Tạo dựng liên kết, nâng cao hiệu quả
LSO-Từ trước năm 2008, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các đơn vị khác, sản xuất thành công giống khoai tây sạch bệnh của Đức, Hà Lan..., Lạng Sơn đã đứng trước cơ hội trở thành vùng cung cấp giống khoai tây lớn trong cả nước. Thế nhưng cho đến nay, sản xuất khoai tây thương phẩm vẫn thiếu giống mới, sản xuất vẫn chưa có những mối liên kết bền chặt.
Bảo quản khoai tây giống bằng kho lạnh tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật |
Giai đoạn 2005-2007 được coi là thời “hoàng kim” của khoai tây Lộc Bình, khi mà diện tích đã tăng lên đến 1.200 ha. Thế nhưng cùng với sự ra đời của các loại giống mới, sạch bệnh, tiện dụng cho chế biến… thì khoai tây giống cũ (chủ yếu là giống Trung Quốc) không còn chỗ đứng. Vì thế vùng khoai tây Lộc Bình cũng ngày một giảm về diện tích. Nếu như vụ đông năm trước Lộc Bình còn đặt kế hoạch trồng 600 ha khoai tây, thì năm nay kế hoạch dự kiến chỉ từ 300-400 ha. Bà Chu Mai Hương, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lộc Bình cho biết: thời điểm này của năm trước đã có một số doanh nghiệp đặt vấn đề cung ứng giống, sản xuất với nông dân. Nhưng năm nay thì chưa thấy tín hiệu nào từ các doanh nghiệp. Không có bàn tay doanh nghiệp, nhà nông rất khó tiếp cận với giống mới, bởi lẽ giá rất đắt và nguồn cung không phải lúc nào cũng có.
Xét về năng lực cung ứng giống khoai tây mới trên địa bàn tỉnh, thì tính gộp cả các kho lạnh tại các huyện và tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (Sở khoa học và Công nghệ) chỉ được hơn 100 tấn. Tương đương với hơn 100 ha. Ông Hoàng Mạnh Tường, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cho biết: tính cả tỷ lệ hao hụt, thì số giống của trung tâm cung ứng chưa đầy 100 tấn. Trong đó được phân thành 3 mục đích. Thứ nhất đối với nguồn giống chất lượng cao sẽ để sản xuất tiếp để tạo nguồn giống cho năm sau; thứ hai xuất bán cho đơn vị, cá nhân có nhu cầu và phần còn lại là liên kết sản xuất với nông dân.
Trong vòng hai năm trở lại đây, vẫn có một số doanh nghiệp thông qua Trung tâm Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để liên kết sản xuất với nhà nông, nhưng hình thức thì đã thay đổi. Nếu như trước kia, doanh nghiệp cung ứng giống theo hình thức đổi sản phẩm và bao tiêu khoai thương phẩm, thì giờ đây một số doanh nghiệp “ăn sẵn” dựa trên mô hình liên kết của trung tâm với nông dân. Khi trung tâm thu đủ sản phẩm tương ứng với số giống bỏ ra, doanh nghiệp sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm còn lại. Thực chất những sản phẩm đó có chất lượng tốt, hầu hết các doanh nghiệp sẽ sử dụng làm giống, tuy nhiên giá thu mua lại chỉ như khoai tây thương phẩm. Năm trước, giá thu mua dưới hình thức này khoảng 10.000 đồng/kg, thoạt nghe thì có vẻ cao so với trung bình, nhưng nếu so với giá giống mà sau này doanh nghiệp sẽ xuất bán (từ 15.000 đồng đến trên 20.000 đồng) thì con số này thấp hơn nhiều. Phân tích ở khía cạnh này để thấy, cho đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp lớn thực sự tâm huyết, đầu tư liên kết sản xuất khoai tây trên quy mô lớn với nhà nông. Không chỉ ở Lộc Bình lo về giống mà ở Tràng Định cũng vậy. Kế hoạch sản xuất khoai tây ở Tràng Định năm nay rất khiêm tốn, chỉ khoảng 200 ha. Thế nhưng lượng giống mới trong kho lạnh của huyện chỉ có 4 tấn (tương đương 4 ha). Ông Hoàng Văn Thoại, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tràng Định cho biết: hiện nay cũng đã có vài doanh nghiệp đặt vấn đề liên kết sản xuất, tuy nhiên, diện tích rất nhỏ lẻ, kế hoạch 200 ha là khó thực hiện.
Trên địa bàn huyện Cao Lộc cũng vậy. Kế hoạch trồng khoai tây của toàn huyện trong vụ đông năm nay là khoảng 230 ha, tuy nhiên lượng giống mới chỉ đáp ứng được số lẻ trong đó. Ông Hoàng Quy, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc cho biết: hiện nay đã có 2 đơn vị doanh nghiệp đặt vấn đề liên kết sản xuất trên địa bàn huyện theo hình thức cung ứng giống đổi sản phẩm, thế nhưng nhiều nhất diện tích liên kết cũng chỉ được khoảng 30 ha.
Quy hoạch xác định vùng nguyên liệu khoai tây của toàn tỉnh là Tràng Định, Cao Lộc và Lộc Bình, mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2013-2015 là đưa diện tích vùng lên 1.110 ha và giá trị sản phẩm đến năm 2015 đạt hơn 105 tỷ đồng. Thế nhưng kế hoạch sản xuất khoai tây đông năm nay của các huyện nằm trong quy hoạch đều thấp. Số lượng doanh nghiệp tham gia liên kết vẫn “lèo tèo”, liên kết vẫn lỏng lẻo, lượng khoai tây giống mới đưa vào sản xuất vẫn chưa cao. Điều mà vùng khoai tây cần bây giờ chính là thu hút được doanh nghiệp lớn, có điều kiện đầu tư đồng bộ về giống, bảo quản, tiêu thụ để tạo dựng liên kết bền chặt. Có như vậy mới nâng cao được hiệu quả của vùng sản xuất khoai tây, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đồng đất Lạng Sơn.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()