Tạo điều kiện thuận lợi thông quan các mặt hàng nông sản
Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương rà soát kỹ các mặt hàng trước khi đưa lên cửa khẩu tránh tình trạng bị ứ đọng cục bộ.
Tình hình xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc
Hiện nay, toàn tuyến các cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc tại bảy tỉnh biên giới phía bắc có 34 cửa khẩu, bao gồm: bảy cửa khẩu quốc tế, bảy cửa khẩu chính, 20 cửa khẩu phụ. Trong ba tháng đầu năm 2020, tổng số xe hàng hóa mà Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu tuyến biên giới phía bắc đạt 38.493 xe. Ở chiều nhập khẩu ghi nhận 32.635 xe hàng hóa nguyên phụ liệu, hoạt động xuất nhập khẩu nông sản tại các cửa khẩu một số tỉnh biên giới phía bắc.
Tại tỉnh Lạng Sơn, trên cơ sở bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh và kết quả trao đổi hội đàm của Lạng Sơn với chính quyền Quảng Tây, tỉnh đã tích cực, chủ động triển khai các cơ chế chính sách, điều hành hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu một cách linh hoạt; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Phân luồng, điều tiết, bố trí, sắp xếp hợp lý các xe chở hàng xuất khẩu tại các bến bãi trong cửa khẩu và trên các tuyến Quốc lộ để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu, kết quả
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn (tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) đã có 6/12 cặp cửa khẩu thực hiện thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa, cụ thể: cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị – Hữu Nghị Quan, ga đường sắt Đồng Đăng – Bằng Tường; cặp cửa khẩu song phương Chi Ma – Ái Điểm; các cặp cửa khẩu phụ Tân Thanh – Pò Chài, Cốc Nam – Lũng Nghịu và Bình Nghi – Bình Nhi Quan.
Lưu lượng xuất nhập khẩu hàng hóa khoảng 1.200 xe/ngày (thời gian trước giai đoạn dịch bệnh, thông thường từ 3.000-4.000 xe/ngày). Kết quả thông quan từ ngày 5-2 đến hết ngày 29-3 đạt 30.317 xe (xuất khẩu 15.258 xe, nhập khẩu 15.059 xe) tương đương trên 848 nghìn tấn. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là nông sản (thanh long, mít, dưa hấu, chuối, xoài, nhãn chiếm 80%); mặt hàng nhập khẩu là linh kiện điện tử, máy móc, thiết bị, nguyên liệu sản xuất.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn ba tháng đầu năm 2020 ước đạt khoảng 250 triệu USD.
Tại tỉnh Quảng Ninh, hàng hóa thông quan nhanh chóng, bố trí cán bộ công chức, chiến sĩ làm ngoài giờ để giải quyết thông quan, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giải phóng hàng ngay trong ngày, không có hiện tượng ùn tắc phương tiện, hàng hóa, thực hiện các biện pháp cao nhất trong phòng chống dịch Covid-19.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ba tháng đầu năm 2020 ước đạt 667 triệu USD. Trong đó, qua cửa khẩu cầu Bắc Luân II đến nay đã có hơn 90 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu. Tổng số phương tiện chở hàng hóa là 6.586 phương tiện, bằng 117,48% cùng kỳ; hàng nông sản xuất khẩu đạt 2.980 tấn bao gồm: Mít sấy khô, cà-phê, hạt dẻ, hạt đậu khấu, tinh dầu quế….
Tại tỉnh Lào Cai, tổng giá trị xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai ba tháng đầu năm 2020 ước đạt 470,11 triệu USD. Trong đó, các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu bao gồm: thanh long, dưa hấu, chuối, xoài, sắn và các sản phẩm từ sắn, hạt tiêu, gỗ các loại.
Cần rà soát các mặt hàng trước khi đưa lên cửa khẩu
Trong ngày 9-4, Bộ NN-PTNT có công văn số 2487/BNN-CBTTNS gửi UBND các tỉnh, thành phố, các hiệp hội ngành hàng nông sản để thông tin về tình hình xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam – Trung Quốc.
Bộ NN-PTNT cho biết, trước tình hình diễn biến xấu của dịch bệnh Covid-19, Bộ NN-PTNT đã trao đổi, phối hợp các bộ ngành hữu quan, các tỉnh biên giới Việt-Trung cập nhật tình hình dịch bệnh, hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại nông sản.
Hiện nay, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, một số địa phương phía Trung Quốc đã tăng cường thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát dịch bệnh và ngăn chặn lây nhiễm từ nước ngoài vào nội địa. Trước tình hình trên, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở NN-PTNT, Sở Công thương rà soát, thông báo tới các doanh nghiệp trước mắt tạm dừng đưa hàng nông sản, nhất là mặt hàng hoa quả lên khu vực Lạng Sơn để chờ thông quan hết số hàng đang tồn đọng tại cửa khẩu. Phía tỉnh Lạng Sơn và các địa phương biên giới chủ động bám sát tình hình, kịp thời thông báo tới các địa phương cả nước về tình hình thông quan trong thời gian tới.
Các địa phương thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; thường xuyên theo dõi sát tình hình sản xuất và lưu thông nông sản ở địa phương, không bị ứ đọng cục bộ, kịp thời thông báo tình hình đến các doanh nghiệp và người sản xuất để chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất và nhu cầu của thị trường tiêu thụ.
Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường thu mua nông sản nhất là rau củ quả, thủy sản, tăng cường công tác quản lý chất lượng, chế biến phục vụ nhu cầu tiêu thụ, xuất khẩu; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua, cung ứng thị trường trong nước.
Thực hiện các giải pháp ứng phó với tình hình dịch bệnh, trong đó định hướng các doanh nghiệp xuất khẩu chủ động chuyển hướng thị trường; chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra giám sát, kiên quyết xử lý các hành vi trục lợi ép giá, gian lận thương mại, gây tâm lý hoang mang cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Đối với các Hiệp hội ngành hàng nông lâm thủy sản, cộng đồng doanh nghiệp, Bộ NN-PTNT đề nghị thường xuyên cập nhật thông tin chính xác, điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu hàng hóa nông lâm thủy sản. Trước mắt, tạm dừng đưa hàng nông sản lên Lạng Sơn, bám sát tình hình, cập nhật thông tin từ các cơ quan chức năng, các tỉnh biên giới về tình hình thông quan, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.
Động viên các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản nhất là các sản phẩm phục vụ chế biến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đề nghị các địa phương, Hiệp hội ngành hàng thường xuyên chủ động cập nhật thông tin, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc của địa phương, ngành hàng, doanh nghiệp để Bộ NN-PTNT phối hợp các Bộ, ngành liên quan giải quyết; trường hợp các kiến nghị vượt thẩm quyền, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ý kiến ()