Tạo điều kiện để doanh nghiệp vượt qua khó khăn về tài chính
Thời gian gần đây, thị trường tài chính có những biến động rất mạnh. Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam (DN) rơi vào tình trạng khó khăn tài chính hơn bao giờ hết, và đang phải đương đầu với nhiều rủi ro. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải nhanh chóng hỗ trợ DN về nhiều mặt, trong đó hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về tài chính phải được quan tâm hàng đầu.Giúp DN thoát khỏi rủi ro tài chínhTrong số các rủi ro về tài chính của DN, rủi ro về dòng vốn luôn là vấn đề rất nhạy cảm và thường trực, bởi ngoài sự ra vào một cách thường xuyên, liên tục, thì khi lượng tiền vào nhỏ hơn lượng tiền ra, đến hạn, gây ra một tiềm ẩn rủi ro lớn đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh (SX-KD). Cho dù đó là sự mất cân đối tạm thời hay dài hạn thì vẫn có thể làm cho DN bị phá sản.Trong hoạt động của DN, vốn đầu tư cho hoạt động SX-KD của DN là điều cốt yếu quyết định thành công hay thất bại. Đơn cử như tại Tập...
Giúp DN thoát khỏi rủi ro tài chính
Trong số các rủi ro về tài chính của DN, rủi ro về dòng vốn luôn là vấn đề rất nhạy cảm và thường trực, bởi ngoài sự ra vào một cách thường xuyên, liên tục, thì khi lượng tiền vào nhỏ hơn lượng tiền ra, đến hạn, gây ra một tiềm ẩn rủi ro lớn đối với hoạt động sản xuất – kinh doanh (SX-KD). Cho dù đó là sự mất cân đối tạm thời hay dài hạn thì vẫn có thể làm cho DN bị phá sản.
Trong hoạt động của DN, vốn đầu tư cho hoạt động SX-KD của DN là điều cốt yếu quyết định thành công hay thất bại. Đơn cử như tại Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), một Tập đoàn lớn có vốn điều lệ là 762 triệu USD, vốn cổ phần 974 triệu USD, doanh thu 2010 đạt 3,5 tỷ USD. Theo báo cáo, nhu cầu đầu tư của Vinacomin giai đoạn 2011-2015 là 219 nghìn tỷ đồng, theo đó, yêu cầu nguồn vốn đối ứng tối thiểu là 20%, hằng năm, Tập đoàn cần khoảng chín nghìn tỷ đồng từ quỹ phát triển sản xuất, tương đương với lợi nhuận trước thuế là 24 nghìn tỷ đồng/năm. Thế nhưng, với mức lợi nhuận của Tập đoàn chỉ đạt khoảng sáu nghìn tỷ đồng, thì riêng cân đối vốn đối ứng của Tập đoàn đã thiếu khoảng 30 nghìn tỷ đồng, đó là chưa kể theo quy định tài chính về định mức dư nợ thì vốn vay thương mại của Vinacomin cũng bị hạn chế.
Bên cạnh rủi ro về dòng vốn, với nguồn vốn kinh doanh của DN hiện nay chủ yếu là từ ngân hàng (chiếm khoảng 80% vốn hoạt động) thì rủi ro về lãi suất tiền vay cũng rất đáng lo ngại. Các phản ánh từ DN cho thấy, DN đang khá khó khăn do những tính toán, dự kiến trong kế hoạch kinh doanh, đầu tư bị đảo lộn vì vốn vay ngân hàng đã không đủ, lại ngắn hạn và tình trạng này kéo dài đã gần hai năm nay. Một tổng giám đốc DN sản xuất mía đường cho biết, DN của ông tuy thuộc diện được ưu tiên vay vốn của ngân hàng, nhưng lượng vay cũng nhỏ giọt, không đủ nhu cầu, lượng vay trung và dài hạn không nhiều. Trong khi đó, nhu cầu vốn để đầu tư cho vùng nguyên liệu, bảo dưỡng máy móc, thiết bị chuẩn bị cho vụ ép mới rất lớn. Ông cho rằng, DN đã “gặp may” khi sản phẩm được tiêu thụ hết ở mức giá khá tốt đầu vụ, và các giao dịch kinh tế, đầu tư của DN được thực hiện bằng tiền đồng nên tránh được nỗi lo tỷ giá hối đoái biến động. Theo ông, nguồn vốn để tái đầu tư yếu hoặc bị triệt tiêu… cũng làm cho sự hoạt động của DN không thể liên tục, liền mạch, quy mô kinh doanh bị thu hẹp. Thực tế chung cũng cho thấy, lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại (NHTM) đã tăng từ 13%/năm lên tới 27%/năm thì khó có DN nào có lãi trên 20%/năm để mà đủ trả nợ lãi ngân hàng, chứ chưa nói tới việc có lãi cho DN. Đó là chưa kể tới mức vay cao như vậy mà vẫn rất khó để DN tiếp cận vốn vay từ ngân hàng.
