Tạo đột phá công tác tuyên truyền miệng
Quán triệt tuyên truyền miệng là kênh thông tin chủ yếu và chính thống nhằm giáo dục, phổ biến, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bạch Đích, xã Bạch Đích, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang vận động thanh thiếu niên xây dựng nếp sống văn minh. (Ảnh KHÁNH TRÌNH)
Tại các địa phương, nhiều tổ chức cơ sở đảng đã có những cách làm hay, mô hình, sáng kiến hiệu quả trong công tác tuyên truyền miệng, tạo ra sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng và hành động của nhân dân để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội.
Mới đây, chúng tôi có dịp đến thăm xã Bạch Đích, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Đây là một xã biên giới có mật độ dân cư thưa, thành phần dân tộc đa dạng với 12 dân tộc anh em. Xã Bạch Đích còn được biết đến như là nơi khởi nguồn của lễ hội lồng tồng (lễ hội xuống đồng) của người vùng cao biên giới Hà Giang.
Linh hoạt, kiên trì, hiểu sâu văn hóa
Những năm qua, cùng với chủ trương của Đảng, Nhà nước khuyến khích người dân bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa, cộng đồng các dân tộc trên địa bàn xã đã có nhiều hoạt động khôi phục các nghi lễ, lễ hội, góp phần tạo dấu ấn của Bạch Đích trên bản đồ du lịch của Hà Giang. Song, bên cạnh mặt tích cực vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục, nhất là trong việc tang ma, hiếu hỉ.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Bạch Đích Lê Bá Khánh Trình cho biết: Do nhận thức của một bộ phận nhân dân chưa đúng về việc thực hành tín ngưỡng cũng như thiếu thông tin nên trên địa bàn xã vẫn tồn tại một số hủ tục.
Thí dụ như việc giữ người chết trong nhà quá lâu, tổ chức tang ma, hiếu hỉ kéo dài làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Đối với những trường hợp này, Đảng ủy xã ngoài phối hợp hệ thống chính trị cơ sở tổ chức vận động, thuyết phục còn phải tranh thủ những người có uy tín, trưởng bản và thầy cúng để giải thích cho nhân dân hiểu về phong tục, nghi lễ nhưng không trái với quy định của pháp luật.
Qua đó đã hạn chế được nhiều đám hiếu, hỉ có thời gian kéo dài. Kết quả, trong năm 2022 trên địa bàn xã không còn xảy ra tình trạng tảo hôn, ép hôn, hôn nhân cận huyết thống; 17 người chết đã được chôn cất bảo đảm vệ sinh môi trường, làm tang lễ không quá 48 tiếng đồng hồ, không mổ nhiều trâu, bò.
Cũng ở Hà Giang, thôn du lịch Lô Lô Chải ở xã Mèo Vạc, huyện Đồng Văn, từng duy trì tục lệ chôn cất người thân gần nhà, để mộ hở. Qua hơn 10 năm trở lại đây, được sự vận động tuyên truyền tích cực của cấp ủy, chính quyền, hủ tục này đã được loại bỏ, đồng thời du lịch phát triển làm thay đổi diện mạo đời sống nhân dân địa phương.
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lô Lô Chải Sìn Gỉ Gai cho biết, nếu yêu cầu người dân loại bỏ trực tiếp việc thực hành nghi lễ chắc chắn sẽ rất khó thực hiện. Cách làm của địa phương ngoài gặp gỡ, chia buồn, tham gia vào việc tang ma, hiếu hỉ là đưa ra những đề nghị, yêu cầu với gia chủ dần dần rút ngắn những thủ tục nghi lễ không cần thiết, thống nhất về những quy định bắt buộc theo pháp luật.
Với cách làm như vậy, qua một vài năm, việc tang ma, hiếu hỉ theo nếp sống văn minh đã hình thành. Những năm gần đây, ở thôn Lô Lô Chải còn có phong trào tuyên truyền vận động người dân giữ gìn bản sắc văn hóa trong kiến thiết, xây dựng nhà ở và sinh hoạt văn hóa.
