Tạo động lực cho guồng máy cơ cấu nông nghiệp phát triển
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng không thể giải quyết những vấn đề đặt ra nếu cứ chạy theo tình huống mà cần phải có những giải pháp căn cơ. Những định hướng và giải pháp trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững chính là một bước để thực hiện chủ trương này.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng không thể giải quyết những vấn đề đặt ra nếu cứ chạy theo tình huống mà cần phải có những giải pháp căn cơ. Những định hướng và giải pháp trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững chính là một bước để thực hiện chủ trương này. *Thay đổi từ cách tiếp cận Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2000 đến 2010, ngành nông, lâm, ngư nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng tương đối cao, với giá trị sản xuất bình quân hàng năm toàn ngành tăng 5,4% và giá trị gia tăng là 3,7%. Sản xuất ngày càng đa dạng cả về cơ cấu sản phẩm và loại hình tổ chức. Song song với với hình thức sản xuất truyền thống như hợp tác xã, tổ hợp tác, các nhóm kinh tế phi chính thức dựa trên nguyên tắc liên kết kinh tế tự nguyện giữa các nông hộ cũng đã trở nên phổ biến hơn. Ngoài ra, những năm gần đây, hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản cũng đang phát triển, gắn kết nông dân sản xuất nguyên liệu với nhà máy chế biến và thương mại. Mặc dù vậy, theo đánh giá của ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp thuộc Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, tăng trưởng của ngành nông nghiệp Việt Nam đang chững lại và có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, chất lượng và cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm còn thấp, năng suất lao động nông nghiệp cũng thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Sự chênh lệch giàu nghèo giữa các nhóm dân cư, giữa thành thị và nông thôn ngày càng rộng trong khi đầu tư xã hội vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế. Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn thời gian qua thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu phát triển của ngành. Vốn đầu tư phát triển của toàn xã hội vào lĩnh vực nông, lâm, thủy sản giảm từ 13,8% năm 2000 xuống 6,2% năm 2010 và 6% năm 2011. Ngoài ra, theo đánh giá chung, việc phân bổ vốn đầu tư công trong nội bộ ngành còn chưa hợp lý, tập trung chủ yếu cho hạ tầng cơ bản có tính phi sản xuất hoặc chậm sinh lời, nhiều nhất là lĩnh vực thủy lợi. Trong khi vốn phân bổ cho các lĩnh vực đầu tư công khác có tiềm năng hỗ trợ nông nghiệp nâng cao chất lượng và phát triển bền vững như công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, hệ thống quản lí chất lượng, giám sát dịch bệnh, thông tin thị trường, quan trắc và cảnh báo…lại chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức. Trước yêu cầu thực tế đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ cần có sự điều chỉnh mạnh mẽ ngay từ cách tiếp cận, hướng tới tạo chuyển biến thực tiễn và giúp ngành phát triển căn cơ, bền vững. Các lĩnh vực có hiệu quả cao hơn, giá trị gia tăng cao hơn cần được t ập trung ưu tiên cho , thông qua đó duy trì nâng cao tốc độ tăng trưởng của ngành. Cân nhắc kỹ thay đổi không chỉ về cơ cấu mà cả phương thức tổ chức sản xuất đáp ứng hài hòa phát triển kinh tế và môi trường, lấy nâng cao phúc lợi của người dân làm nhiệm vụ trọng tâm. Bộ trưởng cho rằng, dù là cây có thế mạnh nhưng cũng không thể mãi độc canh cây lúa, cần phát triển các giống mới về chăn nuôi, thủy sản; giảm thiểu các rào cản và tạo động lực phát triển theo tín hiệu thị trường với sự tham gia tích cực của các thành phần kinh tế. * Phát huy lợi thế cạnh tranh Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, tái cơ cấu lại ngành sẽ đụng chạm tới nhiều công việc khác nhau. Trước hết, ngành nông nghiệp cùng các địa phương cần rà soát trên phạm vi cả nước thời gian qua những ngành hàng nào thực sự có lợi thế cạnh tranh, có thị trường để tập trung toàn bộ sức lực đầu tư, nhất là có sự phối hợp giữa các doanh nghiệp và người dân. Đối với những ngành hàng có lợi thế trung bình, cần có giải pháp đầu tư hiệu quả nhất, không nên dàn trải. Những ngành không có lợi thế thì không nhất thiết phải quyết đầu tư nâng cao mà có thể thay thế bằng nhập khẩu. “Ở tầm quốc gia, chúng ta có các sản phẩm thế mạnh như gạo, cà phê, hạt tiêu, điều….Với các sản phẩm của các địa phương như: gà Yên Thế, gạo tám Hải Hậu…, khi đã tập trung đầu tư, cần phát triển cả thương hiệu, tiêu chuẩn chất lượng để đảm bảo vững bền và có thị trường, giá cả tốt”, ông Sơn dẫn chứng. Điều quan trọng là đầu tư không thể dàn trải mà phải chuyên canh. Ví dụ như vùng cà phê ở Tây Nguyên, cây ăn trái Tây Nam bộ, Đông Nam bộ, lúa gạo xuất khẩu ở đồng bằng sông Cửu Long. Theo ông Đặng Kim Sơn, với những mặt hàng đã xác định được vùng chuyên canh nên tập trung ở những nơi có mức độ thích nghi cao nhất để giảm giá thành, thu hẹp khoảng cách vận chuyển. Bên cạnh đó, cần có hợp đồng bao tiêu giữa doanh nghiệp và nông dân; đầu tư kho tàng bến bãi và kỹ thuật công nghệ quy mô lớn, trung tâm dịch vụ cung cấp tín dụng , chế biến, bảo hiểm… để có thể tạo nên chuỗi ngành hàng hiệu quả. Một vấn đề quan trọng khác là thay đổi vai trò của Nhà nước trong nông nghiệp, trong đó tăng thêm các hoạt động về xây dựng pháp lí, hỗ trợ thị trường đất đai, dịch vụ nông nghiệp; tạo môi trường đâu tư thuận lợi và hỗ trợ điều chỉnh giám sát các chương trình thương mại, cung cấp thông tin và hỗ trợ quản lý rủi ro. Nhà nước chuyển vai trò từ nhà cung cấp sang vai trò hỗ trợ và điều phối. Ngoài ra, cơ cấu đầu tư trong nông nghiệp sẽ thay đổi thông qua điều chỉnh các ưu tiên và phương thức đầu tư trong các tiểu ngành, trong đó đặc biệt khuyến khích đầu tư hợp tác công – tư trên các lĩnh vực. Theo Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngành nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân từ 2,6% – 3%/năm trong giai đoạn 2011 – 2015 và từ 3,5% – 4%/năm trong giai đoạn 2016 – 2020. Nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực. Đến năm 2020, thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng gấp 2,5 lần so với năm 2008; số xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 20% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020. Ngành sẽ tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính và các tác động tiêu cực khác đối với môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc lên 42 – 43% năm 2015 và 45% vào năm 2020. |
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()