Tạo đột phá trong thu hút đầu tư ở Bình Ðịnh
Thời gian qua, nhất là năm năm gần đây, hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh Bình Định đạt được nhiều kết quả khả quan. Những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh của tỉnh đã tạo điều kiện huy động được khối lượng lớn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, nguồn vốn đầu tư từ tư nhân trong nước và vốn đầu tư nước ngoài đang trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.Hiệu quả thiết thựcĐến nay, tỉnh Bình Định có 39 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 616,675 triệu USD gồm 32 dự án 100% vốn nước ngoài và bảy dự án có góp vốn giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu công nghiệp có 10 dự án, tổng vốn đăng ký 504,910 triệu USD; địa bàn còn lại có 29 dự án, tổng vốn đăng ký 117,765 triệu USD. Về đầu tư trong nước, kể từ khi thực hiện Luật Đầu tư 2005 đến nay, Bình Định đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư...
Thời gian qua, nhất là năm năm gần đây, hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh Bình Định đạt được nhiều kết quả khả quan. Những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh của tỉnh đã tạo điều kiện huy động được khối lượng lớn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế – xã hội. Hiện nay, nguồn vốn đầu tư từ tư nhân trong nước và vốn đầu tư nước ngoài đang trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Hiệu quả thiết thực
Đến nay, tỉnh Bình Định có 39 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 616,675 triệu USD gồm 32 dự án 100% vốn nước ngoài và bảy dự án có góp vốn giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu công nghiệp có 10 dự án, tổng vốn đăng ký 504,910 triệu USD; địa bàn còn lại có 29 dự án, tổng vốn đăng ký 117,765 triệu USD. Về đầu tư trong nước, kể từ khi thực hiện Luật Đầu tư 2005 đến nay, Bình Định đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) cho 332 dự án, với tổng vốn đăng ký 42.431 tỷ đồng. Xét về số lượng dự án và tổng vốn đăng ký, kết quả thu hút đầu tư nói trên của Bình Định là khá tích cực, nhất là trong điều kiện suy giảm kinh tế thế giới và trong nước trong những năm vừa qua.
Trong thu hút đầu tư, tỉnh Bình Định luôn quan tâm đến những dự án thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế. Mặc dù không ít nhà đầu tư đã đến đặt vấn đề, nhưng tỉnh không chạy theo các dự án 'tỷ đô' khi điều kiện của địa phương khó đáp ứng hoặc năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư và tính khả thi về nguồn vốn còn mờ mịt. Tại Bình Định, cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài đều được coi trọng. Mặc dù thu hút đầu tư trong nước nhiều hơn đầu tư nước ngoài cả về số dự án và vốn đăng ký, song tỉnh vẫn rất quan tâm đến thu hút đầu tư nước ngoài vì nhà đầu tư nước ngoài có ưu thế về vốn, kinh nghiệm quản lý và đặc biệt là thị trường…
Đạt được những kết quả tích cực trong thu hút đầu tư, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xác định phải chủ động và đi trước một bước trong xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội, làm tốt công tác quy hoạch và nhất là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh. Nhờ biết tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và phát huy nội lực mà trong những năm qua, tại Bình Định, hạ tầng giao thông, thủy lợi, thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp… được triển khai xây dựng và nâng cấp khá đồng bộ; công tác quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội từng bước được hoàn thiện; cải cách thủ tục hành chính được đánh giá tích cực.
Để thu hút đầu tư, công tác cải cách hành chính được tỉnh rất quan tâm. UBND tỉnh đã kiện toàn lại cơ quan xúc tiến đầu tư của tỉnh để nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động. Trên cơ sở các quy định của Trung ương, tỉnh đã chủ động rà soát và ban hành một số chính sách khuyến khích nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư, kinh doanh tại tỉnh. Đó là chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo công nhân, hỗ trợ xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu, hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật tại các khu, cụm công nghiệp, hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường…
Chưa tương xứng tiềm năng
Tuy nhiên, kết quả thu hút đầu tư của tỉnh Bình Định thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là với đầu tư nước ngoài. Bình Định chưa có những dự án quy mô lớn, nhất là dự án trong lĩnh vực công nghiệp, có khả năng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Riêng các dự án FDI, hầu hết là dự án nhỏ, hằng năm đóng góp chưa tới 1% tổng sản phẩm trên địa bàn (GDP) và chỉ chiếm khoảng 3,6% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Thu ngân sách từ khu vực FDI những năm gần đây cũng chỉ đạt trên dưới 1% tổng thu trên địa bàn tỉnh. Một số dự án trong nước và nước ngoài được cấp GCNĐT nhiều năm nay nhưng chậm triển khai do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân cơ bản là nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính, có trường hợp do chính bản thân nhà đầu tư, có trường hợp do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Do đó, một số dự án đã bị thu hồi GCNĐT. Giải ngân vốn FDI chậm, năm 2010 chỉ đạt khoảng 27,31 triệu USD.
Xét về tiềm năng và lợi thế, tỉnh Bình Định không thua kém các địa phương khác trong khu vực mà ngược lại, còn có những điểm mà nhiều nơi không có được, nhất là vị trí cửa ngõ ra biển của Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Cam-pu-chia và Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS) với Cảng quốc tế Quy Nhơn và hành lang quốc lộ 19 kết nối với quốc lộ 14 của Việt Nam và quốc lộ 18B của Lào. Song, kết quả thu hút đầu tư của Bình Định còn thấp có nguyên nhân không khó xác định. Trước hết, về khách quan, Bình Định có tiềm năng nhưng ở xa hai đầu đất nước, hạ tầng kinh tế – xã hội còn khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông. Mặc dù Bình Định có cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không quốc gia đi qua nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhà đầu tư, du khách và cán bộ, nhân dân. Đường sắt thì luôn quá tải, liên tục hết vé. Đường bộ thì chật hẹp, xuống cấp, tốc độ lưu thông chậm. Đường hàng không tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn ít chuyến, ít điểm đến cho khách hàng lựa chọn (chỉ đến TP Hồ Chí Minh và Hà Nội).
