Tạo đồng thuận, củng cố khối đại đoàn kết từ công tác dân vận
– Dân vận và công tác dân vận luôn là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, đặc biệt trong tình hình hiện nay, sự đồng thuận của người dân chính là thước đo hiệu quả công tác dân vận của Đảng.
Xác định sâu sắc quan điểm đó, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã triển khai công tác dân vận trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó, góp phần tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị đề ra.
Triển khai rộng khắp
Đồng chí Giáp Thị Bắc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Để thực hiện hiệu quả công tác dân vận, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tích cực tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, trọng tâm là Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Lạng Sơn; Đề án tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội đến năm 2025 và những năm tiếp theo; triển khai xây dựng mô hình điểm “Chính quyền thân thiện” cấp cơ sở; thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” … Cùng đó, chỉ đạo ban dân vận các cấp tham mưu cấp ủy phổ biến, quán triệt các quyết định, quy định, hướng dẫn của Đảng về công tác dân vận; xây dựng chương trình và triển khai thực hiện công tác dân vận trên địa bàn tỉnh.
Đoàn viên thanh niên Công an tỉnh phối hợp với Huyện đoàn Tràng Định xây dựng đường lên cột mốc tại xã Đội Cấn, huyện Tràng Định
Khi có các văn bản, hướng dẫn của cấp trên về công tác dân vận, 100% các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đều ban hành kế hoạch thực hiện; tổ chức quán triệt, triển khai tới đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Mỗi cơ quan, đơn vị căn cứ vào tình hình thực tế, nhiệm vụ trọng tâm… để triển khai cụ thể.
Các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị đã chú trọng thực hiện với cách làm như: đổi mới cách thức triển khai, sáng tạo gắn với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”… đã góp phần động viên đội ngũ cán bộ, đảng viên các tầng lớp Nhân dân đoàn kết, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát huy dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết.
Đơn cử như tại huyện Đình Lập, năm 2022, một trong những nhiệm vụ trọng tâm huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo là phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị ở cơ sở khu vực biên giới để quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia… Ông Đặng Văn Lộc, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết: Để thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, huy động tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng chung tay quản lý, bảo vệ biên giới, hướng đến mục tiêu xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh. Một trong những kết quả rõ nét nhất đó là Đình Lập là huyện tiên phong trong việc huy động xã hội hóa kinh phí và nhân công xây dựng hơn 2,4 km đường lên cột mốc biên giới (trong năm 2022), góp phần tạo thuận lợi cho lực lượng tuần tra, bảo vệ biên giới.
Hay như tại Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh, thời gian qua, Ban Thường vụ Đảng ủy đã tích cực chỉ đạo cấp ủy cơ sở triển khai thực hiện các mô hình, công trình “Dân vận khéo” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Theo thống kê, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn Đảng bộ đã đăng ký 154 mô hình, công trình trong đó có 101 mô hình, công trình đã hoàn thành. Trong số đó có những mô hình, công trình thực hiện hướng về cơ sở, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân như: công trình nhà văn hóa – hội đàm tại thôn Pò Nhùng, xã Bảo Lâm, Cao Lộc với tổng kinh phí 1,3 tỷ đồng do Đảng bộ Cục Hải Quan tỉnh thực hiện; công trình nhà nhân ái cho hộ nghèo tại huyện Bắc Sơn với tổng kinh phí 100 triệu đồng do cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động Cục Quản lý thị trường đóng góp; công trình sân bóng chuyền hơi cho thôn Bản Pẻn, xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng do Chi bộ Sở Công Thương thực hiện…
Ông Mông Văn Kỳ, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Bản Pẻn, xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng cho biết: Trước đây, Nhân dân trong thôn chưa có khu vực rộng rãi để đáp ứng nhu cầu luyện tập thể dục thể thao. Từ khi được hỗ trợ xây dựng sân bóng chuyền, người dân đã có nơi để rèn luyện sức khỏe, trẻ em có không gian rộng, an toàn để vui chơi. Đây là công trình rất ý nghĩa bởi người dân trong thôn đã mong đợi từ lâu.
