Tạo động lực thúc đẩy sinh viên nghiên cứu khoa học
Những kết quả khả quan
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), hiện số lượng sinh viên tham gia NCKH ngày càng tăng và chất lượng các công trình từng bước được nâng cao. Nếu năm 1990, Bộ GD và ĐT chính thức tổ chức giải thưởng 'Sinh viên NCKH', mới có 18 đơn vị với 62 công trình dự thi thì đến năm 2009 đã có 98 đơn vị với 653 công trình dự thi. Nhiều trường đại học có số sinh viên tham gia NCKH với nhiều công trình có ý nghĩa thực tiễn, được các hội đồng chấm giải thưởng đánh giá cao. Điển hình như: Trường đại học Khoa học tự nhiên, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội, Trường đại học Sư phạm 2, Trường đại học Khoa học Huế, Trường đại học Mở TP Hồ Chí Minh, Trường đại học Cần Thơ, Trường đại học An Giang, v.v.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, GS, TSKH Nguyễn Hoàng Lương, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, hoạt động NCKH hằng năm thu hút khoảng 500 sinh viên trong trường tham gia. Để nâng cao chất lượng NCKH, chương trình đào tạo của trường được thiết kế hợp lý, tránh hàn lâm, quá tải, bảo đảm cả thầy và trò có nhiều thời gian để thực hành, thực tập. Các đề tài NCKH từ cấp Đại học Quốc gia Hà Nội trở lên đều gắn liền với đào tạo đại học và sau đại học; sản phẩm của đề tài phải có kết quả cụ thể về bồi dưỡng các cán bộ khoa học trẻ, trực tiếp là các nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên.
Với cách làm đó, từ năm 2000 đến năm 2009, Trường đại học Khoa học tự nhiên có mười công trình đoạt giải nhất sinh viên NCKH cấp bộ. Trường đại học An Giang cũng có phong trào sinh viên NCKH khá sôi nổi. Theo TS Trần Thanh Sơn, Phó Trưởng phòng khoa học và hợp tác quốc tế: Với tổng số gần 11,5 nghìn sinh viên các khoa, năm 2009 cả trường có tổng số 696 đề tài NCKH của sinh viên. Nhiều đề tài gắn với thực tiễn cuộc sống như: Tìm hiểu một số yếu tố ảnh hưởng đến nghèo đói ở xã Núi Tô, huyện Tri Tôn (An Giang); tính toán thiết kế bể Aerotank trong xử lý nước thải ngành chế biến thủy sản…
Một số đề tài nghiên cứu của sinh viên các trường từng bước được lựa chọn từ nhu cầu thực tiễn như: 'Tổng hợp sáp bôi trơn sinh học từ mỡ lợn, mỡ bò' của sinh viên Hà Thị Kim Quy (Trường đại học Cần Thơ); đề tài 'Vai trò của các không gian thương mại truyền thống ở Hà Nội- Những định hướng bảo tồn và phát triển trong tương lai. Nghiên cứu tại chợ Hàng Da – Hà Nội' của sinh viên Đặng Hoàng Quyên (Trường đại học Xây dựng) đoạt giải nhất 'Sinh viên NCKH' năm 2010… Tại Trường đại học Sư phạm 2, sinh viên Mông Thị Hạnh, lớp K33B Khoa sinh – kỹ thuật nông nghiệp cho biết: Xuất phát từ nhu cầu bảo tồn nét truyền thống văn hóa các dân tộc, em đã lựa chọn và đăng ký đề tài 'Hát Then truyền thống của dân tộc Tày tỉnh Cao Bằng: Thực trạng và giải pháp bảo tồn'. Kết quả nghiên cứu, khảo sát của đề tài cho thấy số lượng làn điệu hát Then chỉ còn hơn mười làn điệu với số người biết hát Then truyền thống còn lại rất ít, chủ yếu là người cao tuổi. Vì vậy, cần có những nghiên cứu các mối quan hệ của loại hình hát Then một cách nghiêm túc. Đề tài còn đi sâu phân tích, đánh giá mang lại ý nghĩa thiết thực trong việc góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Tày.