Điều này xuất phát từ lý do thời gian qua, bản trở thành địa điểm du lịch thu hút lượng lớn du khách, nhiều nhà đầu tư từ nơi khác đến đã tham gia làm dịch vụ du lịch. Song tất cả đều phải thực hiện theo quy ước của thôn là xây nhà trình tường và phục vụ văn nghệ địa phương đậm bản sắc dân tộc Lô Lô.
Mới đây, Tỉnh ủy Hà Giang ban hành Nghị quyết số 27 về việc xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Nghị quyết đã được phổ biến, quán triệt tới từng tổ chức cơ sở đảng và trở thành chương trình hành động của nhiều địa phương.
Tuy nhiên, để nghị quyết đi vào cuộc sống, các địa phương, đơn vị đã xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên chủ động, linh hoạt trong phổ biến kiến thức pháp luật, gắn bó với nhân dân địa phương, nhất là am hiểu phong tục tập quán để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả.
Mỗi người dân là một tuyên truyền viên
Hoạt động tuyên truyền miệng có một lợi thế rất lớn, đó là nắm bắt được nhận thức, tư tưởng và thái độ của đối tượng. Khi đủ thông tin, lý lẽ, người tuyên truyền sẽ làm chuyển biến nhận thức của người được tuyên truyền. Thời gian qua, nhiều địa phương đã làm tốt việc cung cấp thông tin, tranh thủ lực lượng đông đảo trong nhân dân để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Huyện Triệu Sơn nằm trong vùng quy hoạch phát triển trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa. Hai năm qua, huyện tạo ra đột phá trong phát triển nông thôn mới kiểu mẫu với nhiều tiêu chí cấp đô thị. Đường thông, hè thoáng, khu dân cư kiểu mẫu… là ấn tượng với du khách khi ghé thăm huyện.
Đây cũng là thành quả của Nghị quyết số 12 về mở rộng đường giao thông nông thôn do Huyện ủy Triệu Sơn ban hành và tổ chức toàn dân thực hiện. Sau sáu tháng, đã có hàng trăm ki-lô-mét đường giao thông được mở rộng cho thấy sự đồng thuận rất lớn từ người dân.
Bí thư Huyện ủy Triệu Sơn Lê Văn Tuấn cho biết: Để nghị quyết đi vào cuộc sống, phải xuất phát từ chính nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Nghị quyết số 12 là một minh chứng sinh động giữa ý Đảng và lòng dân. Trong quá trình triển khai, chính người dân đã đi đầu tuyên truyền, vận động, khơi thông điểm nghẽn giải phóng mặt bằng.
Đoàn viên, thanh niên xã An Lục Long, huyện Châu Thành (Long An) hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. (Ảnh TRÀ LONG)
Mới đây, trong đợt công tác tại hai tỉnh miền Tây Nam Bộ là Tiền Giang và Long An, chúng tôi cũng được chứng kiến cách làm này dưới một hình thức khác. Đó là những ban vận động giải phóng mặt bằng hoạt động song song cùng ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng.
Các địa phương đã phát huy vai trò của “ban vận động” thông qua việc cung cấp thông tin, tổ chức bàn bạc công khai, dân chủ để những người dân tham gia ban vận động có thêm “công cụ”, “lý lẽ” thuyết phục người dân.
Có nhiều câu chuyện cảm động như việc một người dân sở hữu thửa đất 12 nghìn m2 sau khi mở đường chỉ còn 2.000 m2 song vẫn vui vẻ hỗ trợ chính quyền, giải phóng mặt bằng. Có những gia đình, dòng họ tự giác thành lập “tổ vận động” để tuyên truyền cho chính người thân và hàng xóm.
Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Cần Đước (tỉnh Long An) Ngô Văn Tiếng chia sẻ: Khi mỗi người dân có đầy đủ thông tin, nhận thức và tự nguyện trở thành một tuyên truyền viên thì công tác vận động người dân trở nên dễ dàng. Tận dụng sức mạnh của dư luận ủng hộ trong dân đã giảm bớt áp lực cho ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng các cấp.
