Tạo động lực phát triển
LSO-Phát triển nguồn nhân lực luôn được tỉnh ta xác định là một trong những khâu đột phá nhằm đảm bảo có nguồn lực đủ về số lượng, chất lượng, hợp lý về cơ cấu và trình độ phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Chính vì vậy, những năm qua, tỉnh ta đã đặc biệt quan tâm công tác đầu tư đào tạo nghề cho lao động trong tỉnh, coi phát triển nguồn nhân lực vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Công nhân Công ty TNHH Gạch tuynel Toàn Phát bên dây chuyền sản xuất gạch |
Trong những năm gần đây, Lạng Sơn có những thay đổi lớn về lực lượng lao động nói chung và lao động có kỹ thuật nói riêng. Số lượng lao động tăng nhanh và chất lượng lao động từng bước được nâng cao. Kinh tế phát triển tạo nhiều việc làm mới, thu nhập của người lao động ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, so sánh với cả nước, thực trạng và chất lượng lao động ở tỉnh ta vẫn còn nhiều bất cập. Chênh lệch lớn về chất lượng lao động giữa khu vực thành thị và nông thôn; thiếu hụt lớn về lao động có chuyên môn kỹ thuật trong các lĩnh vực yêu cầu trình độ cao so với công nghệ kỹ thuật mới như: cơ khí, điện tử, chế biến thực phẩm, trồng cây công nghiệp….
Theo số liệu thống kê, từ năm 2001 đến nay, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh được nâng lên đáng kể. Nguồn lực có trình độ từ trung cấp chuyên nghiệp trở lên được đào tạo hằng năm trên 6.000 người. Lực lượng công nhân kỹ thuật và lao động được đào tạo, bồi dưỡng tại 21 cơ sở dạy nghề của tỉnh đạt trên 7.000 lao động. Nếu như năm 2005 có 22% lao động trong các ngành kinh tế quốc dân qua đào tạo, thì đến năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 32% và năm 2015, tỷ lệ này là trên 43,4%, trong đó, đào tạo nghề là 35,6%. Để nâng cao mức độ sử dụng lao động, thời gian qua, lực lượng lao động của tỉnh được tăng cường sử dụng ở các dự án phát triển kinh tế, các chương trình vay vốn quốc gia và chương trình xuất khẩu lao động. Trong giai đoạn 2006 – 2010, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 56,7 nghìn lao động, bình quân hằng năm toàn tỉnh có từ 10 – 12 nghìn lao động được đào tạo và giải quyết việc làm mới. Theo số liệu của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, trong 10 tháng của năm 2015, toàn tỉnh đã đào tạo và giải quyết việc làm mới cho 10.354 người, đạt 79,6% kế hoạch. Riêng Quỹ quốc gia giải quyết việc làm đã giải ngân cho vay gần 8 tỷ đồng với 468 dự án, tạo việc làm mới cho hơn 700 người.
Lạng Sơn là một tỉnh nằm trên tuyến hành lang kinh tế Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, đầu mối giao thương quốc tế, có vị trí vai trò quan trọng đối sự phát triển chung của cả nước và khu vực. Để khai thác có hiệu quả các lợi thế và nguồn lực sẵn có cũng như tận dụng được các cơ hội và điều kiện thuận lợi trong hoàn cảnh mới thì việc xây dựng, quy hoạch phát triển nhân lực là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Chính vì lẽ đó, trong những năm tới, các cấp, ngành của tỉnh cần đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để nâng cao nguồn nhân lực. Đồng thời cải cách chế độ công vụ, công chức, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng chuẩn hóa để nâng cao chất lượng và đẩy mạnh chính sách thu hút cán bộ có trình độ, chuyên môn cao về công tác tại tỉnh. Có như vậy tỉnh ta mới từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tạo động lực phát triển.
MAI VĂN HOA
Ý kiến ()