Tạo động lực cho công nghiệp hỗ trợ phát triển
Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được coi là ngành sản xuất nền tảng của ngành công nghiệp chính, thông qua việc cung cấp linh kiện, phụ tùng và các quy trình kỹ thuật. Thời gian qua, mặc dù nhiều chính sách phát triển CNHT đã được ban hành nhưng do thiếu một tầm nhìn chiến lược nên đã biến công nghiệp trong nước thành ngành công nghiệp lắp ráp. Đến nay, các doanh nghiệp (DN) CNHT Việt Nam mới chỉ đáp ứng được từ 10-15% nhu cầu trong nước - đây là một tỷ lệ rất thấp.
Chính sách nhiều, hiệu quả thấp
Nhằm phát triển CNHT, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản và phê duyệt đề án “Trợ giúp phát triển DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực CNHT”. Chính phủ cũng đã phê duyệt “Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” và “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, CNHT đã được đặt ở vị trí quan trọng trong lộ trình xây dựng cũng như chiến lược phát triển các ngành công nghiệp của Việt Nam.
Với hàng loạt chính sách được ban hành, trong thời gian qua, CNHT đã thu được một số kết quả nhất định như góp phần nâng dần tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp lắp ráp; giảm bớt tỷ lệ linh kiện, phụ tùng phải nhập khẩu từ nước ngoài… Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế có thể nhận thấy, ngành CNHT của Việt Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế, yếu kém.
Báo cáo của Viện Chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, tỷ lệ linh kiện, phụ kiện sản xuất trong nước mới chỉ đạt 27,8%, trong khi đó tại Thái-lan đã đạt 60% và Trung Quốc cũng đạt tỷ lệ nội địa hóa 50%.
Theo đánh giá của Viện, nhiều lĩnh vực không đạt mục tiêu đề ra, cụ thể ngành công nghiệp ô-tô đặt mục tiêu năm 2010-2020 nội địa hóa 60% nhưng hiện chỉ đạt 7-8%. Ngành dệt may có kế hoạch nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 60% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020. Tuy nhiên, đến năm 2013, ngành này vẫn phải nhập khẩu 99% bông, 60% sợi, 70% vải. Ngành cơ khí dự kiến năm 2020 nội địa hóa 75% nhưng công nghệ chế tạo cơ khí nội địa về tổng thể vẫn là công nghệ chế tạo đơn giản. Ngành điện tử nội địa hóa gần 20% nhưng thực chất chưa có công nghiệp điện tử mà chỉ mới có ngành lắp ráp điện tử. CNHT kém phát triển đã biến công nghiệp trong nước thành ngành công nghiệp lắp ráp phụ thuộc với lợi nhuận rất thấp và không bền vững.
Thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém của ngành CNHT, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng nêu nguyên nhân, thứ nhất, về cơ chế chính sách rõ ràng chúng ta đã có nhưng chưa đầy đủ và cấp độ pháp lý còn hạn chế. Chính vì thế cũng chưa tạo thuận lợi cho CNHT phát triển. Thứ hai, nói đến CNHT, chúng ta chủ yếu nói đến phụ tùng, linh kiện, nguyên phụ liệu. Để có thể phát triển được những lĩnh vực này, đòi hỏi quy mô sản xuất phải khá lớn, đủ để sản xuất với số lượng nhiều và qua đó giá thành có thể cạnh tranh được và tổ chức sản xuất thuận lợi hơn. Tuy nhiên, trong thời gian qua, trong nhiều sản phẩm hàng hóa, dung lượng thị trường của chúng ta chưa đủ. Thứ ba, với xu thế thương mại hóa toàn cầu ngày càng phát triển thì sự phân công trong chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị gia tăng trên toàn cầu ngày càng đi vào xác định, quyết định bởi các DN lớn.
“Chúng ta đi sau, cho nên việc len chân được vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng là điều hết sức khó khăn trong bối cảnh sức chúng ta còn đang yếu và kinh nghiệm chưa nhiều” – ông Vũ Huy Hoàng nhìn nhận.
Bên cạnh đó, còn nguyên nhân nữa, theo ông Hoàng là CNHT liên quan đến sản xuất linh kiện phụ tùng đòi hỏi nguyên, vật liệu, nhất là vật liệu mới, đặc biệt thép chế tạo, chất dẻo hầu như chưa có, cho nên chúng ta phải nhập và đương nhiên khi nhập thì giá thành sản xuất các sản phẩm CNHT này khó có thể cạnh tranh với những nhà sản xuất nước ngoài. Ngoài ra, hiện nay chúng ta vẫn đang thiếu đội ngũ lao động có trình độ tay nghề rất cao.
Trong khi đó, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Ô-tô Trường Hải Trần Bá Dương cho rằng, để phát triển được CNHT thì việc bảo đảm đầu vào, đầu ra cho sản phẩm là rất quan trọng. Tuy nhiên, do trong nước chưa bảo đảm được điều này nên khi các DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam họ thường kéo theo luôn cả ngành CNHT của họ.
Điều đáng nói, theo ông Bá Dương là Việt Nam chưa có một nền công nghiệp thực sự đã đi vào hội nhập. Chính điều này cũng đã trở thành một rào cản lớn cho các DN CNHT của Việt Nam khi vấp phải sự cạnh tranh của DN nước ngoài khi sản xuất cùng một loại sản phẩm. Ngoài ra, quan hệ giữa nhà sản xuất và DN CNHT là quan hệ lâu dài, trên cơ sở chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng, nhưng đáng tiếc là đa số các DN CNHT của Việt Nam lại không đáp ứng được điều này.