Tại các địa phương miền Tây Nam Bộ không chỉ có việc giải phóng mặt bằng mà còn có nhiều phong trào được chính người dân ủng hộ như xây dựng nông thôn mới, tuyến sau đỡ đầu tuyến trước (là những huyện giàu phía đông ủng hộ huyện nghèo phía tây), phong trào đền ơn đáp nghĩa, lá lành đùm lá rách…
Bài học về gương mẫu, đi đầu
Trong công tác vận động tuyên truyền, nhất là tuyên truyền miệng, nhiều địa phương đã quán triệt tinh thần làm gương, làm mẫu, xây dựng điển hình tiêu biểu. Mỗi địa phương đều cố gắng xây dựng nên những “cánh chim đầu đàn” trong các mô hình phát triển.
Cách đây chưa lâu, chúng tôi có dịp tham quan mô hình trồng cây ăn quả, nuôi cá giống của đồng chí Lô Văn Thuyết, Bí thư Chi bộ bản Khổi, xã Tam Thái, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.
Giống như nhiều thôn, bản giáp biên giới thuộc vùng núi phía tây Nghệ An, xã Tam Thái cũng thiếu hụt lao động do người trong độ tuổi lao động đi làm ăn xa. Đất canh tác ở thôn, bản bị hoang hóa. Đồng chí Thuyết đã đưa mô hình trồng cây ăn quả lâu năm về bản để tận dụng sức lao động của phụ nữ, người trung niên ở tại địa phương.
Đồng chí Thuyết tâm sự: “Khi đưa những giống cây ăn quả mới về, nhiều người đã nghi ngờ tính hiệu quả. Tôi đã trực tiếp hỗ trợ từng gia đình, cung cấp giống mới, hướng dẫn cách làm. Suốt quá trình này, hai bên thường xuyên trao đổi, cung cấp và tiếp nhận thông tin để tìm ra cách làm hiệu quả nhất. Từ đó, ngày càng nhiều hộ gia đình tham gia sản xuất”.
Quá trình “cầm tay chỉ việc” và “tuyên truyền miệng”, đồng chí Thuyết không chỉ vận động được nhiều hộ gia đình tích cực tăng gia, sản xuất mà còn phát triển được ba đảng viên trong hai năm qua.
Tuyên truyền miệng là quá trình thông tin hai chiều nên việc xây dựng uy tín rất quan trọng, cần tránh làm đổ bể niềm tin, thậm chí bị “quy kết” là “nói như rồng leo”… Xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An đã từng rơi vào trường hợp như thế.
Ở nhiệm kỳ trước, do nội bộ xã mất đoàn kết, nhiều tổ chức cơ sở đảng suy giảm sức chiến đấu dẫn đến việc vận động người dân không hiệu quả. Thái độ của nhân dân thường là bất hợp tác, không tham gia, không ủng hộ…
Vì thế, rất nhiều chương trình hỗ trợ của Nhà nước không đến được với nhân dân. Đến nhiệm kỳ 2020-2025, đồng chí Hoàng Đức Ân là cán bộ nông nghiệp huyện được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy xã.
Qua tìm hiểu, phân tích, đồng chí nhận định do nhiều cán bộ thiếu uy tín, không bám nắm cơ sở dẫn đến việc tuyên truyền không đạt hiệu quả. Sau khi được điều động, luân chuyển, sắp xếp lại bộ máy chính quyền, nâng cao chất lượng sinh hoạt của các tổ chức cơ sở đảng, công tác vận động, tuyên truyền đã có tín hiệu tích cực.
Sau 21 tháng kiên trì bám nắm cơ sở, nêu cao tinh thần “đảng viên đi trước làng nước theo sau”, các phong trào vận động quần chúng nhân dân đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả. Nhờ đó, xã Hưng Yên Nam đã về đích nông thôn mới trước thời hạn.
Nguồn: https://nhandan.vn/tao-dot-pha-cong-tac-tuyen-truyen-mieng-post781683.html
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()