Tạo động lực cho vụ trồng rừng 2017
LSO-Hưởng ứng phong trào Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, ngay từ những ngày đầu năm mới, ở các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tưng bừng tổ chức trồng cây. Đây cũng là động lực thúc đẩy phong trào trồng rừng trên địa bàn tỉnh.
Người dân thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình tham gia trồng cây đầu xuân |
Ra quân trồng cây đầu Xuân 2017 tại xã Trùng Quán, huyện Văn Lãng đã tổ chức trồng 44 cây đào, 500 cây lát hoa và 10.000 cây lát ở các xã khác. Ông Nguyễn Duy Hoàng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện cho biết: Tích cực hưởng ứng phong trào trồng cây đầu xuân, ngay từ những ngày cuối tháng 12 âm lịch, phòng chuyên môn của huyện đã trực tiếp chỉ đạo các xã chuẩn bị hiện trường, cây giống. Được triển khai thường xuyên qua các năm, phong trào trồng cây đầu xuân đã thu hút đông đảo tầng lớp cán bộ, nhân dân tham gia. Qua đó góp phần thúc đẩy phong trào trồng rừng trên địa bàn. Đặc biệt năm 2016, huyện đã trồng rừng mới được 426 ha, vượt 6,5% kế hoạch. Đây được coi là kỳ tích bởi nhiều năm qua, Văn Lãng đều không hoàn thành kế hoạch trồng rừng.
Ngoài Văn Lãng, Tết trồng cây cũng đã được các huyện, thành phố chủ động xây dựng và triển khai đúng kế hoạch. Trong đợt ra quân trồng cây đầu xuân, toàn tỉnh đã trồng mới được 51.241 cây lát; 950 cây đào; 25.100 cây keo; 3.500 cây thông; 291 cây sấu và trên 10.000 cây lâm nghiệp, cây ăn quả khác. Trong đó một số huyện trồng được số lượng lớn như: huyện Bắc Sơn trồng được 10.000 cây keo, 10.000 cây lát hoa; huyện Đình Lập trồng trên 15.000 cây keo; huyện Văn Quan trồng được gần 10.000 cây tùng, lát, sấu, thông, bạch đàn; huyện Cao Lộc trồng trên 1.600 cây lát hoa, 781 cây đào; huyện Chi Lăng trồng được 7.000 cây lát cùng hàng trăm cây ăn quả các loại…
Từ những kết quả đạt được trong phong trào trồng cây đầu Xuân đã khuyến khích, tạo động lực để đẩy mạnh phong trào trồng rừng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp. Như năm 2016, mặc dù gặp khó khăn nhất định song toàn tỉnh trồng mới được 10.865,3 ha rừng, đạt 120,7% kế hoạch, trong đó vai trò của người dân và doanh nghiệp tham gia vào công tác trồng rừng rất lớn. Cụ thể, tỷ lệ diện tích trồng rừng do người dân, doanh nghiệp tự đầu tư năm 2016 là 40,4% diện tích trồng rừng toàn tỉnh, cao hơn hẳn năm 2015 là 33,4%. Thu nhập từ nghề rừng có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều hộ dân có thu nhập từ 50-100 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, những chính sách hỗ trợ của tỉnh cũng góp phần quan trọng giúp người dân tích cực tham gia trồng rừng.
Năm 2017, toàn tỉnh phấn đấu trồng rừng được 9.000 ha (trong đó phấn đấu hoàn thành 75% kế hoạch trở lên trồng trong vụ xuân hè). Trong đó, trồng rừng phòng hộ là 500 ha; trồng rừng sản xuất tập trung là 5.500 ha; trồng cây phân tán 3.000 ha; khoanh nuôi 60 ha. Tuy nhiên, để hoàn thành kế hoạch trồng rừng đặt ra không hề dễ dàng. Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Kế hoạch trồng 9.000 ha, tuy nhiên hiện nay mới chỉ có 3.000 ha trồng cây phân tán có vốn sự nghiệp của tỉnh. Còn lại 6.000 ha cần huy động các nguồn lực, trong đó tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có khả năng đầu tư trồng rừng kinh tế thâm canh có hiệu quả.
Để thực hiện được kế hoạch đặt ra, bên cạnh nguồn lực, các cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước, việc xã hội hóa trồng rừng cần tiếp tục được đẩy mạnh. Từ những kết quả đạt được của phong trào trồng cây đầu xuân không những góp phần tăng thêm diện tích cây lâm nghiệp, cây cảnh quan mà còn thúc đẩy phong trào trồng rừng trong nhân dân. Qua đó toàn tỉnh nỗ lực trồng rừng vượt kế hoạch đề ra. Phấn đấu đến hết năm 2017, độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt trên 61,6%.
TÂN AN
Ý kiến ()