Tạo đột phá từ cửa khẩu số
– Năm 2022, UBND tỉnh Lạng Sơn được Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số giao nhiệm vụ triển khai ứng dụng thí điểm Nền tảng cửa khẩu số tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Tân Thanh. Sau một thời gian thực hiện thí điểm, Lạng Sơn trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện thành công Nền tảng cửa khẩu số. Thành công đó đã tạo bước đột phá trong chuyển đổi số của Lạng Sơn, tạo đà cho kinh tế cửa khẩu phát triển nhanh và bền vững, đồng thời hình thành mô hình kiểu mẫu về cửa khẩu số trong cả nước.
Kỳ 1. Tiên phong xây dựng nền tảng cửa khẩu số
Chọn chuyển đổi số khu vực của khẩu làm mục tiêu đột phá trong công cuộc chuyển đổi số của tỉnh, Lạng Sơn đã khẩn trương xây dựng và triển khai thí điểm Nền tảng cửa khẩu số. Mục đích là nhằm quản lý tổng thể và toàn diện hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu trên nền tảng công nghệ số, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo, cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu tốt hơn.
Từ chủ trương đến hiện thực
Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới với 231,74 km đường biên giới tiếp giáp với khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc), có 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu quốc gia và 9 cửa khẩu phụ; có hệ thống giao thông quan trọng kết nối trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua tồn tại một thực tế là để thông quan hàng hóa qua cửa khẩu, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu (XNK) phải khai báo và thực hiện thủ tục với nhiều lực lượng chức năng trên bản kê giấy hoặc những phần mềm nội bộ khác nhau. Thông tin về doanh nghiệp, hàng hóa phải nhập lại nhiều lần gây lãng phí thời gian và công sức của doanh nghiệp.
Trường hợp Công ty TNHH An Khang (thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc) là một ví dụ. Bà Bùi Thu Hà, Giám đốc công ty cho biết: Công ty chuyên hoạt động XNK nông sản, lâm sản qua Cửa khẩu Hữu Nghị và Cửa khẩu Tân Thanh. Trước đây, khi xuất, nhập loại hàng hóa phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành, doanh nghiệp phải kê khai đầy đủ thông tin về hàng hóa trên 5 loại giấy tờ khác nhau theo biểu mẫu của 5 đơn vị chức năng tại cửa khẩu (hải quan, kiểm dịch thực vật, kiểm dịch y tế, biên phòng, thuế) và phải đi từng bộ phận để thực hiện các bước kiểm tra, chứng nhận… Điều này khiến chúng tôi mất nhiều thời gian đi lại, từ đó phát sinh những chi phí không đáng có.
Không chỉ doanh nghiệp trên, từ tháng 2/2022 trở về trước, tại các cửa khẩu của Lạng Sơn, mỗi ngày có hàng nghìn lượt doanh nghiệp, thương nhân, lái xe phải đến cửa khẩu để kê khai thủ tục XNK với nhiều công đoạn rườm rà, chưa kể các vướng mắc phát sinh khiến họ phải “đi đi lại lại” để giải quyết. Mặc dù các lực lượng chức năng, các doanh nghiệp bến bãi tại cửa khẩu đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tác nghiệp, song các hệ thống này rời rạc, không có sự liên thông, gắn kết với nhau. Đây cũng là hạn chế lớn nhất gây ảnh hưởng tới tốc độ thông quan hàng hóa qua khu vực cửa khẩu. Mặt khác, do sử dụng nhiều hệ thống phần mềm thiếu tính tổng thể, không đồng bộ tại khu vực cửa khẩu nên công tác quản lý, theo dõi, giám sát, đánh giá toàn bộ hoạt động của khu vực cửa khẩu gặp rất nhiều khó khăn, thiếu sự thống nhất về thông tin, có nguy cơ phát sinh nhiều vấn đề không minh bạch.
Trước những bất cập đó, Lạng Sơn đã chọn chuyển đổi số khu vực cửa khẩu làm mục tiêu đột phá trong công cuộc chuyển đổi số của tỉnh đồng thời cũng là thực hiện một trong năm trụ cột chuyển đổi số theo Nghị quyết số 49/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đó là phát triển Nền tảng cửa khẩu số nhằm phát triển nhanh, bền vững kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2021-2025, tạo môi trường thông quan XNK hàng hóa thuận lợi.
Thực hiện mục tiêu này, UBND tỉnh đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thí điểm Nền tảng cửa khẩu số và giao Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Việt Nam (VNPT), các sở, ngành, các lực lượng liên quan của tỉnh xây dựng nền tảng cửa khẩu số. Sau 8 tháng xây dựng (từ tháng 7/2021 đến tháng 2/2022), tỉnh Lạng Sơn đã tạo ra một Nền tảng cửa khẩu số sử dụng công nghệ hiện đại như: trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Bigdata), điện toán đám mây (Cloud) và bảo đảm về an toàn thông tin, giúp các lực lượng chức năng và các doanh nghiệp XNK thực hiện các hoạt động trên một nền tảng số duy nhất.
Đồ họa: Mô tả khái quát Nền tảng cửa khẩu số
Sau một thời gian chuẩn bị, xây dựng, thiết kế, thử nghiệm, từ ngày 21/2/2022, Nền tảng cửa khẩu số chính thức được vận hành thí điểm tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Tân Thanh. Đây là một giải pháp công nghệ mang tính đột phá trong chuyển đổi số ở Lạng Sơn; cũng là sáng kiến, mô hình cửa khẩu số đầu tiên được áp dụng trong cả nước.
