Tạo lực phát triển bền vững
Giờ học của lớp mầm non 4 tuổi Trường Mầm non xã Tô Hiệu (Bình Gia) |
TĂNG NHANH VỀ QUY MÔ
Nếu năm học 2010-2011, toàn tỉnh đạt tỷ lệ huy động 24,5% số trẻ độ tuổi nhà trẻ và 95,3% số trẻ độ tuổi mẫu giáo, thì năm học 2014-2015, tổng số trẻ đến trường đã tăng 1,54 lần; trong đó, tỷ lệ huy động độ tuổi nhà trẻ đã tăng 1,6 lần, huy động trẻ mẫu giáo đạt 98,10%; riêng tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đã đạt 99,58%.
Nếu năm học 2010-2011, toàn tỉnh mới có 139 trường MN, thì đến cuối năm 2014 đã có 212 trường. Tỷ lệ trẻ bán trú đã đạt 94%; riêng trẻ 5 tuổi được bán trú đạt 89,6%. Do tỷ lệ bán trú cao, được nuôi dưỡng tốt, nên tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân đã giảm 1,6%, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi đã giảm 1,24% so với năm đầu tiên thực hiện phổ cập.
Xác định vị trí của cấp học MN trong hệ thống giáo dục quốc dân và đối với sự phát triển của trẻ thơ, vai trò của việc gửi trẻ trong giải phóng sức lao động của phụ nữ, ngành GD&ĐT đã tăng cường phối hợp với các ngành, đoàn thể để tuyên truyền người dân đưa trẻ em đến trường. Mặt khác, do tác động của chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ mầm non từ 3-5 tuổi nên người dân đã tự giác đưa trẻ đi học. Không chỉ ở khu vực thành phố mà tại các huyện, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ rất cao như Đình Lập 52,81%, Cao Lộc 39,08%.
ĐẦU TƯ CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ ĐỘI NGŨ
Năm đầu tiên bước vào thực hiện phổ cập, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên là khó khăn lớn nhất mà ngành GD&ĐT phải đối mặt. Bằng các giải pháp cụ thể như học nhờ trường phổ thông, mượn nhà văn hóa, nhà dân và bằng các nguồn lực để xây dựng phòng học, bếp ăn bán trú…, đến nay, cấp học mầm non đã cơ bản ổn định, toàn tỉnh chỉ còn 45/212 trường MN chưa có cơ sở riêng ở trường chính, có 174/548 điểm trường MN học nhờ phổ thông và 151 điểm trường học nhờ nhà văn hóa thôn. Đối với phòng học cho mẫu giáo 5 tuổi, toàn tỉnh còn 67/778 lớp trong phòng học tạm, trong đó chủ yếu là ở 3 huyện Bình Gia 28 phòng, Bắc Sơn 23 phòng và Đình Lập 12 phòng; còn 149 lớp học trong nhà văn hóa thôn, nhà dân và 18 lớp học chung với phổ thông 1 buổi/ngày. Trong 4 năm qua, ngành GD&ĐT đã dành hàng chục tỷ đồng mua sắm trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi cho cấp học MN. Đến nay tất cả các trường MN đều được trang bị đồ dùng đồ chơi cho lớp 5 tuổi; tại các điểm trường chính đã lắp đặt thiết bị đồ chơi ngoài trời cho trẻ em.
Bằng các giải pháp “tình thế” trước mắt, một mặt ngành tích cực hợp đồng giáo viên từ nguồn sinh viên mới ra trường, mặt khác đẩy mạnh việc đào tạo giáo viên MN. Theo đó, trong 4 năm qua, trường CĐSP Lạng Sơn đã phối hợp với các huyện, thành phố, đào tạo trên 700 giáo viên, bồi dưỡng hàng ngàn lượt cán bộ giáo viên MN. Đến cuối năm 2014, đội ngũ giáo viên mầm non đã có 4.268 người. Riêng giáo viên dạy lớp 5 tuổi đã có 1.166 người, đạt tỷ lệ 1,5 giáo viên/ lớp, trình độ chuẩn đạt 99,14%. Để tăng lớp bán trú và học sinh được ăn bán trú, ngành đã phối hợp với Sở Nội Vụ cho chủ trương hợp đồng đội ngũ cấp dưỡng. Đến nay đội ngũ cấp dưỡng của cấp học mầm non đã cơ bản đủ về số lượng và ngày càng được nâng cao về chất lượng.
Giờ ăn trưa của trẻ 5 tuổi Trường Mầm non xã Minh Sơn (Hữu Lũng) |
KHÔNG CHỈ LÀ PHỔ CẬP
Với quyết tâm cao của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự nỗ lực của ngành GD&ĐT, đến cuối năm 2014, toàn tỉnh đã có 177 xã hoàn thành phổ cập, đạt tỷ lệ 78,3%. Ngoài 3 huyện, thành phố hoàn thành phổ cập, những huyện còn lại như vượt tiến độ đề ra. Với tiến độ đó, tỉnh ta nhất định hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2015. Bà Vi Thị Giao, Trưởng Phòng GDMN-Sở GD&ĐT cho rằng, vừa bằng các giải pháp để đạt tiến độ phổ cập theo kế hoạch, vừa có sự đầu tư thỏa đáng mang tính căn cơ lâu dài cho cấp học này, qua việc thực hiện Quyết định 239 của Thủ tướng Chính phủ, tư duy của các nhà quản lý và người dân về vị trí, vai trò của cấp học MN đã thay đổi. Với đà đó, việc đầu tư cho cấp học MN sẽ được quan tâm hơn để tương xứng với cấp học quan trọng đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Ý kiến ()