Tạo hứng thú học tập cho học sinh tiểu học
– Bộ đồ dùng học tập thông minh gồm: bàn tính Soroban; ô gắn thẻ chữ và số; mặt đồng hồ được trang trí với màu sắc bắt mắt, dễ dàng sử dụng giúp học sinh bậc tiểu học có thể vừa học, vừa chơi. Từ đó tăng khả năng ghi nhớ, tiếp thu bài học, nâng cao chất lượng dạy và học tại các trường.
Học sinh tiểu học là lứa tuổi hiếu động, thích quan sát, khám phá những điều mới mẻ qua các hình ảnh, vật dụng, mô hình sinh động. Việc tiếp thu kiến thức thông qua các trò chơi giúp học sinh tiểu học tiếp nhận kiến thức từ trực quan sinh động đến tư duy trìu tượng, từ tư duy trìu tượng đến thực tế khách quan. Chính vì vậy, đồ dùng dạy học luôn được giáo viên chú trọng, đặc biệt là đồ dùng có thể kết hợp dạy được nhiều môn học. Hiện nay, tại nhiều trường học vùng sâu, vùng xa, cơ sở vật chất còn hạn chế thì đồ dùng học tập, đồ dùng dạy học là rất cần thiết. Chính vì vậy, từ tháng 1 đến tháng 3/2022, nhóm học sinh gồm em: Nguyễn Thu Trang, lớp 5, Trường Tiểu học xã Tân Thanh và Nguyễn Viết Gia Bảo học sinh lớp 6, Trường THCS xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng đã có ý tưởng và bắt tay vào thiết kế bộ đồ dùng dạy học thông minh.
Thành viên nhóm nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm
Em Nguyễn Thu Trang, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Cấu tạo của bộ đồ dùng dạy học thông minh có 4 phần gồm: bàn tính Soroban dùng để học toán; ô gắn thẻ chữ và số dùng để học ghép chữ, ghép từ, thực hiện các phép tính toán; mặt đồng hồ học về thời gian và màu sắc trong môn Toán và Tiếng Anh; vòng quay dùng để chơi các trò chơi cho tiết học thêm sinh động và thu hút sự chú ý của học sinh.
Vật liệu để làm bộ đồ dùng dạy học thông minh gồm những thứ có sẵn trong đời sống hằng ngày như: khung gỗ, tấm tôn, nam châm, vải thủ công, thanh kẽm, sắt tròn, bánh xe đạp, sơn, giấy decan, giấy bìa, xốp màu… Khi hoàn thiện, bộ đồ dùng dạy học thông minh có thể phục vụ các môn học ở bậc tiểu học. Cụ thể như bảng tính soroban giúp học sinh tính toán nhanh nhạy hơn, có thể tính toán nhiều con số và thực hiện các phép tính phức tạp một cách dễ dàng, từ đó giảm sự phụ thuộc vào máy tính. Mặt đồng hồ được thiết kế hình tròn có thể chuyển động, gắn kim giờ, hoa, màu sắc… được ứng dụng để dạy và học về màu sắc, thời gian, số đếm đối với học sinh lớp 1, lớp 2, môn Tiếng Anh đối với học sinh lớp 4 (cách nói về thời gian). Trên bộ đồ dùng dạy học thông minh còn có không gian để gắn thẻ chữ, thẻ số, tuỳ thuộc vào mục đích sử dụng và sự sáng tạo của giáo viên như ghép chữ, ghép số…
Cô Nguyễn Thu Trang, giáo viên Trường Tiểu học xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng cho biết: Chi phí để tạo ra bộ đồ dùng dạy học thông minh chỉ khoảng 200.000 – 300.000 đồng. Mô hình có thể xoay chuyển, tháo dỡ, lắp ghép dễ dàng, độ bền cao, có thể sử dụng được nhiều lần. Đặc biệt, tính cơ động, linh hoạt của bộ đồ dùng dạy học thông minh giúp giáo viên và học sinh ứng dụng trong nhiều môn học và tổ chức các trò chơi khác nhau. Đưa bộ đồ dùng dạy học thông minh vào ứng dụng trong bài học của các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh… bậc tiểu học chúng tôi đã tạo ra những tiết học rất sôi nổi, hấp dẫn các em học sinh, từ đó góp phần nâng cao chất lượng học tập.
Được biết, Nguyễn Thu Trang và Nguyễn Viết Gia Bảo là nhóm tác giả nhỏ tuổi nhất đoạt giải tại Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lạng Sơn lần thứ 14, năm 2022. Với sự thiết thực mang lại cho hoạt động dạy và học tại các nhà trường, sản phẩm bộ đồ dùng dạy học thông minh đã vượt qua hơn 100 mô hình, sản phẩm và giành giải ba tại cuộc thi.
Ý kiến ()