Tạo đột phá cải cách thủ tục hành chính
(LSO) – Những năm gần đây, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Lạng Sơn đã có bước đột phá. Thể hiện rõ rất là TTHC được công bố, công khai và thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến tăng.
Từ năm 2015 đến 2018, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 255 quyết định công bố ban hành mới, bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung với 3.299 lượt TTHC. Sau khi được công bố, 100% TTHC được cập nhật, đăng tải trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Các cơ quan, đơn vị cũng tiến hành niêm yết công khai ngay TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết tại trụ sở. Việc niêm yết không chỉ đẹp về hình thức mà còn đúng quy định, đạt tới gần 100% TTHC được niêm yết (trước năm 2015 chỉ từ 70% – 80%). Một số sở, ngành còn có những sáng tạo trong niêm yết, công khai như Sở Tư pháp ngoài niêm yết tại trụ sở còn in tờ gấp phát đến người dân khi đến thực hiện thủ tục.
Đại diện doanh nghiệp thực hiện TTHC cấp giấy đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư
Bà Nguyễn Thị Lệ Thu, Trưởng Phòng Kiểm soát TTHC (Văn phòng UBND tỉnh) khẳng định: Những con số, kết quả đạt được ở trên là do công tác công bố, công khai TTHC thuộc thẩm quyền của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh cơ bản được thực hiện theo đúng quy trình, quy định và nề nếp hơn so với thời gian từ năm 2015 về trước. Cùng với đó là sự nỗ lực của các sở, ngành trong việc xây dựng dự thảo quyết định công bố, công khai; nỗ lực chỉnh trang, cải tạo cơ sở vật chất để niêm yết đầy đủ, đúng quy định số lượng TTHC nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cá nhân, tổ chức tìm hiểu và giám sát việc thực hiện TTHC.
Song song với công tác trên, những năm gần đây, việc thực hiện TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và ứng dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) có chuyển biến rõ nét. Nếu như hết năm 2016, số lượng TTHC thực hiện theo cơ chế này chưa đạt 50% tổng số TTHC thì đến thời điểm này đã tăng lên gần 75% với gần 1.500 TTHC. Trong đó, UBND thành phố Lạng Sơn đạt cao nhất với 241/260 TTHC (gần 93%); cơ quan hành chính cấp xã huyện Văn Lãng có số lượng TTHC thực hiện theo cơ chế này cao nhất, đạt trên 66%. Kết quả này góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC. Chị Đoàn Thị Chiêm, Khối 8, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: “Những năm gần đây, khi thực hiện TTHC gì, tôi chỉ cần đến bộ phận một cửa phường hoặc thành phố là được tiếp nhận hồ sơ. Kết quả cũng lấy ở đó; không như trước phải tự đi liên hệ, xin chữ ký và đóng dấu ở nhiều nơi”.
Đối với ứng dụng DVCTT cũng tăng đột biến. Cuối năm 2017, toàn tỉnh mới có 13/29 đơn vị triển khai ứng dụng, chủ yếu là DVCTT mức độ 2, chỉ có 14 DVCTT mức độ 3 thì đến nay đã tăng lên 29 cơ quan cơ quan, đơn vị triển khai ứng dụng 3.295 DVCTT (2.642 DVC mức độ 2, 607 DVC mức độ 3 và 46 DVC mức độ 4). Từ đầu năm 2018 đến nay, các cơ quan, đơn vị đã tiếp nhận 34.494 hồ sơ và đã giải quyết 30.767 hồ sơ qua DVC.
Ông Phạm Hùng Trường, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh khẳng định: Những kết quả trên đây là tiền đề để Lạng Sơn thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ cải cách TTHC. Văn phòng sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt các hoạt động kiểm soát TTHC nhằm đạt mục tiêu của Đề án cải cách TTHC tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020 đã đề ra.
Đề án cải cách TTHC tỉnh Lạng Sơn phấn đấu đến năm 2020: 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương được công bố, niêm yết, công khai minh bạch đúng quy định; rà soát thực hiện cắt giảm 100% TTHC, quy định hành chính thuộc thẩm quyền quy định của UBND tỉnh gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; 100% số TTHC đủ điều kiện được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; 100% TTHC được cung cấp DVCTT mức độ 2; 50% TTHC được cung cấp DVCTT mức độ 3; 30% TTHC được cung cấp DVCTT mức độ 4. |
Ý kiến ()