Tạo điều kiện để người khuyết tật vượt qua rào cản, hòa nhập cộng đồng
Nhân Ngày quốc tế người khuyết tật (3/12), tối 30/11 tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm và chương trình giao lưu nghệ thuật “Vì một thế giới không rào cản”. Chương trình được tường thuật trực tiếp trên sóng VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam từ trường quay S9.
Nhân Ngày quốc tế người khuyết tật (3/12), tối 30/11 tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm và chương trình giao lưu nghệ thuật “Vì một thế giới không rào cản”. Chương trình được tường thuật trực tiếp trên sóng VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam từ trường quay S9.
Tới dự và phát biểu tại chương trình, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chào mừng và gửi tới những người khuyết tật trong cả nước lời chia sẻ và động viên sâu sắc nhất. Đánh giá cao sáng kiến của Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam phối hợp tổ chức lễ kỷ niệm và chương trình giao lưu nghệ thuật “Vì một thế giới không rào cản”, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh: Một thế giới không rào cản là một thế giới không có sự kỳ thị, không có sự phân biệt đối xử, là thế giới đầy ắp lòng nhân ái, tình thương và có những giá trị sống tốt đẹp nhất đối với tất cả mọi người nói chung và người khuyết tật nói riêng. Tại Việt Nam, công tác chăm sóc người khuyết tật luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt. Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật và khẳng định sự cam kết mạnh mẽ của nhà nước Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong công tác bảo vệ, chăm sóc người khuyết tật. Chính vì vậy, việc quan tâm, chăm sóc người khuyết tật đã lan rộng, được các cấp, các ngành, đồng bào trong và ngoài nước, cùng các tổ chức quốc tế quan tâm, ủng hộ.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại chương trình giao lưu nghệ thuật |
Đánh giá cao nỗ lực của người khuyết tật đã vượt qua rào cản, khẳng định chính mình, Phó Chủ tịch nước nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, bên cạnh sự chăm sóc, giúp đỡ tận tình, chu đáo của gia đình, xã hội, bản thân người khuyết tật đã không ngừng phấn đấu vươn lên. Bằng chính sức lao động của mình, những người khuyết tật đã sống, học tập, lao động, vượt qua số phận để làm nên những điều kỳ diệu trong cuộc sống. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan mong muốn Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam và các tổ chức thành viên cố gắng là địa chỉ tin cậy, là chỗ dựa vững chắc giúp đỡ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng; mong muốn người khuyết tật tiếp tục vượt qua những rào cản từ chính bản thân mình, quyết tâm phấn đấu thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Tàn những không phế”…
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương tiếp tục hành động, dành sự quan tâm thiết thực để cảm thông, chia sẻ, tạo điều kiện để người khuyết tật vững tin vượt qua rào cản, vươn lên đóng góp cho xã hội. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cảm ơn Cơ quan thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, các Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam, đã hợp tác tích cực, hiệu quả với các cơ quan chức năng hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam.
Bà Đặng Huỳnh Mai, Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cho biết: Chương trình “Vì một thế giới không rào cản” là một trong những chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày quốc tế người khuyết tật 3/12. Các hoạt động do Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức, đã chứng tỏ sự thành công của các tổ chức vì người khuyết tật trong nước và quốc tế, trong hoạt động nâng cao năng lực cho người khuyết tật; tạo điều kiện để người khuyết tật tự tin vượt qua mọi rào cản, vươn lên trong cuộc sống.
Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết: Năm 2006, Liên hợp quốc đã thông qua một văn kiện luật pháp mang tính đổi mới: Công ước về quyền của người khuyết tật. Đến nay, 130 nước đã phê chuẩn Công ước này và Việt Nam là một trong các nước ký kết đầu tiên. Việt Nam đã cam kết phê chuẩn Công ước về quyền của người khuyết tật và ban hành Luật về người khuyết tật cùng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật này. Tuy nhiên, ở Việt Nam, phần lớn người khuyết tật sống ở nông thôn. Họ là những thành viên dễ bị tổn thương nhất của xã hội, phải đối mặt với những thách thức to lớn trong cuộc sống thường ngày. Bà Pratibha Mehta khẳng định, tổ chức Liên hợp quốc sẽ tiếp tục ủng hộ Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền của người khuyết tật thông qua các chương trình cụ thể, thiết thực.
Tại chương trình, ông Phạm Dũng, Trưởng văn phòng đại diện Ban y tế Hà Lan tại Hà Nội; ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam; bà Phan Thị Bích Diệp, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, đã chia sẻ về những điều kiện, điểm tựa để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Khán giả được xem nhiều phóng sự ghi nhận sự nỗ lực của những người khuyết tật vươn lên, làm nên những điều kỳ diệu trong cuộc sống.
Nhân dịp này, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam đã trao Kỷ niệm chương tặng đại diện các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, đã tích cực đóng góp và đồng hành với Liên hiệp hội trong hoạt động hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam.
Theo CPV
Ý kiến ()