Tạo không gian, động lực mới cho đô thị đặc biệt
Quy hoạch TP Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được hội đồng thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông qua là cơ sở quan trọng để trình cấp thẩm quyền phê duyệt, nền tảng then chốt để tạo không gian, động lực phát triển mới cho Thành phố mang tên Bác. Quy hoạch trên được kỳ vọng tạo cú hích mạnh mẽ đưa thành phố phát triển xanh, sáng tạo, thông minh, văn minh và bền vững.
Hướng đến đô thị xanh, sáng tạo, thông minh, văn minh
Quy hoạch TP Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là quy hoạch TP Hồ Chí Minh) thể hiện rõ các định hướng phát triển của một đô thị đặc biệt trên 5 nội dung chính: Kinh tế xanh, đô thị sáng tạo, hạ tầng thông minh, xã hội văn minh, môi trường bền vững. Theo đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, quy hoạch được nghiên cứu toàn diện với phương pháp khoa học, dựa trên chiến lược phát triển tổng thể của thành phố, các thế mạnh và đặc thù riêng nằm trong tổng thể phát triển của vùng, cả nước và bối cảnh quốc tế. Quy hoạch xây dựng các kịch bản phát triển TP Hồ Chí Minh với tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP từ 8,5% đến 9% và thu nhập bình quân đầu người đến năm 2030 dự kiến đạt từ 14.800 đến 15.400USD.
Ưu thế lớn của TP Hồ Chí Minh khi lập và hoàn thiện quy hoạch là Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, thành phố còn đang triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.
Theo đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, thành phố xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá trong quy hoạch. Trong đó, 3 đột phá tập trung vào hoàn thiện thể chế, chính sách, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả quản trị đô thị; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tái cấu trúc không gian hệ thống đô thị; phát triển nguồn nhân lực chất lượng, công nghệ cao và xây dựng đội ngũ doanh nghiệp chiến lược.
Tháo điểm nghẽn, thúc đẩy liên kết vùng
Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đang chịu nhiều áp lực về đô thị hóa nhanh, dân số tăng cơ học, ô nhiễm môi trường... Cùng với đó, công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch chưa khai thác hết các tiềm năng, lợi thế của đô thị đặc biệt, đô thị ven sông, hướng biển. Thành phố xác định 9 điểm nghẽn cần tháo gỡ để phát triển. Quy hoạch TP Hồ Chí Minh lần này tạo sự bứt phá cho đầu tàu kinh tế của cả nước. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi cả hệ thống chính trị, đoàn thể, nhân dân thành phố đang thi đua hướng đến chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025).
Trao đổi với chúng tôi, Giáo sư Sử Đình Thành, Giám đốc Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, hoàn thiện quy hoạch thể hiện trách nhiệm, tạo cơ sở khoa học và khát vọng phát triển, vươn lên mạnh mẽ của thành phố trong giai đoạn mới. Thành phố có độ mở rất lớn về kinh tế nên mô hình tăng trưởng cần được đặt trong mô hình tăng trưởng của vùng gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong khi đó, theo Tiến sĩ Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TP Hồ Chí Minh cần tập trung vào các đột phá về thể chế phát triển, quản lý đô thị, công nghiệp công nghệ cao và hạ tầng. Trong đó, thành phố chú trọng tháo gỡ nhanh điểm nghẽn về hạ tầng giao thông.
Cũng theo các chuyên gia, thành phố cần mạnh dạn đổi mới mô hình tổ chức không gian, hướng tới đô thị đa trung tâm, xanh, thông minh, sáng tạo, giàu bản sắc, thích ứng với biến đổi khí hậu. Một giải pháp đột phá khác là cần huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là nâng cao hiệu quả sử dụng đất theo định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị (mô hình TOD).
Ở vai trò kết nối doanh nghiệp, đồng chí Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại-đầu tư TP Hồ Chí Minh đề xuất, sau khi quy hoạch được phê duyệt, thành phố cần xác định sớm danh mục dự án kêu gọi đầu tư gắn với các mục tiêu lớn như kinh tế xanh, trung tâm tài chính, logistics để thu hút nhanh nguồn lực đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, thành phố nghiên cứu cơ chế, chính sách riêng đủ sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Tại hội nghị thẩm định hồ sơ quy hoạch TP Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị, thành phố tiếp tục đánh giá rõ nguyên nhân dẫn đến các điểm nghẽn để xác định các trọng tâm, trọng điểm cần ưu tiên phát triển; có giải pháp vừa phù hợp, vừa đột phá giải quyết các vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm và ngập úng. Thành phố phát huy vai trò trở thành đô thị kết nối toàn cầu bền vững, là hạt nhân của vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước.
Đề cập đến quy hoạch TP Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhận định, đây là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng, trọng tâm của thành phố, có ý nghĩa rất đặc biệt đối với sự phát triển bền vững trong giai đoạn mới. Quy hoạch được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, nghiên cứu kỹ lưỡng, có tính khả thi cao trên cơ sở thành lập tổ tư vấn phản biện quy hoạch gồm những chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tham vấn ý kiến các địa phương lân cận, lấy ý kiến góp ý của cộng đồng dân cư, bảo đảm yếu tố chủ quan, khách quan, kết hợp nội lực và ngoại lực cho sự phát triển. Quy hoạch bảo đảm đáp ứng yêu cầu và định hướng phát triển bền vững của đô thị đặc biệt.
Ý kiến ()