Trong quá trình triển khai, lãnh đạo UBND tỉnh, Tổ công tác liên ngành chỉ đạo triển khai thí điểm Nền tảng cửa khẩu số tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Tân Thanh đã có nhiều cuộc kiểm tra tại 2 cửa khẩu này để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc phát sinh và chỉ đạo các ngành, đơn vị chức năng khẩn trương khắc phục nhằm từng bước hoàn thiện nền tảng, đảm bảo hoạt động XNK hàng hóa của doanh nghiệp được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi.
Tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai
Mục tiêu của việc triển khai nền tảng cửa khẩu số là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục XNK; giúp tăng cường công tác quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước… Tuy nhiên, thời gian đầu triển khai, một số thương nhân, doanh nghiệp XNK chưa sử dụng thành thạo nền tảng, còn nhập sai tên miền, khai báo thông tin chưa đầy đủ; đường truyền Internet, wifi ở khu vực cửa khẩu bị quá tải, nghẽn cục bộ; phần mềm có thời điểm bị lỗi; nhiều trường hợp thông tin trong phần mềm chưa thực sự hợp lý, tương thích với nhiệm vụ của cơ quan chuyên ngành tại cửa khẩu…
Ông Nguyễn Trọng Hùng, Phó Giám đốc phụ trách Sở TT&TT cho biết: Công tác tuyên truyền, hướng dẫn triển khai thí điểm Nền tảng cửa khẩu số đã được thực hiện bằng nhiều hình thức, song việc triển khai thí điểm ban đầu vẫn vấp phải sự không đồng thuận của một bộ phận doanh nghiệp XNK; giai đoạn triển khai thí điểm là giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, theo yêu cầu của Trung Quốc phải liên tục thay đổi phương thức giao nhận hàng hóa nên Nền tảng cửa khẩu số liên tục phải thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế… Cùng với đó, cơ sở hạ tầng viễn thông và các trang thiết bị phục vụ triển khai Nền tảng cửa khẩu số còn thiếu, chưa đồng bộ; việc liên thông, chia sẻ dữ liệu của các cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Nền tảng cửa khẩu số còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn; Nền tảng cửa khẩu số mới được xây dựng và đưa vào thí điểm nên các tính năng, chức năng chưa được tối ưu…
Xác định rõ việc tiên phong triển khai Nền tảng cửa khẩu số sẽ không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc, UBND tỉnh thường xuyên tổ chức các cuộc họp với các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng, doanh nghiệp hoạt động tại cửa khẩu để cụ thể hóa các nhiệm vụ và cách thức tổ chức thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thí điểm. Song song với đó là bố trí lực lượng hỗ trợ, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng, doanh nghiệp XNK, đại lý hải quan tại khu vực cửa khẩu, sẵn sàng xử lý ngay những vấn đề phát sinh khi sử dụng Nền tảng cửa khẩu số, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hoạt động XNK. Đồng thời chỉ đạo Sở TT&TT phối hợp chặt chẽ với VNPT Lạng Sơn và các ngành liên quan tăng cường phát triển hạ tầng viễn thông ở khu vực cửa khẩu và thực hiện tinh chỉnh phần mềm để hướng đến đồng bộ hóa với phần mềm của các lực lượng khác tại cửa khẩu.
Ban Pháp chế, HĐND tỉnh khảo sát việc triển khai Nền tảng cửa khẩu số của bộ phận kiểm dịch y tế quốc tế tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TT&TT đã chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn, VNPT Lạng Sơn và các cơ quan có liên quan tiếp tục nâng cấp, cải tiến và tối ưu hóa phần mềm khai báo. Trong đó, Sở TT&TT cùng VNPT Lạng Sơn nâng cấp, mở rộng băng thông, đường truyền Internet tăng tốc độ truy nhập tối đa cho các tài khoản sử dụng Nền tảng của khẩu số.
Đặc biệt, nhằm hỗ trợ và xử lý kịp thời vướng mắc cho doanh nghiệp XNK cũng như lực lượng hoạt động quản lý tại 2 cửa khẩu, Sở TT&TT đã thiết lập nhóm Zalo liên ngành (gồm các ngành, đơn vị liên quan) để trao đổi, thống nhất, xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh. Cùng đó, thiết lập nhóm Zalo hỗ trợ doanh nghiệp để hướng dẫn sử dụng và tiếp nhận thông tin, tổng hợp các kiến nghị, vướng mắc phát sinh của doanh nghiệp trong quá trình sử dụng Nền tảng cửa khẩu số để từng bước khắc phục, đồng thời xử lý tại chỗ đối với những kiến nghị, đề xuất có thể giải quyết được ngay.
Từ sự quyết liệt trong chỉ đạo của UBND tỉnh và sự nỗ lực của cơ quan chức năng, đến thời điểm hiện tại, quy trình nghiệp vụ của các lực lượng quản lý tại 2 cửa khẩu đã cơ bản đồng bộ trên Nền tảng cửa khẩu số và thông suốt khi kết nối.
Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị kiểm tra mã hàng hóa XNK kê khai trên Nền tảng cửa khẩu số
Anh Nguyễn Khánh Long – đại diện doanh nghiệp tư nhân Xuân Thị Thân, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng cho biết: Doanh nghiệp sử dụng nền tảng cửa khẩu số ngay từ khi nền tảng được triển khai thí điểm tại Cửa khẩu Tân Thanh, thời gian đầu, phần mềm hay bị lỗi, nghẽn mạng nên việc kê khai thông tin bị gián đoạn, mất thời gian, nhưng nay, những hạn chế đó đã được khắc phục. Nền tảng cửa khẩu số rất thiết thực, giúp chúng tôi có thể theo dõi hàng hóa, phương tiện đang ở đâu, đã được xử lý ra sao để chủ động công việc.
[ Kỳ 2. Hoàn thiện để sẵn sàng nhân rộng]
(Còn nữa)
BẢO VY-LƯU VŨ
Ý kiến ()