Tạo đột phá cho môi trường kinh doanh
Môi trường kinh doanh thuận lợi được xem là “bệ đỡ” giúp các doanh nghiệp hoạt động ổn định và ngày càng phát triển, Chính phủ luôn xác định cải cách thể chế, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là những nhiệm vụ ưu tiên. Song, để cải thiện hiệu quả môi trường kinh doanh, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp nhằm nắm bắt những khó khăn, thách thức, từ đó chủ động tạo thuận lợi, thay vì “chạy theo” tháo gỡ.
Điểm sáng Việt Nam
Trong báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 vừa công bố mới đây cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh ở Việt Nam đã có sự cải thiện, công tác hỗ trợ doanh nghiệp chuyển biến tích cực với chi phí không chính thức tiếp tục giảm, các thủ tục gia nhập thị trường thuận lợi hơn,... Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội 5 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, cả nước có 98.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều tổ chức xếp hạng uy tín thế giới nhận định, môi trường kinh doanh ở Việt Nam hiện đang là một “điểm sáng” trên toàn cầu với các chỉ số kinh tế vĩ mô tiếp tục được cải thiện và thăng hạng dù tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới có những biến động khó lường và bất lợi.
Rõ ràng, những tín hiệu tích cực nêu trên phản ánh hiệu quả từ những nỗ lực của Việt Nam trong cải thiện môi trường kinh doanh. Qua đó giúp tăng cơ hội thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế.
Nhiều tín hiệu tích cực
Xác định việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững là một trọng tâm cải cách, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cho nên từ năm 2014, hằng năm Chính phủ đã ban hành chuỗi các nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia như: Nghị quyết số 19/NQ-CP (từ năm 2014-2018), Nghị quyết 02/NQ-CP (từ năm 2019-2022), Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2023 và mới đây nhất là sự trở lại của Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2024. Theo đó, môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng mừng, không chỉ thể hiện ở sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương mà còn thể hiện qua các chỉ số đạt được.
Theo PCI năm 2023 được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố trong tháng 5 vừa qua, điểm số PCI tại tỉnh trung vị của cả nước đạt 66,66 điểm, tăng gần 1,44 điểm so với năm 2022. Đây cũng là năm thứ 7 liên tiếp các tỉnh trung vị trong PCI có điểm số vượt 60 điểm trên thang điểm 100, đánh dấu sự cải thiện liên tục từ năm 2016 đến nay. Đặc biệt, chi phí không chính thức - một chỉ số PCI được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đã liên tục giảm trong nhiều năm.
Hiện các khoản phí “bôi trơn” ở hầu hết các lĩnh vực liên quan đến doanh nghiệp đều giảm đáng kể từ 66% (năm 2016) xuống còn hơn 33,3% (năm 2023); quy mô cũng tiếp đà giảm mạnh khi chỉ còn khoảng 2,5% số doanh nghiệp cho biết phải chi hơn 10% thu nhập cho các chi phí này, thấp hơn đáng kể con số 9,1% số doanh nghiệp (năm 2016) và 3,8% số doanh nghiệp (năm 2022). Tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý rằng “chi phí không chính thức ở mức chấp nhận được” vẫn ở mức cao, đạt gần 86%.
Đây được xem là một điểm đáng mừng khi những nỗ lực trong phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước đã và đang phát huy tác dụng, giúp giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho doanh nghiệp. Ngoài ra, hoạt động thanh tra, kiểm tra cũng được doanh nghiệp đánh giá là có sự cải thiện khi tỷ lệ doanh nghiệp báo cáo bị thanh tra, kiểm tra ba lần trong năm chỉ còn gần 7% (năm 2023), giảm mạnh so mức 9,6% (năm 2022) và 13,8% (năm 2021).
Bên cạnh đó, nhiều chỉ số đánh giá PCI khác đều có chuyển biến tích cực và ngày càng thăng hạng; hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính cũng ngày càng được cải thiện khi có tới 87,9% số ý kiến đánh giá “cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả” và 86,8% số ý kiến đồng ý “thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định”. Nhiều tổ chức quốc tế cũng đưa ra nhận định về môi trường kinh doanh của Việt Nam với nhiều triển vọng tươi sáng.
Tại báo cáo khảo sát Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) quý I năm 2024 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho thấy, BCI của Việt Nam đạt 52,8 điểm, mức cao nhất kể từ năm 2022 và nhận định Việt Nam là một thị trường năng động với triển vọng tăng trưởng tuyệt vời. Chỉ số này một lần nữa tăng trên ngưỡng 50 điểm đã khẳng định sức hấp dẫn ngày càng lớn của Việt Nam trong mắt các doanh nghiệp châu Âu.
Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết, Việt Nam là điểm phát triển kinh doanh hấp dẫn nhất trong ASEAN, hơn 60% số công ty Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong hai năm tới. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đưa ra dự báo, năm 2024, mức tăng trưởng Việt Nam sẽ đạt 5,8%, đứng thứ 20 thế giới và đánh giá cao về tiềm năng tăng trưởng và điều hành vĩ mô của nước ta. Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế thế giới có nguy cơ tăng trưởng âm thì Ngân hàng Thế giới (WB) vẫn dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ đạt 5,5% trong năm 2024. Đáng chú ý, WB cho rằng không giống nhiều quốc gia khác, Việt Nam sẽ còn nhiều dư địa để triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng và tăng trưởng trong năm 2025 sẽ tăng dần lên 6,0%.
Kịp thời nắm bắt, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp
Là chủ một doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội, theo cảm nhận của anh Văn Hoàng Đức, Giám đốc Công ty thương mại dịch vụ Đức Phúc cho biết, trước những khó khăn của thị trường, chính quyền địa phương, đặc biệt là lãnh đạo thành phố luôn tạo mọi điều kiện giúp các doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc về tài chính, nhân công, thị trường; hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến thương mại tại chỗ để giải quyết đầu ra với nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả thông qua việc đổi mới hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Lãnh đạo thành phố thường xuyên tổ chức hội nghị đối thoại với mục tiêu thiết lập và duy trì kênh trao đổi thông tin kịp thời, thiết thực, hiệu quả giữa chính quyền thành phố và cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô. Qua đó, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp để hỗ trợ và giải quyết nhanh chóng những vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn, thông qua việc chỉ đạo các sở, ngành thực hiện tốt các chính sách ưu đãi về tín dụng, giảm thuế, phí đất đai, xúc tiến thương mại. Điều này đã giúp củng cố lòng tin, tạo hiệu ứng lan tỏa và tác động tích cực tới cộng đồng doanh nghiệp.
Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn ghi nhận những nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh của cả bộ máy chính trị trong thời gian qua. Môi trường kinh doanh ở Việt Nam qua góc nhìn của doanh nghiệp đang cho thấy sự cải thiện liên tục theo hướng cởi mở, thân thiện, thuận lợi hơn, từ đó giúp việc phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc. Trong PCI năm 2023, các doanh nghiệp ghi nhận chất lượng giải quyết thủ tục hành chính nói chung ở mức cao.
Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất hồ sơ đạt hơn 82,5%; thủ tục giấy tờ đơn giản đạt 82,4%; các thủ tục gia nhập thị trường thuận lợi hơn,... Song, thực tế, dù số lượng công điện hay nghị quyết của Chính phủ ban hành nhằm đốc thúc vẫn rất lớn, thể hiện quyết tâm chính trị cao, nhưng có lúc, có nơi vẫn chưa thật sự chú trọng. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp vẫn mong muốn công cuộc cải cách phải được thực hiện một cách mạnh mẽ hơn nữa, nhằm tạo những thay đổi thực chất hơn.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra thách thức lớn nhất chính là thay đổi tư duy, cách tiếp cận của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức chính quyền các cấp. Ở đây, điều cốt lõi chính là quyết tâm, tinh thần năng động, cầu thị, lắng nghe của lãnh đạo chính quyền. Do đó, Chính phủ cần đôn đốc, có những chỉ đạo kịp thời để xốc lại tinh thần dám nghĩ, dám làm, tính năng động tiên phong của bộ máy chính quyền các cấp trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Dư địa cho cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn rất nhiều và cần sự nỗ lực hơn nữa từ các bộ, ngành và địa phương nhằm thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực thi.
Chia sẻ về “bí quyết” 7 năm liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng PCI và hành trình cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tại địa phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy khẳng định, Quảng Ninh luôn xác định trong quá trình cải cách, những nỗ lực của địa phương phải diễn ra hằng ngày; không được tự chủ quan, tự thỏa mãn với kết quả đã đạt được, luôn nhận diện kịp thời những mâu thuẫn trong thực tiễn quản lý, khó khăn, thách thức của người dân và doanh nghiệp để tìm cách tháo gỡ, giải quyết.
Thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy mạnh cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; thúc đẩy chuyển đổi số để phát triển kinh tế số và xã hội số, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến... Đặc biệt, sẽ nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai bình đẳng, tháo gỡ ách tắc, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, giảm chi phí đầu vào, giảm rủi ro chính sách,...
Từ năm 2021 đến hết tháng 3/2024, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 2.900 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, trong đó gồm: hơn 1.500 thủ tục hành chính, 161 yêu cầu điều kiện, 88 chế độ báo cáo, 154 quy chuẩn, tiêu chuẩn và 960 mặt hàng kiểm tra chuyên ngành tại 236 văn bản quy phạm pháp luật gồm: 17 luật, 64 nghị định, 4 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 149 thông tư, thông tư liên tịch và 2 văn bản khác,...
Nguồn: Văn phòng Chính phủ
Ý kiến ()