Tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới
Việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp được thực hiện theo hướng hiện đại, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Trồng xoài xuất khẩu đang là một hướng đi mới của ngành nông nghiệp tỉnh An Giang trong nỗ lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Giai đoạn 2015-2020, Đảng và Nhà nước tiếp tục dành sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhiều chủ trương, chính sách đã và đang phát huy hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực và là nền tảng quan trọng cho phát triển “Tam nông”.
Trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng được mở rộng, trong khi nông nghiệp, nông thôn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức mới, Đảng ủy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tập trung cơ cấu lại ngành với những cơ chế, chính sách, tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy và Ban cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cấp ủy đã phối hợp chặt chẽ với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, tham gia tích cực vào quá trình cơ cấu lại nền nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2015-2020 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Trong nhiệm kỳ qua, nông nghiệp, nông thôn đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng có ý nghĩa to lớn. Việc cơ cấu lại ngành được thực hiện theo hướng hiện đại, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Nông nghiệp đã duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao và đang chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất và chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Cùng với đó, đảm an ninh lương thực quốc gia và từng bước bảo đảm an ninh dinh dưỡng, góp phần quan trọng xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân nông thôn, nhất là trong các giai đoạn khó khăn của nền kinh tế.
Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp giai đoạn 2015-2020 đạt trên 2,6%/năm. Chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 15 trên thế giới. Nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đặc biệt, trong năm 2020 ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có như: biến đổi khí hậu, dịch tả lợn châu Phi và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong bối cảnh đó, Đảng ủy đã tập trung lãnh đạo các cấp ủy, tổ chức, đoàn thể, cán bộ, đảng viên phát huy những thuận lợi, thời cơ, khắc phục mọi khó khăn, thách thức, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Chỉ tính riêng năm 2020, nông nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng khá cao, các chỉ tiêu chủ yếu được Chính phủ giao đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt khoảng 2,65%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,2 tỷ USD; trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%…
Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Việt, trong thời gian qua, cơ cấu kinh tế ngành chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại, hợp lý, hiệu quả hơn, giảm tỷ trọng lĩnh vực trồng trọt (từ 49,7% năm 2015 xuống 46,3% năm 2019 và còn khoảng 45% trong năm 2021), tăng tỷ trọng lĩnh vực thủy sản (từ 22,5% năm 2015 lên 25,1% năm 2019 và sẽ đạt khoảng 27% trong năm 2021) và tăng tỷ trọng lĩnh vực lâm nghiệp (từ 3% năm 2015 lên 4,25% năm 2019 và sẽ đạt khoảng 4,5% trong năm 2021).
Trong nội bộ từng ngành, lĩnh vực đều tăng nhanh cả về diện tích, năng suất, sản lượng, chất lượng các sản phẩm có lợi thế và thị trường. Đơn cử như cơ cấu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu được thể hiện khá rõ đối với thủy sản (nhất là tôm nước lợ); rau, hoa, quả, các loại cây công nghiệp giá trị cao, đồ gỗ và lâm đặc sản.
Bên cạnh đó, các địa phương liên tục mở rộng, phát triển mạnh mẽ các vùng chuyên canh sản xuất gắn với chế biến quy mô lớn, có truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý… Cơ cấu sản xuất được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế và gắn với nhu cầu thị trường.
Ngành nông nghiệp đã tăng cường rà soát, điều chỉnh và xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng và sản phẩm, từ đó hình thành các trục sản phẩm để có chiến lược và chính sách phát triển phù hợp.
Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản phát triển nhanh cùng với ứng dụng công nghệ mới để giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng. Khoa học và công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục phát triển và là giải pháp đột phá nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh.
Điển hình là hàng trăm giống cây trồng vật nuôi, tiến bộ khoa học kỹ thuật được công nhận và đưa vào sản xuất. Nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả hoạt động.
Khoa học công nghệ đã có bước phát triển mới giúp tăng sản lượng và đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp; các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đã tăng hiệu quả kinh tế từ 10-30%, góp phần làm thay đổi tập quán canh tác và nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế.
Hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hóa, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhằm tạo động lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, các cấp ủy đã lãnh đạo các đơn vị tập trung nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách. Cải cách hành chính được đẩy nhanh tiến độ, chất lượng xây dựng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4 để nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng ủy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị với quyết tâm “Phát triển một nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh. Phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.”
Trước những thách thức, khó khăn được dự báo tiếp tục tác động tiêu cực đến sản xuất, Đảng ủy xác định nhiệm vụ vừa ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra, vừa có chiến lược lâu dài để phát triển sản xuất, hạn chế tối đa những thiệt hại.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, đại dịch COVID-19 đặt ra một câu chuyện hoàn toàn mới trên thế giới. Đó là sự xáo trộn, đứt gãy tất cả chu trình kinh tế. Tới đây, quốc gia nào cũng sẽ tăng cường tái cơ cấu, quốc gia nào cũng nâng cao khả năng tự chủ. Do vậy, ngành tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, phát huy lợi thế so sánh, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sự phát triển bền vững.
Trong giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt khoảng 2,8-3,2%/năm; đảm bảo tối thiểu 80% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 42% và thu nhập bình quân đầu người dân cư nông thôn tăng gấp 1,6 lần so với năm 2020.
Để đạt được kết quả trên, ngành sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, nhất là chính sách về đất đai, tín dụng, đầu tư, bảo hiểm nông nghiệp. Đồng thời, ngành sẽ nỗ lực đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn; hát triển công nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ cao, thông minh nhằm tăng tỷ trọng chế biến sâu và nâng cao giá trị sản phẩm.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần nâng cao trình độ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, giải quyết các khâu then chốt, ứng dụng nhanh chóng thành quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tạo ra sự tăng trưởng đột phá; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu…/.
Ý kiến ()