậy dự thảo luật cần quy định về ưu đãi đầu tư cụ thể hơn và đặt trong tương quan so sánh với các nước cùng khu vực.
Tăng 8% lương với một số đối tượng
Ðầu giờ làm việc buổi chiều, QH biểu quyết thông qua mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu năm 2015 và biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015; biểu quyết thông qua Ðiều 1 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015 và biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước.
Theo đó, Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội xác định các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2015, gồm: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%. Tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu khoảng 5%. Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30%-32% GDP. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7%-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%. Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.
Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015 nêu rõ: Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ; phân bổ chi ngân sách Nhà nước tập trung, chống dàn trải, lãng phí, thất thoát; quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tăng cường kỷ luật tài chính – ngân sách. Thực hiện điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống). Thời điểm thực hiện từ ngày 1-1-2015.
Thảo luận về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), nhiều đại biểu nêu rõ: Cần xác định rõ Luật Doanh nghiệp là luật gốc, luật chung về doanh nghiệp, các luật chuyên ngành có quy định về doanh nghiệp như Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán… phải phù hợp Luật Doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp quy định những nguyên tắc pháp lý về thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, được áp dụng chung cho tất cả loại hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của doanh nghiệp trong một số lĩnh vực, một số luật chuyên ngành cần có những quy định riêng áp dụng cụ thể cho lĩnh vực đặc thù đó.
Ðại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh) và một số đại biểu khác băn khoăn, việc đăng ký thành lập một doanh nghiệp rất thông thoáng, thuận lợi nhưng chưa có chế tài pháp lý để ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp cũng như vai trò của Nhà nước trong việc quản lý tài sản, vị trí, địa điểm của doanh nghiệp khi cho thành lập doanh nghiệp. Thực tế, những năm qua, có rất nhiều doanh nghiệp thành lập lợi dụng sự thông thoáng của luật, lập doanh nghiệp để buôn bán hóa đơn, trốn thuế, lừa đảo… thông qua hoàn thuế giá trị gia tăng. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh quán bar, ka-ra-ô-kê… vi phạm pháp luật bị xử phạt hành chính, đã giải thể để trốn tránh pháp luật. Nhưng ngay sau đó, chính tại địa điểm đó có một doanh nghiệp lại được hình thành mới. Mà thực chất là chính con người đó, tài sản đó với một tên gọi khác. Vì vậy, dự thảo luật cần có những quy định chặt chẽ hơn để ngăn chặn thực trạng này.
Thủ tướng và bốn bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn tại kỳ họp Chiều 10-11, trao đổi với báo chí, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, các vị bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tám, QH khóa XIII gồm: Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hải Chuyền và Bộ trưởng Giao thông vận tải Ðinh La Thăng. Theo thông lệ tại các kỳ họp QH cuối năm, Thủ tướng sẽ báo cáo làm rõ thêm những vấn đề mà các bộ trưởng đã trả lời và trả lời chất vấn của các đại biểu QH. |
Thời gian qua, việc cấp giấy chứng nhận đầu tư trong nước, nhất là các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, sản xuất các sản phẩm gia công, chế biến, nhà đầu tư phải tự liên hệ các cơ quan chức năng, cho nên thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư thường kéo dài, gây khó khăn, tốn kém cho nhà đầu tư… Dự thảo Luật Ðầu tư (sửa đổi) cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan cấp giấy đầu tư, thời gian cấp giấy đầu tư…, để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Ðại biểu PHẠM THỊ MỸ LỆ (Bình Phước) |
Ngoài ban hành danh mục lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, Nhà nước còn có chính sách bảo hộ đầu tư đối với doanh nghiệp FDI. Thí dụ, nếu chính sách ban hành sau bất lợi hơn cho doanh nghiệp thì họ vẫn được hưởng các ưu đãi chính sách đã được ghi trong giấy phép đầu tư đã cấp. Ngược lại, nếu chính sách thay đổi sau có lợi hơn với doanh nghiệp thì cho phép họ áp dụng chính sách có lợi hơn. Nhà nước luôn bảo hộ và áp dụng những điều kiện thuận lợi nhất giúp doanh nghiệp phát triển. Ðại biểu BÙI QUANG VINH (Lai Châu) |
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()