Tạo “đòn bẩy” cho ngành công nghiệp ô-tô
Chi phí cao
Tính đến hết năm 2016, Việt Nam có khoảng 173 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô-tô, trong đó, 56 doanh nghiệp sản xuất xe từ linh kiện rời, 117 doanh nghiệp sản xuất từ xe cơ sở với tổng công suất lắp ráp, thiết kế khoảng 500 nghìn xe/năm. Không chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới chín chỗ trong nước, với tổng sản lượng của thị trường xe du lịch khoảng 210 nghìn xe/năm trong năm 2016, không ít doanh nghiệp sản xuất ô-tô trong nước đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô-tô toàn cầu. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam vẫn chưa có sự phát triển một cách bài bản và vững chắc, chưa đáp ứng mục tiêu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, tiến tới xuất khẩu.
Những yếu kém, bất cập có thể chỉ ra là: chưa có sự hợp tác liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp sản xuất ô-tô và cung cấp phụ tùng; chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và linh kiện quy mô lớn; giá bán xe ở mức cao trong khu vực; tỷ lệ nội địa hóa với dòng xe được xem là chủ lực – xe du lịch, vẫn ở mức thấp khiến khó tăng dung lượng thị trường để giảm giá bán và cạnh tranh với xe nhập khẩu,…
Nguyên nhân sâu xa của những yếu kém, bất cập này, theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô-tô Việt Nam (VAMA) T.Ki-nô-xi-ta, là ngành CNHT ô-tô của Việt Nam còn kém phát triển. Thực tế hiện nay, 90% số các nhà cung cấp linh kiện ô-tô tại Việt Nam là các doanh nghiệp FDI, chỉ mới có một số doanh nghiệp trong nước tham gia mạng lưới cung ứng cho sản xuất và lắp ráp ô-tô. Trong khi đó, chi phí sản xuất phụ tùng, linh kiện ở nước ta vẫn cao hơn giá nhập khẩu từ các nước trong khu vực như Thái-lan, In-đô-nê-xi-a,… do khấu hao đầu tư lớn nhưng sản lượng nhỏ. Do đó, phần lớn linh kiện phục vụ sản xuất ô-tô trong nước hiện nay vẫn nhập khẩu, chiếm tới 75 đến 80%.
Bên cạnh đó, do nhập khẩu, nhà sản xuất ô-tô tại Việt Nam phải chịu thêm nhiều loại chi phí khác như đóng gói, vận chuyển, thuế nhập khẩu,… khiến chi phí sản xuất ô-tô càng bị “đẩy giá”. Trong khi đó, từ năm 2018, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ khu vực ASEAN sẽ về mức 0%, tuy nhiên, thuế linh kiện vẫn lớn hơn 0%. Vì thế, vị đại diện VAMA cho rằng, ngành sản xuất ô-tô trong nước sẽ rất khó khăn để cạnh tranh và tồn tại, đây cũng là lý do khiến CNHT khó có thể phát triển.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nếu Chính phủ đã xác định phát triển công nghiệp ô-tô và phụ tùng trở thành ngành công nghiệp quan trọng thì phải tháo gỡ được những “nút thắt” đang tồn tại bằng những giải pháp và hành động cụ thể để CNHT ngành ô-tô không tiếp tục phát triển lẹt đẹt như hiện nay.
Phát triển mạng lưới liên kết
Về giải pháp, đại diện Công ty cổ phần ô-tô Trường Hải kiến nghị: Các chính sách của ngành công nghiệp ô-tô và CNHT cần đồng bộ, ổn định trong thời gian ít nhất 10 năm để thu hút các nhà đầu tư. Nên có cơ chế miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho tỷ lệ phần trăm linh kiện, phụ tùng được sản xuất trong nước, góp phần giảm giá ô-tô xuất xưởng tại Việt Nam, gia tăng sản lượng cho người tiêu dùng trong nước. Chính phủ cần có chính sách đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao cho ngành ô-tô và CNHT, nhất là nhân sự làm công tác nghiên cứu và phát triển theo xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời, tăng cường vai trò kết nối các tập đoàn quốc tế với các doanh nghiệp CNHT trong nước vì các doanh nghiệp này thường là vừa và nhỏ, khó có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp lớn.
Một số chuyên gia kinh tế nhận định, để phát triển ngành công nghiệp ô-tô, phải đẩy mạnh CNHT, gắn liền mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất ô-tô. Vì vậy, cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô-tô sử dụng linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ nội địa hóa. Các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô-tô và CNHT trong nước cũng cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác, phân công sản xuất để tận dụng tốt các nguồn lực, tiêu thụ sản phẩm lẫn nhau để cùng phát triển.
Bộ Công thương đã thành lập tổ công tác liên ngành đánh giá toàn diện thị trường ô-tô trong mối tương quan với thị trường khu vực và thế giới. Qua quá trình làm việc với các doanh nghiệp, tổ công tác đã tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị để đề xuất giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng: Điều chỉnh các chính sách về thuế, thị trường, hình thành hệ thống nhà cung cấp linh kiện và phụ tùng; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất ô-tô trong nước để cắt giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, cải tiến chất lượng,…
Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Công nghiệp Phạm Tuấn Anh cũng cho biết: Giải pháp trọng tâm để phát triển CNHT ô-tô trong thời gian tới là tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp lớn nước ngoài trong sản xuất linh kiện và phụ tùng, trong đó tập trung vào các bộ phận quan trọng, hàm lượng công nghệ cao phục vụ nhu cầu của thị trường trong nước, thay thế nhập khẩu, tiến tới xuất khẩu.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng dữ liệu phân tích cũng cho thấy, Việt Nam vẫn có thể trở thành một trong những thị trường ô-tô tiềm năng trong vòng 10 đến 15 năm tới. Mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam dự báo đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 3.000 USD và theo các chuyên gia, thời kỳ bùng nổ nhu cầu xe hơi sẽ diễn ra ngay sau đó, có thể lên tới 600 nghìn xe/năm vào năm 2025.
Với quy mô này, thị trường sẽ có khả năng tự thu hút các nguồn lực để phát triển ổn định. Có thể thấy, chúng ta vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển ngành công nghiệp ô-tô và CNHT bằng lực kéo của thị trường, lực đẩy của công nghệ và quan trọng nhất là lực nâng của chính sách, qua đó tăng cường sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và chủ động sẵn sàng hội nhập.
Theo dự báo, lượng tiêu thụ ô-tô ở thị trường Việt Nam năm nay sẽ đạt khoảng 335 nghìn chiếc, tăng gần 10% so với năm 2016. Có thể thấy, mức tiêu thụ xe hơi Việt Nam đang tăng trong vài năm gần đây. Nếu đạt được sức mua như dự báo, con số này đã gấp đôi số lượng tiêu thụ xe năm 2014 với gần 158 nghìn chiếc. Nguồn: Hiệp hội các nhà sản xuất ô-tô Việt Nam (VAMA) |
Ý kiến ()