Cùng với 2 đơn vị kể trên, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy đã căn cứ vào tình hình thực tế để triển khai công tác dân vận trên tất cả các lĩnh vực như: phát triển kinh tế, xây dựng đảng, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, cải cách hành chính… qua đó đạt được một số kết quả tích cực. Điển hình như các huyện: Văn Lãng, Tràng Định, Lộc Bình, Hữu Lũng… triển khai mô hình “Chính quyền thân thiện” tại 100% các xã, thị trấn với mục tiêu phục vụ ngày càng tốt hơn cho cá nhân, tổ chức khi đến liên hệ công tác; Đảng ủy Biên phòng tỉnh chỉ đạo xây dựng và thực hiện các mô hình: “Ngày hội Biên phòng toàn dân”, “Vận động, huy động các nguồn lực xã hội hóa xây dựng đường kiểm tra cột mốc quốc giới”, “Hợp sức toàn dân tấn công tội phạm”; Đảng ủy Công an tỉnh chỉ đạo thực hiện nhiều hoạt động tình nguyện hướng về cơ sở, giúp đỡ Nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo an sinh xã hội…
Không chỉ vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn xác định lấy dân làm gốc, thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát huy quyền làm chủ, vai trò giám sát của Nhân dân trong mọi mặt của đời sống xã hội. Đơn cử như công tác đối thoại, hằng năm, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đều tổ chức đối thoại với Nhân dân ít nhất 1 lần/năm để lắng nghe, giải đáp thấu đáo những tâm tư, nguyện vọng chính đáng; duy trì hiệu quả hoạt động của các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng… Từ đó, khiến người dân tin tưởng, ủng hộ các chủ trương của đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tạo sức mạnh đại đoàn kết
Trong quá trình triển khai công tác dân vận, các cấp ủy luôn đề cao tính nghiêm túc, thực hiện song song công tác tuyên truyền, giáo dục với động viên, phát động các phong trào thi đua; phát hiện, tuyên dương, khen thưởng động viên các điển hình tiên tiến… Đồng thời, phương thức thực hiện công tác dân vận của hệ thống chính trị đã thay đổi theo hướng rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ cách làm và được thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn.
Từ việc thực hiện tốt công tác dân vận đã tạo nên sự đồng thuận trong Nhân dân đối với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của các cấp, ngành, đơn vị như: phòng, chống dịch, phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh, giải quyết các vấn đề xã hội; giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh…
Phụ nữ thông Nà Canh, xã Bằng Mạc, huyện Chi Lăng chung tay xây dựng tuyến đường thôn xanh, sạch, đẹp
Với sự tham gia tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng sôi nổi, thiết thực của người dân, xây dựng nông thôn mới đã trở thành một phong trào phát triển rộng khắp và đạt được nhiều kết quả tích cực. Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, trung bình mỗi năm, người dân tự nguyện hiến hằng trăm nghìn mét vuông đất, hàng vạn ngày công lao động để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 86 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 17 xã nông thôn mới nâng cao và 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Cùng đó, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp theo hướng đồng bộ, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất và đời sống.
Ông Hoàng Viết Bảo, đảng viên Chi bộ thôn Tân Tiến, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc cho biết: Với trách nhiệm của một người đảng viên, tôi luôn xác định mình phải gương mẫu, đi đầu trong phong trào để người dân trong thôn noi theo. Được cấp ủy chính quyền các cấp tuyên truyền, vận động, đầu năm 2022, gia đình tôi đã hiến hơn 600 m2 đất để xây dựng tuyến đường giao thông của thôn để gia đình và người dân đi lại được thuận tiện hơn.
Một trong những kết quả nổi bật trong công tác dân vận trên địa bàn tỉnh là huy động các cá nhân, tổ chức chung tay xây dựng đường kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới tỉnh Lạng Sơn. Lạng Sơn có tuyến biên giới dài 231,74 km chạy qua 5 huyện gồm: Đình Lập, Lộc Bình, Cao Lộc, Văn Lãng và Tràng Định. Trên tuyến biên giới có 474 cột mốc phân định chủ quyền biên giới quốc gia, trong đó có 459 cột mốc nằm ở các vị trí trên cao hiểm trở cần đầu tư xây dựng các tuyến đường tạo thuận lợi cho việc kiểm tra mốc vừa giúp cho Nhân dân địa phương thuận lợi trong đi lại phát triển sản xuất. Hưởng ứng lời kêu gọi tại Thư ngỏ của Tỉnh uỷ – HĐND –UBND – Uỷ ban MTTQ tỉnh, nhiều tập thể, cá nhân đã tích cực tham gia, hỗ trợ, giúp đỡ về kinh phí, ngày công lao động… Nhờ vậy, từ tháng 11/2022 đến ngày 18/4/2023, đã có 175 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ tiền, hiện vật trị giá trên 5,4 tỷ đồng; toàn tỉnh đã xây dựng được trên 120 đường nhánh kiểm tra cột mốc.
Nhờ những nỗ lực triển khai công tác dân vận của cấp ủy, chính quyền các cấp đã góp phần giúp các cuộc vận động ngày càng hiệu quả, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân, giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Để công tác dân vận ngày càng hiệu quả, thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác dân vận; tập trung quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận. Đồng thời, tăng cường hiệu quả phối hợp của các cơ quan, đơn vị; thanh tra, kiểm tra, xử lý tiêu cực, tham nhũng, hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân…
XUÂN HƯƠNG - THANH MAI
Ý kiến ()