Tạo hệ sinh thái tốt nhất để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ở nước ngoài
Nhận diện thách thức, đón đầu xu hướng và tìm kiếm cơ hội là những thông tin được các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chia sẻ tại Tọa đàm “Triển khai ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm phục vụ-Giải pháp và hành động” do Bộ Ngoại giao tổ chức tháng 12-2021. Đây là hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31.
Tham dự tọa đàm có đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và đại diện cộng đồng DN Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt với cơ hội làm ăn ở nước ngoài
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng, Việt Nam đang ở trong giai đoạn hết sức đặc biệt. Thế giới đang chuyển dịch, đất nước đang chuyển mình và DN đang thích ứng. Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cũng chia sẻ khó khăn với các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ đang phải chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 thời gian qua.
Theo Thứ trưởng, hằng tháng có hơn 10.000 DN gia nhập thị trường, nhưng cũng có khoảng 10.000 DN ra khỏi thị trường. “Tỷ số sinh tồn ngày càng khó khăn hơn trong bối cảnh hiện nay”, Thứ trưởng nhận định.
Tọa đàm là cơ hội để DN Việt Nam tranh thủ khai thác thông tin về dự báo, cảnh báo các xu hướng; xúc tiến thương mại đầu tư, du lịch ra nước ngoài; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong quá trình làm ăn với các DN nước ngoài…
Chia sẻ tại tọa đàm, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc cho biết, Mỹ là một trong các đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tính đến tháng 11 vừa qua, kim ngạch thương mại hai chiều đã vượt hơn 90 tỷ USD và cuối năm 2021 cán mốc 100 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất siêu và con số xuất siêu ngày càng tăng. Thị trường Mỹ rất mở cửa và đây là cơ hội lớn của DN Việt Nam.
Tuy nhiên, Đại sứ cảnh báo, các hàng rào kỹ thuật tại thị trường Mỹ đang được dựng lên ngày càng nhiều. Do đó, DN Việt Nam cần hết sức chú ý, nhất là các mặt hàng tăng nhanh vào thị trường Mỹ sẽ dễ rơi vào “tầm ngắm”.
Các đại sứ chia sẻ cơ hội, xu hướng kinh doanh mới với doanh nghiệp trong nước. |
Về phần mình, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cho biết, Trung Quốc là thị trường lớn và quan trọng với nhiều nước trên thế giới, trong đó Việt Nam có ưu thế về vị trí địa lý với Trung Quốc.
Tuy nhiên, để biến những cơ hội đó thành hiệu quả đầu tư cụ thể, DN Việt Nam cần sớm tìm cách khắc phục một số điểm yếu còn tồn tại, như: Phần giá trị của Việt Nam trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc còn thấp, sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc không có hệ thống phân phối riêng và phụ thuộc hoàn toàn vào các DN sở tại…
Nắm bắt các xu hướng để tiếp cận thị trường thành công
Chia sẻ xu hướng ở Anh hiện nay, Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long cho biết, Anh đẩy mạnh hợp tác ngoài Liên minh châu Âu (EU) sau khi rời khỏi khối này. Hiện nay, London thúc đẩy đàm phán và ký hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác.
Bên cạnh đó, Anh xác định sau đại dịch Covid-19 là cơ hội tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như: Cơ sở hạ tầng, kinh tế xanh và bền vững, kinh tế số và khoa học kỹ thuật. Do đó, nếu DN Việt Nam đẩy mạnh và tập trung nắm bắt xu hướng này thì sẽ có được cơ hội hợp tác rất lớn với phía bạn.
Trong khi đó, xu hướng ở Australia hiện nay là chính sách “đa phương hóa, đa dạng hóa”. Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành cho biết, trong hai năm trở lại đây, Australia đã chủ động tìm kiếm thị trường mới, mời gọi các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới thông qua nhiều chính sách hấp dẫn.
Để tranh thủ những cơ hội này, Đại sứ Nguyễn Tất Thành cho rằng, DN Việt Nam cần xây dựng quan hệ, kết nối với đối tác quan trọng của Australia, như: Hội đồng DN Việt Nam-Australia, Hiệp hội DN Australia tại Việt Nam, chính quyền địa phương… Đồng thời, Đại sứ cũng kiến nghị thành lập nhóm tư vấn kinh tế DN có sự góp mặt của các bộ, ngành, DN Việt Nam và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Nhấn mạnh vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, ông Vũ Thanh Sơn, Tổng giám đốc Hapro, Tập đoàn BRG chia sẻ, năm 2019, với sự giúp đỡ của Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Hapro đã tham dự sự kiện xúc tiến thương mại của nước sở tại, từ đó, các hoạt động kinh doanh đã phát triển rất mạnh, xâm nhập tốt vào thị trường, ký được nhiều hợp đồng lớn; ngược lại cũng nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Mỹ, như: Thịt bò, thịt gà, táo…
Đa số DN tham dự tọa đàm đều mong muốn được kết nối thông tin thông suốt, nhanh từ phía các đại sứ, các cơ quan đại diện ngoại giao để tìm hướng đi đúng trong “bể” thông tin. Ông Hà Thế Dương, Phó tổng giám đốc Viettel Global cũng mong các đại sứ quan tâm hơn đến các địa bàn chưa có cơ quan đại diện chính thức, hỗ trợ công tác giao dịch tài chính, tiếp xúc với các quỹ đầu tư trong lĩnh vực fintech (công nghệ tài chính), đặc biệt là tại Trung Đông.
Trong khi đó, Giám đốc Kinh doanh chiến lược VNPay Ôn Như Bình đề nghị được giúp đỡ, đẩy mạnh quảng cáo, kết nối, giới thiệu hình ảnh về hệ sinh thái công nghệ Việt Nam với những thị trường đầu tư lớn về công nghệ.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ khẳng định, Chính phủ, các bộ, ngành luôn cam kết sẵn sàng đồng hành với DN, tạo hệ sinh thái tốt nhất để hỗ trợ DN phát triển. Thông qua tọa đàm, các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ nỗ lực hơn để giúp DN trong nước kết nối với các đối tác nước sở tại, từ đó gặt hái thành công trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()