Về chủ quan, Bình Định chưa thật sự sẵn sàng về quy hoạch và mặt bằng cho nhà đầu tư. Công tác quy hoạch chưa thật sự 'đi trước một bước' để mở đường cho đầu tư phát triển. Nhiều trường hợp nhà đầu tư quan tâm nhưng chưa có quy hoạch nên không thể xúc tiến hình thành dự án. Việc chuẩn bị mặt bằng bao gồm hạ tầng kỹ thuật (cấp điện, cấp nước, viễn thông, xử lý nước thải, chất thải) cho các dự án chưa sẵn sàng. Một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong tỉnh chưa đầu tư khu xử lý nước thải tập trung hoặc có nhưng chỉ hoạt động cục bộ, do đó doanh nghiệp phải tự đầu tư rất tốn kém, thậm chí có doanh nghiệp xả thải không đúng đã gây ô nhiễm môi trường. Công tác giải phóng mặt bằng tiến hành chậm, thiếu giải pháp quyết liệt, thỏa đáng, nhiều dự án gần như phá sản hoàn toàn cũng vì công tác này, nhất là những dự án đụng chạm đến nhà ở của dân. Việc định giá đất chưa kịp thời cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư. Một số trường hợp giải quyết thủ tục đầu tư còn chậm do thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan của tỉnh, thời gian xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư còn dài, làm nhà đầu tư phải chờ đợi. Khi được lấy ý kiến về dự án đầu tư, một số cơ quan đã chậm trễ, thậm chí không trả lời.
Tạo đột phá trong thu hút đầu tư
Để cải thiện kết quả thu hút đầu tư, Bình Định cần nhìn thẳng vào những yếu kém, hạn chế và bất cập để từ đó có giải pháp quyết liệt, kịp thời, trong đó tập trung vào công tác quy hoạch, cải cách hành chính và lựa chọn dự án đầu tư. Về vấn đề này, đồng chí Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: 'Trong thời gian tới Bình Định tập trung tăng cường công tác quy hoạch. Tỉnh phấn đấu sớm hoàn thiện các quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất để có thể tranh thủ các nguồn hỗ trợ của Trung ương và ODA, bố trí vốn đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư…'.
Công tác cải cách thủ tục hành chính, hướng tới minh bạch thật sự đã và đang được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo. Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành hoàn chỉnh việc sửa đổi, bổ sung Quy trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư nhằm khắc phục được những bất cập về trình tự, cơ chế phối hợp liên ngành và thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến dự án đầu tư. Năm 2011, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bình Định tụt xuống thứ 20/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Vì vậy, Bình Định cần có một chương trình xây dựng lại hình ảnh và môi trường đầu tư – kinh doanh của mình nhằm không bị 'mất điểm' trong con mắt các nhà đầu tư.
Về định hướng thu hút đầu tư thời gian tới, tỉnh Bình Định hướng tới các dự án đầu tư phát huy lợi thế của tỉnh như chế biến nông, lâm, thủy sản, khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng. Ưu tiên của tỉnh là thu hút những nhà đầu tư có năng lực thật sự, các dự án công nghiệp có quy mô lớn, có khả năng thúc đẩy nhiều ngành công nghiệp cùng phát triển. Hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án đầu tư mà tỉnh xem xét, cân nhắc hiện nay không còn chung chung nữa mà phải tính toán thật cụ thể, trong đó việc đóng góp cho ngân sách phải được đặt lên hàng đầu. Tỉnh cũng cần thận trọng cân nhắc trước các dự án tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường hoặc mâu thuẫn với mục tiêu phát triển du lịch sinh thái biển và dịch vụ cảng biển của TP Quy Nhơn.
Để thực hiện được mục tiêu tăng cường thu hút đầu tư nói riêng, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nói chung, nỗ lực tự thân của tỉnh là chưa đủ, mà phải có sự hỗ trợ mạnh mẽ, kịp thời và thiết thực của Trung ương, đặc biệt là hỗ trợ nguồn vốn đầu tư hạ tầng, trong đó hạ tầng giao thông, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp là ưu tiên hàng đầu.
Do đó, tỉnh Bình Định mong muốn Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải sớm triển khai việc nạo vét luồng tàu từ Cảng Quy Nhơn đến Khu kinh tế Nhơn Hội và đôn đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam sớm khởi công Dự án Cảng tổng hợp Nhơn Hội; sớm cho chủ trương lập dự án đối với dự án đường bộ ven biển tỉnh Bình Định nhằm kết nối đường ven biển với Quảng Ngãi và Phú Yên; đồng thời sớm triển khai dự án Đường bộ cao tốc quốc lộ 19 đoạn Quy Nhơn (Bình Định) – Plây Cu (Gia Lai) để nối liền với vùng hậu phương rộng lớn của Cảng biển quốc tế Quy Nhơn, một trong những cảng biển sầm uất nhất của khu vực duyên hải miền trung. Về hàng không, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị tăng số chuyến bay tuyến TP Hồ Chí Minh – Quy Nhơn lên 14 chuyến/tuần (mỗi ngày tăng hai chuyến).
Theo Nhandan
Ý kiến ()