Cần gắn đào tạo, NCKH và triển khai ứng dụng
Có thể nói, NCKH đã trở thành một hoạt động cần thiết, bổ ích trong các trường đại học và ngày càng thu hút đông đảo sinh viên tham gia, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trong các nhà trường và định hướng tương lai của sinh viên. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giáo dục, tỷ lệ sinh viên tham gia NCKH và các công trình (đề tài) có chất lượng cao còn ít, chưa tương xứng với số lượng, quy mô sinh viên đào tạo. Công tác tổ chức triển khai cho sinh viên NCKH không đều giữa các trường, dẫn đến việc nâng cao chất lượng đào tạo đại học, bồi dưỡng tài năng trẻ hạn chế. Bên cạnh đó, phương pháp nghiên cứu của một bộ phận sinh viên không phù hợp, nhiều công trình còn mang tính lý thuyết, chung chung. Hệ thống tư liệu, tài liệu tham khảo phục vụ cho NCKH còn bất cập, nhất là tài liệu bằng tiếng nước ngoài. Theo TS Vũ Mạnh Chiến, Trưởng phòng khoa học đối ngoại Trường đại học Thương mại, trong tổ chức NCKH cho sinh viên vẫn còn xuất hiện tình trạng hội đồng khoa học và đào tạo các khoa chưa chú trọng nhiều đến việc định hướng đề tài, dẫn đến nhiều đề tài của sinh viên nghiên cứu phạm vi quá rộng, không xác định được cụ thể đối tượng, phương pháp nghiên cứu.
Theo các chuyên gia, để NCKH trong sinh viên được nhân rộng và đạt kết quả cao, cần những giải pháp đồng bộ, thiết thực tạo động lực, thúc đẩy sinh viên tham gia. Các cơ sở giáo dục cần đổi mới quản lý hoạt động khoa học công nghệ và xây dựng kế hoạch NCKH trong sinh viên từng năm học; nâng kinh phí cho các đề tài NCKH của sinh viên, nhất là những đề tài có giá trị ứng dụng thực tiễn cao nhằm giảm bớt những khó khăn trong quá trình triển khai đề tài. Các trường cần có chính sách đãi ngộ đối với giảng viên hướng dẫn và sinh viên tham gia NCKH. Ngoài nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ, các trường chủ động hợp tác với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh, tổ chức quốc tế vừa thu hút nguồn kinh phí tài trợ cho hoạt động NCKH của sinh viên, vừa giúp các đề tài có tính ứng dụng cao hơn.
Từ thực tiễn kinh nghiệm tham gia NCKH và đoạt giải ba giải thưởng 'Sinh viên NCKH' năm 2010, Đặng Hoàng Quyên, sinh viên năm thứ 5 chuyên ngành kiến trúc và quy hoạch, Trường đại học Xây dựng cho rằng: Các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp… tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sinh viên tiếp cận thực tế, lấy số liệu phục vụ NCKH. Mặt khác, các sản phẩm NCKH có giá trị thực tiễn cũng cần được khuyến khích, áp dụng thay vì chỉ làm tài liệu tham khảo cho sinh viên khóa sau. Còn sinh viên Lê Thị Ngọc Tú, Trường đại học Mỏ – Địa chất đoạt giải nhất giải thưởng 'Sinh viên NCKH' năm 2010 cho rằng cần tạo những mối liên kết giữa các nhà đầu tư, công ty với các công trình NCKH của sinh viên trong trường đại học. Từ đó, sinh viên đề xuất những ý tưởng khoa học, những sáng tạo có tính thực tiễn, khả năng ứng dụng vào cuộc sống, kiến nghị với giảng viên hướng dẫn và các công ty đang có nhu cầu về vấn đề đó. GS, TSKH Nguyễn Hoàng Lương khẳng định, cần gắn chặt đào tạo với NCKH và triển khai ứng dụng. Người thầy vừa dạy học vừa NCKH gắn với thực tiễn sẽ tạo ra chất lượng cao cho bài giảng từ việc bổ sung nhiều thông tin mới, cập nhật sinh động. Vì vậy, ngay trong các nhà trường, cần đổi mới nội dung, chương trình đào tạo để việc triển khai NCKH và thực hiện khóa luận tốt nghiệp là bắt buộc đối với mọi sinh viên.
NCKH nói chung và sinh viên NCKH nói riêng là một nhiệm vụ quan trọng, thúc đẩy quá trình đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng đào tạo và trình độ đội ngũ cán bộ, giảng viên. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, với vai trò quan trọng của tri thức khoa học, việc đẩy mạnh NCKH trong sinh viên càng có ý nghĩa thiết thực, nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra trong quá trình CNH, HĐH đất nước.
Ý kiến ()