Mặt khác, qua số liệu tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ gần đây có thể thấy, các DN đang tự “tích lũy” rủi ro tỷ giá khá rõ, khi tránh vay tiền đồng bằng lãi suất cao đổ xô vay bằng ngoại tệ với lãi suất thấp hơn. Số liệu tăng trưởng tín dụng sáu tháng đầu năm 2011 cho thấy, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 23,4% so với cuối năm 2010. Các chuyên gia tài chính cho rằng, với diễn biến như vậy, vấn đề rủi ro tỷ giá đối với DN Việt Nam vẫn đang là mối quan ngại, bởi ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ động điều chỉnh tỷ giá để bảo đảm các cân đối của cả nền kinh tế, thì một số doanh nghiệp do vay nợ ngoại tệ quá nhiều sẽ khó điều chỉnh kịp thời.
“Giải cứu” doanh nghiệp thế nào ?
Từ thực tế nêu trên, việc cần phải hỗ trợ, giúp các DN tháo gỡ các khó khăn, rủi ro về tài chính đã trở thành vấn đề bức thiết. Tuy nhiên, hoạt động này phải được thực hiện như thế nào cũng là điều đáng quan tâm.
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Lê Văn Hinh, việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn tài chính cho DN trước hết là phải giúp DN thoát ra được khỏi các rủi ro hiện hữu, mà việc cần làm đầu tiên là phải phân loại doanh nghiệp, xác định rõ những loại hình DN, DN cụ thể nào cần hỗ trợ để tồn tại, vượt qua khó khăn, DN nào không cần phải hỗ trợ. Như vậy, “hỗ trợ phải có trọng điểm, cụ thể, bởi chúng ta không đủ tiềm lực. Những DN làm ăn thua lỗ triền miên và không có triển vọng (công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm, chi phí sản xuất cao so với mặt bằng chung, không có chiến lược kinh doanh rõ ràng, lãng phí tài nguyên quá mức…), cần phải được loại bỏ ra khỏi danh sách hỗ trợ”.
Thứ hai, sự hỗ trợ tài chính có điều kiện như trên cũng cần phải được tiến hành cẩn trọng, đúng nguyên tắc tài chính, trong đó, các giải pháp tăng vốn, cấp vốn cho DN cần đi đôi với việc yêu cầu các DN có kế hoạch tài chính phù hợp chiến lược kinh doanh, sắp xếp lại tổ chức nhân sự, tổ chức lại việc kinh doanh. Ngay cả khi NHNN có giải pháp tái cấp vốn thì NHNN cũng đã phân loại các NHTM yếu thanh khoản, thực hiện tái cấp vốn trên cơ sở phê duyệt kế hoạch của NHTM về cho vay đối tượng DN vừa và nhỏ, DN hoạt động trong lĩnh vực nông thôn, nông nghiệp, hỗ trợ nông sản xuất khẩu trong khi hạn chế tín dụng đến khu vực đầu cơ, khu vực phát triển quá nóng. Theo hướng đó, các NHTM cũng chỉ nên hỗ trợ vốn cho các DN nằm trong danh mục phân loại khách hàng của mình. Thứ ba, cần có giải pháp cụ thể để hỗ trợ DN thoát ra khỏi tình trạng có cấu trúc tài chính bất hợp lý và rủi ro, tức là dựa quá nhiều vào nguồn vốn vay ngân hàng trong khi vốn tự có của DN thấp.
Song song với các giải pháp nêu trên, một trong những việc cần làm nhanh là phải hỗ trợ DN vượt qua các cú sốc lãi suất và biến động tỷ giá. Việc thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ cần tiếp tục được khẳng định đối với các ngân hàng là tập trung cho vay sản xuất, đặc biệt là các DN ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, DN vừa và nhỏ, hạn chế tối đa tình trạng vốn chạy lòng vòng, đầu cơ vào khu vực phi sản xuất. Việc yêu cầu các ngân hàng cắt giảm chi phí của chính mình để tạo khả năng cung vốn giá hợp lý cho khu vực sản xuất đang đặt ra và đó cũng là giải pháp về cung tài chính cho DN. Ngoài ra, việc giảm sốc về biến động tỷ giá cho DN cũng cần được thực thi…
Cùng với các giải pháp tạo vốn, định hướng chính xác cho sự chuyển động của dòng tiền thì Nhà nước – thông qua các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành – cũng cần đẩy nhanh tiến trình xác định và tạo lập, hoàn thiện hành lang pháp lý cho sự hoạt động toàn diện của hệ thống DN Việt Nam, đặc biệt là về quản lý, giám sát tài chính DN.
Theo Nhandan
Ý kiến ()