Hy vọng vào “cú hích” mới
Từ những thất bại trong lĩnh vực CNHT thời gian qua, bà Trương Thị Chí Bình, thành viên tổ soạn thảo Nghị định CNHT (Viện Chiến lược phát triển công nghiệp – Bộ Công thương) cho biết, qua quá trình triển khai các Quyết định 12 và Quyết định 1483 cho thấy, vẫn còn nhiều vướng mắc về khung ưu đãi, cơ chế triển khai, hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước cho các DN sản xuất CNHT. Các DN phản hồi cần làm rõ các ưu đãi về thuế, tín dụng, hạ tầng đất đai. Với sáu ngành nghề (dệt may – da giày, điện tử, ô-tô, máy nông nghiệp, máy công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao) cần phân kỳ ưu đãi đối với từng nhóm sản phẩm.
Bà Bình cho biết thêm, ước tính của ban soạn thảo thì trong 500 DN hoạt động trong lĩnh vực chế tạo thì chỉ khoảng 200 DN trong nước tham gia được sản xuất cho nước ngoài nhưng mới tập trung chủ yếu vào lĩnh vực xe máy và điện tử, trong khi nhiều ngành khác như dệt may, da giày, cơ khí, ô-tô… lại bỏ ngỏ.
Theo bà Bình, “chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam sẽ hướng mạnh đến các ngành công nghiệp chế tạo, nhưng nếu không quyết liệt sẽ không đạt được mục tiêu về công nghiệp hóa vào năm 2020”.
Để tạo động lực mới cho CNHT phát triển, trong Nghị định về phát triển CNHT đang được Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và ban hành trong thời gian tới sẽ tập trung vào các biện pháp nhằm hỗ trợ về công nghệ, quản trị sản xuất, tiếp cận khách hàng… nhằm khắc phục các điểm yếu của các DN CNHT Việt Nam.
Cùng với đó, Nghị định cũng bổ sung một số ưu đãi về thuế thu nhập DN và các quy định về đầu tư xây dựng cụm CNHT nhằm thu hút các tập đoàn đa quốc gia cung cấp linh kiện và vật liệu toàn cầu đầu tư vào Việt Nam. Mục tiêu của Chương trình quốc gia phát triển CNHT là đến năm 2020 sản phẩm CNHT cơ bản đáp ứng 45% nhu cầu trong nước và nâng lên 60% vào năm 2025.
Nghị định lần này cũng nêu rõ, CNHT được coi là ngành sản xuất nền tảng của ngành công nghiệp chính yếu, thông qua việc cung cấp linh kiện, phụ tùng và các quy trình kỹ thuật. CNHT không phải là ngành công nghiệp mang tính chất “phụ trợ” hay “hỗ trợ”, đây là ngành xương sống của nền công nghiệp quốc gia. Trong điều kiện hội nhập kinh tế toàn cầu, công nghiệp quốc gia không thể tồn tại và phát triển được nếu không có ngành CNHT phát triển bởi CNHT quyết định giá thành sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cuối cùng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Trên quan điểm của DN, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Công nghệ Bắc Việt Trần Anh Vương cho rằng, đối với Nghị định về phát triển CNHT lần này, mặc dù đã có những thay đổi lớn và cho thấy Chính phủ đã quyết tâm hơn trong việc phát triển ngành CNHT.
Tuy nhiên, theo ông Vương, khi đi vào thực thi trên thực tế thì phải mang lại hiệu quả cụ thể, chứ không nên tái diễn tình trạng là ban hành ra được một nghị định rồi để đấy như các quyết định trước đây.
Theo Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương), đặc điểm của ngành CNHT là DN phải đầu tư chuyên sâu các máy móc chuyên dụng, có trình độ công nghệ tiên tiến để tham gia vào chuỗi liên kết. Đồng thời, các DN phải có mặt bằng và môi trường thuận lợi cho tổ chức sản xuất và hợp tác liên kết chặt chẽ với các DN khác. Vì vậy, bên cạnh việc giải quyết vướng mắc về vốn cho DN, thì bố trí mặt bằng cho DN cũng là việc cần phải làm.
Cần phải xác định rõ phát triển CNHT tại Việt Nam phải hướng tới các ngành công nghiệp chủ lực của đất nước và các ngành thu hút mạnh nguồn vốn FDI, cụ thể đó là các ngành dệt may, cơ khí – điện tử, lắp ráp máy… Các ngành này có nhu cầu lớn về sản phẩm CNHT. Chính vì vậy, giải pháp cần thiết nhất hiện nay là nhanh chóng hiện đại hóa công nghệ, đào tạo lao động chất lượng cao để sớm có thể sản xuất những sản phẩm đạt tiêu chuẩn.
Tại Kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cũng đã khẳng định, Nghị định mà Bộ đang trình với Chính phủ bao quát được nhiều nội dung về cơ chế, chính sách hơn các quy định trước đây. Nếu Quốc hội xem xét và cho phép đưa vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2015 hoặc sang đầu nhiệm kỳ khóa XIV để có thể ban hành riêng một luật về CNHT. Đây chính là những khung pháp luật hết sức quan trọng để chúng ta có cơ sở thể chế hóa thành các chính sách cụ thể, thúc đẩy phát triển CNHT.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()