Tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, chiều 22/5, Quốc hội đã nghe báo cáo về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam.
Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày cho biết ngày 28/3/1998, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Pháp lệnh quy định “Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách Nhà nước thực hiện chức năng quản lý an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm chấp hành pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trên các vùng biển, thềm lục địa Việt Nam…”.
Qua 19 năm thực hiện Pháp lệnh (sửa đổi, bổ sung một lần vào năm 2008), Cảnh sát biển Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trên biển; góp phần thể hiện hình ảnh Việt Nam là quốc gia ven biển, thành viên Công ước của LHQ về Luật Biển 1982, có trách nhiệm giữ gìn an ninh, hòa bình quốc tế; mong muốn giải quyết các tranh chấp trên biển bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Hiện nay, tình hình vùng biển diễn biến ngày một khó lường, các tình huống liên quan tới quốc phòng-an ninh trên biển liên tiếp xảy ra; các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại…; vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn trên biển.
Vì vậy, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam ngày một nặng nề hơn, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có luật để tạo hành lang pháp lý đủ mạnh cho tổ chức hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển, phù hợp với hội nhập quốc tế.
Luật Cảnh sát biển Việt Nam được xây dựng với mục đích hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ biển đảo; xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, là lực lượng chủ trì thực thi pháp luật trên biển. Phát huy được sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trong vùng biển Việt Nam.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày khẳng định nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhằm hoàn thiện pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và xây dựng các lực lượng trên biển, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển, bảo vệ an ninh, trật tự an toàn, môi trường biển, bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên biển và yêu cầu hội nhập quốc tế…
Theo Ủy ban Quốc phòng-An ninh, hồ sơ dự án Luật cơ bản đã được xây dựng đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận cho ý kiến. Tuy nhiên, để cung cấp đầy đủ thông tin, phục vụ đại biểu Quốc hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu, cho ý kiến về dự án Luật, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, phân tích, đánh giá cụ thể hơn tác động của một số chính sách mới so với quy định của Pháp lệnh hiện hành và tác động của các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam đã ký kết và tham gia.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()