Tạo dựng khung pháp lý thống nhất, đồng bộ, tháo gỡ khó khăn cho đấu thầu y tế
Thời gian qua, để khắc phục khó khăn, vướng mắc mua sắm, đấu thầu và thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế, Bộ Y tế tạo dựng khung pháp lý thống nhất, đồng bộ, góp phần tháo gỡ những vướng mắc.
Theo Bộ Y tế, trong thời gian qua, để khắc phục khó khăn, vướng mắc trong công tác mua sắm, đấu thầu và tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế; Quốc hội, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế đã ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về công tác đấu thầu nói chung và đấu thầu mua thuốc, thiết bị y tế.
Cùng với đó tạo dựng khung pháp lý thống nhất, đồng bộ, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, đặc biệt là hoạt động mua sắm thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế. Bộ Y tế đã tổ chức phổ biến, tuyên truyền quy định mới của pháp luật về đấu thầu cho các địa phương, cơ sở y tế dưới nhiều hình thức (tổ chức hội nghị phổ biến, ban hành các văn bản hướng dẫn...).
Giám sát thường xuyên đối với hoạt động đấu thầu
Ngày 29/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật Đấu thầu. Để triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg và bảo đảm thuốc, vật tư xét nghiệm, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế ban hành văn bản về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 24/CT-TTg.
Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; các Ban Quản lý dự án thuộc Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương phổ biến, triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, hàng hóa, dịch vụ... tại đơn vị.
Vụ Kế hoạch-Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP để đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung (nếu có) cho phù hợp hơn với thực tế công tác mua sắm thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế.
Cùng đó, chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế, Cục Quản lý dược, Cục Quản lý y dược cổ truyền rà soát quy định tại Thông tư số 07/2024/TT-BYT để sửa đổi, bổ sung (nếu có) cho phù hợp hơn với thực tế.
Chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế, Cục Quản lý dược, Cục Quản lý y dược cổ truyền, Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế nghiên cứu xây dựng, trình Bộ Y tế ban hành Sổ tay hướng dẫn quy trình đấu thầu nội bộ mua sắm thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, bảo đảm xác định rõ trình tự, thủ tục, thời gian và trách nhiệm thực hiện để áp dụng chung cho các bệnh viện thuộc quản lý của Bộ Y tế và để các bệnh viện khác tham khảo, áp dụng.
Chủ trì tham mưu Bộ Y tế các giải pháp tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia vào công tác đấu thầu của ngành và của các đơn vị do Bộ quản lý.
Thường xuyên theo dõi, hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về đấu thầu thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục sơ hở, bất cập; thực hiện giám sát thường xuyên đối với hoạt động đấu thầu khi phát hiện có dấu hiệu không bảo đảm mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế để có các biện pháp chấn chỉnh kịp thời…
Cục Quản lý khám, chữa bệnh chủ trì, phối hợp với Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia và các đơn vị liên quan hướng dẫn việc sử dụng, thay thế thuốc (ví dụ: sử dụng thuốc Nhóm 2 thay cho Nhóm 1; thuốc có nồng độ, hàm lượng thấp thay cho thuốc có nồng độ, hàm lượng cao) để phục vụ công tác tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả; hoàn thành trong quý 1/2025.
Không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế
Các đơn vị mua sắm tập trung thuốc cấp quốc gia chủ động, kịp thời mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia và các trường hợp cần mua sắm tập trung khác theo quy định tại khoản 5 Điều 53 Luật Đấu thầu (thuốc kháng HIV/AIDS, thuốc điều trị lao...), bảo đảm không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế.
Chủ động, kịp thời tổ chức đàm phán giá đối với thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế theo danh mục đàm phán giá theo nhiệm vụ được Bộ Y tế giao tại Quyết định số 2331/QĐ-BYT ngày 07/8/2024. Thông báo thường xuyên kế hoạch, tiến độ mua sắm tập trung cấp quốc gia, đàm phán giá, bảo đảm đáp ứng yêu cầu điều trị theo quy định tại khoản 2 Điều 94 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP…
Người đứng đầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người có thẩm quyền (đối với trường hợp được phân cấp), trách nhiệm của chủ đầu tư, bên mời thầu trong hoạt động lựa chọn nhà thầu, bảo đảm đủ thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế và các dịch vụ liên quan khác phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh...
Đẩy mạnh và quản lý chặt chẽ việc tổ chức mua sắm, đấu thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh lãng phí; chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế và các dịch vụ liên quan tại các cơ sở y tế thuộc quyền quản lý.
Đẩy mạnh đấu thầu qua mạng, tận dụng các tính năng của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để tăng cường tính công khai, minh bạch, bảo đảm thuận lợi trong hoạt động lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế.
Sở Y tế báo cáo và tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 29/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật Đấu thầu trong lĩnh vực y tế và thực hiện nghiêm túc các biện pháp nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động…/.
Ý kiến ()