Tạo mọi thuận lợi để công nghiệp, thương mại phát triển mạnh hơn
Sáng 31-12, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo.
Bộ Công thương cho biết, năm 2015, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,8%, cao hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ các năm gần đây. Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung (tăng 10,6%), đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng của ngành. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 162,4 tỷ USD, tăng khoảng 8,1% so với năm 2014; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 165,6 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2014; nhập siêu được kiểm soát tốt, cả năm nhập siêu ước khoảng 3,17 tỷ USD, tương đương 2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ngành công thương đã đề ra các mục tiêu để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2016 tăng 6,7%, cụ thể: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 9 đến 10% so với năm 2015; xuất khẩu đạt khoảng 178 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2015; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu duy trì ở mức dưới 5%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước tăng khoảng 11,5 đến 12%…
Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, trong thành tựu chung mà cả nước đạt được, những đóng góp của ngành công thương là rất lớn, rất quan trọng, nhất là đóng góp cho tăng trưởng, cho ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết việc làm và cải thiện đời sống nhân dân và nhiều lĩnh vực khác. “Thay mặt Chính phủ, tôi biểu dương, đánh giá cao sự phấn đấu, nỗ lực của ngành công thương trong năm 2015 nói riêng và năm năm qua nói chung; mong rằng các đồng chí tiếp tục phát huy những thành tựu, kết quả đạt được; ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại; tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được đặt ra cho năm 2016 và cả giai đoạn 2016-2020 với tinh thần cao hơn năm 2015 và cao hơn giai đoạn 2011-2015” – Thủ tướng nêu rõ.
Về những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Thủ tướng nhấn mạnh, trước hết ngành công thương cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch để tạo điều kiện thuận lợi cho các lĩnh vực công nghiệp, thương nghiệp phát triển mạnh hơn, bền vững hơn nữa. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi thể chế chính là tạo ra hạ tầng mềm, nếu không có cơ chế, chính sách phù hợp thì không thể phát triển; thể chế, cơ chế, chính sách là nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đầu tư phát triển công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ.
“Xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách là việc của chúng ta; DN, người dân không thể làm thay được mà Nhà nước phải làm; trong lĩnh vực này trực tiếp là ngành công thương. Trên cơ sở hệ thống pháp luật, chiến lược, quy hoạch,… các đồng chí phải rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách theo tinh thần thực hiện cơ chế thị trường đầy đủ, tạo mọi thuận lợi cho người dân, DN phát triển sản xuất, kinh doanh. Chúng ta không làm được điều này thì không thể thực hiện được yêu cầu đặt ra, không thể nâng cao được năng lực cạnh tranh”, Thủ tướng lưu ý, đồng thời nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách,… phải hết sức sâu sát, lắng nghe ý kiến của người dân, DN, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đề xuất, xây dựng.
Cùng với đó là không ngừng nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ; phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa đối với các sản phẩm công nghiệp, dịch vụ. Tận dụng tối đa các cơ hội, lợi thế từ thành quả hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế mang lại. Khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh, mở rộng thị trường xuất khẩu bởi thị trường là yếu tố quyết định đối với sản xuất. Những gì còn vướng, còn khó khăn cho hoạt động xuất khẩu phải triệt để tập trung tháo gỡ, tạo mọi điều kiện để mở rộng thị trường cho các mặt hàng mà trước hết là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giày, đồ gỗ, nông-thủy sản… Đi liền với đó là kiểm soát tốt nhập siêu, xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất, thị trường trong nước phù hợp các cam kết, thông lệ quốc tế. “Đẩy mạnh sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu để tạo việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng, đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị, xã hội,…”, Thủ tướng nhấn mạnh và nêu rõ: Cùng với đó là phải tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường trong nước-một thị trường rộng lớn, có nhiều tiềm năng với dân số hơn 90 triệu người và trong tương lai không xa sẽ là 100 triệu dân. Chúng ta phải chiến thắng trên sân nhà và điều rất mừng hiện nay là ở các siêu thị, hàng hóa tiêu dùng của Việt Nam chiếm tỷ trọng lên tới hơn 90%.
Thủ tướng chỉ đạo ngành công thương cần quan tâm thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh ở từng lĩnh vực trong đó đặc biệt quan tâm tới tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước của ngành nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, năng suất lao động, năng lực quản trị của doanh nghiệp nhà nước; tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN, người dân thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, cạnh tranh của DN và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()