Tạo điều kiện và cơ hội phát triển cho thể thao người khuyết tật
Thi chạy 100 m có người dẫn tại một Giải thể thao dành cho người khuyết tật Việt Nam. |
Trước khi lên đường sang Bra-xin thi đấu, ít người nghĩ tới thành tích xuất sắc của các vận động viên (VĐV) khuyết tật nam. Chỉ tiêu cho 11 VĐV người khuyết tật Việt Nam là giành được một tấm huy chương đầu tiên trong bốn lần tham dự. Tuy nhiên, bất ngờ nối tiếp bất ngờ, sau thành công rực rỡ của lực sĩ cử tạ Lê Văn Công giành HCV, phá kỷ lục thế giới, kình ngư Võ Thanh Tùng đã giành HCB môn bơi, lực sĩ cử tạ nữ Đặng Thị Linh Phượng và tuyển thủ điền kinh Cao Ngọc Hùng đều giành HCĐ. Trong hân hoan chiến thắng ngày trở về, Trưởng đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam Phạm Văn Tuấn cho biết: “Chúng tôi rất trân trọng thành tích của các VĐV. Nỗ lực của họ rất đáng ghi nhận, đây còn là nỗ lực của những người dành tâm huyết cho thể thao người khuyết tật nhiều năm qua. Chúng tôi kỳ vọng, sau thành tích này, chế độ cho thể thao người khuyết tật nói riêng sẽ khởi sắc”.
Hình ảnh những VĐV ngồi trên xe lăn nhận huy chương, cờ, hoa của người hâm mộ được lan tỏa trên các phương tiện thông tin đại chúng, gây xúc động trong cộng đồng. Thế nhưng, không có nhiều người biết được những VĐV khuyết tật ấy đã phải khó khăn thế nào để đến với thể thao. Hầu như các VĐV, huấn luyện viên thể thao người khuyết tật chưa sống được bằng thể thao, họ vẫn phải vật lộn khó nhọc để mưu sinh trong cuộc sống thường ngày. Mỗi người kiếm sống bằng một nghề khác nhau và họ đến với thể thao theo tính chất không chuyên nghiệp. Anh Lê Văn Công mở cửa hàng sửa đồ điện tử để kiếm thêm thu nhập. Chị Linh Phượng là công nhân làm đồ khảm trai tại xưởng mỹ nghệ 27-7. Anh Cao Ngọc Hùng cùng vợ bươn chải bằng nghề bán phở. Anh Võ Thanh Tùng từng là thợ sửa điện thoại lành nghề. Nhiều VĐV khuyết tật khác cũng đang phải lần hồi vất vả để tự lo cho cuộc sống. Trong Thông tư liên tịch số 149/2011/TTLT-BTC-BVHTTDL về “Hướng dẫn thực hiện chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao” được phê duyệt năm 2011 giữa liên Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì khi VĐV thể thao người khuyết tật được tập trung đội tuyển quốc gia tập luyện thi đấu sẽ hưởng mức 200 nghìn đồng/người/ngày về dinh dưỡng. Mức này được tính tương đương như các VĐV bình thường nếu tập trung đội tuyển quốc gia. Khi bước vào giai đoạn chuẩn bị các đại hội thể thao lớn, VĐV bình thường được hưởng chế độ dinh dưỡng là 300 nghìn đồng/người/ngày (tính trong 90 ngày trước khi thi đấu) còn VĐV khuyết tật thì không được hưởng. Thêm nữa, trong khi các VĐV tài năng được hưởng chế độ tập huấn quanh năm, thì các VĐV khuyết tật thường chỉ được tập trung đội tuyển khoảng một tháng trước khi thi đấu với điều kiện ăn, ở, phương tiện tập luyện kém hơn nhiều. Kể cả trong quy định về khen thưởng, chế độ cho VĐV người khuyết tật tại Pa-ra-lim-pích chỉ bằng một nửa so với VĐV bình thường khi đạt thành tích huy chương Ô-lim-pích. VĐV Lê Văn Công cho biết: “Tiền thưởng từ Pa-ra-lim-pích Ri-ô 2016 tôi sẽ dành tiết kiệm phòng khó khăn trong tương lai”.
Sau khi Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam đạt kết quả ngoài mong đợi tại Pa-ra-lim-pích Ri-ô 2016, nhiều ý kiến mong mỏi ngành thể dục – thể thao sớm xây dựng và tham mưu với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan hữu quan để chế độ cho thể thao người khuyết tật được tốt hơn, nhằm giúp họ tiếp cận tập luyện và thi đấu thể thao đỉnh cao. Tổng cục trưởng Thể dục – Thể thao Vương Bích Thắng chia sẻ: “Lãnh đạo ngành thể thao đang làm việc để đề xuất nâng thêm chế độ phù hợp nhất cho VĐV, huấn luyện viên thể thao người khuyết tật so với thể thao bình thường”. Dự kiến, Tổng cục Thể dục – Thể thao khi hoàn thiện các đề xuất sẽ trình lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào cuối năm nay. Trả lời các phóng viên báo chí khi đón Đoàn thể thao người khuyết tật dự Pa-ra-lim-pích Ri-ô 2016 trở về, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã khẳng định: Trong thời gian tới, Bộ sẽ nghiên cứu, trình Chính phủ xem xét, sửa đổi chế độ đối với VĐV, huấn luyện viên thể thao người khuyết tật Việt Nam, bảo đảm phù hợp để họ yên tâm cống hiến cho thể thao nước nhà.
Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đã luôn thể hiện sự quan tâm, tạo điều kiện và có các chính sách hỗ trợ cả vật chất và tinh thần nhằm giúp các VĐV người khuyết tật tham gia các hoạt động thể thao. Hy vọng với những thành tích xuất sắc vừa qua tại Thế vận hội, thể thao người khuyết tật, nhất là các tuyển thủ quốc gia sẽ được chăm lo đầu tư hơn nữa. Qua đó, từng bước động viên, cổ vũ, tập hợp những người có số phận kém may mắn, tạo điều kiện để họ hội nhập cộng đồng và đóng góp tài năng, sức lực, trí tuệ, nâng cao thành tích thể thao người khuyết tật trên đấu trường quốc tế; đồng thời góp phần giúp đỡ người khuyết tật vươn lên làm chủ cuộc sống, tham gia đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng và xã hội.
Ý kiến ()