Tạo động lực tăng trưởng mới
Cùng với việc tạo động lực tăng trưởng về đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, các hoạt động kinh tế cần tranh thủ tối đa các nguồn hỗ trợ từ bên ngoài để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới để kích thích tăng trưởng.
Sản xuất bóng đèn led tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông. (Ảnh DUY ĐĂNG) |
Trong các diễn đàn về chuyển đổi số được tổ chức gần đây, bài học thành công của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp có thêm niềm tin để triển khai chiến lược chuyển đổi số, tạo ra động năng mới cho chặng đường phát triển phía trước.
Dư địa mới cho tăng trưởng
Từng có giai đoạn sản phẩm khó cạnh tranh được với hàng nhập ngoại, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm chỉ đạt từ khoảng 8 đến 10% nhưng ba năm trở lại đây Rạng Đông đã bứt phá lên “mặt bằng” tăng trưởng mới nhờ kiên định con đường chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết: Từ năm 2020, doanh nghiệp đã tiên phong chuyển đổi số với hai vấn đề cốt lõi là tái cấu trúc chiến lược sản phẩm/dịch vụ (Hệ sinh thái SP/DV – 4.0) và tái cấu trúc mô hình kinh doanh.
Kết quả là vào những năm kinh tế trong và ngoài nước suy giảm vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Rạng Đông vẫn đạt mức tăng trưởng từ 15 đến 20% và dự kiến trong giai đoạn 2023-2025 sẽ tiếp tục thiết lập mốc tăng trưởng mới, khoảng 25%-30% để tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành doanh nghiệp tỷ USD.
Chuyển đổi số trong khu vực sản xuất là một trong những giải pháp then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong các năm 2021, 2022, tỷ trọng kinh tế số/GDP của Việt Nam đạt 11,91% và 14,26% GDP. Ước tính sơ bộ sáu tháng đầu năm 2023, con số này đã tăng lên khoảng 14,96%, kinh tế số được thúc đẩy sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Dư địa cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới cũng đến từ các hoạt động đổi mới sáng tạo. Năm 2019, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) được thành lập với chức năng hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học và công nghệ.
Theo kế hoạch, tháng 10/2023, NIC sẽ khánh thành cơ sở hoạt động mới tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và tổ chức triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam (VIIE) 2023. Hoạt động này dự kiến có sự hiện diện của 300 doanh nghiệp trong nước và quốc tế, thu hút khoảng 40 nghìn lượt khách tham dự.
Việc nhiều hãng công nghệ, doanh nghiệp lớn như Meta, Google, Samsung, SK, Siemens, VISA và các quỹ đầu tư, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo đã xác nhận kế hoạch tham dự VIIE 2023 với các hoạt động cam kết đồng hành cùng sự phát triển của Việt Nam mở ra kỳ vọng về bước phát triển mạnh mẽ hơn của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.
Bất chấp môi trường đầu tư toàn cầu đầy biến động, Việt Nam vẫn là điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và lực lượng lao động trẻ, tay nghề cao. Đến nay đã có 41 quỹ đầu tư mạo hiểm cam kết đầu tư 1,5 tỷ USD trong giai đoạn 2023-2025, dự kiến tổng giá trị đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong giai đoạn này sẽ đạt 5 tỷ USD.
Hoàn thiện khung pháp lý
Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2023 đang dần được cải thiện theo xu hướng tích cực hơn. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với không ít rủi ro, biến động phức tạp, khó lường từ sự phục hồi chậm của các đối tác thương mại lớn, áp lực lạm phát trên thế giới, rủi ro gián đoạn trong chuỗi cung ứng,…
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, trong những tham mưu chính sách gần đây, CIEM vẫn tư duy theo hướng tạo không gian đủ rộng để doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể triển khai các mô hình kinh tế mới.
Đơn cử, CIEM đang đề xuất Chính phủ xây dựng cơ chế thí điểm trong các ngành có thể sớm tạo động lực cho phục hồi tăng trưởng thông qua một số mô hình kinh tế tuần hoàn, như nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp; năng lượng và vật liệu xây dựng.
Tại Báo cáo nghiên cứu về giải pháp tổng thể tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh hiện nay, TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu (Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam) cho rằng, các doanh nghiệp cũng cần tính đến bài toán dài hơi hơn như chú trọng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển, quản lý, vận hành hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời đào tạo, phát triển đội ngũ nhân sự chất lượng cao và đẩy mạnh “xanh” hóa, phát triển bền vững để phù hợp với xu thế tăng trưởng bền vững.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, bên cạnh nhiệm vụ tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh các động lực tăng trưởng về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng trong nước, cần kích hoạt các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, tranh thủ tối đa các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài để tiến hành công cuộc đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi “xanh”, các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới như bán dẫn, năng lượng Hydrogen,.. nhằm tạo ra tăng trưởng.
Trong thời gian này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan để tạo nhiều ưu đãi hơn nữa cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn.
Trong đó, đề xuất sửa đổi Nghị định 94/2020/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia nhằm cụ thể hóa các quy định về ưu đãi đầu tư, các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt cho hoạt động đổi mới sáng tạo.
Nguồn:https://nhandan.vn/tao-dong-luc-tang-truong-moi-post768325.html
Ý kiến ()