Tạo điều kiện cho phụ nữ trong tiếp cận dịch vụ
LSO-Thực hiện Điều 17 của Luật Bình đẳng giới, trong những năm qua, ngành y tế Lạng Sơn đã từng bước tạo điều kiện cho phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng cao, vùng khó khăn được tiếp cận với các dịch vụ y tế.
Phụ nữ xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình đăng ký các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình |
Hoàn thiện mạng lưới dịch vụ
Tăng cường y tế cơ sở, từng bước đưa dịch vụ y tế kỹ thuật cao đến gần dân là giải pháp mang tính “căn cơ” để cải thiện tình trạng sức khỏe phụ nữ. Năm 2016, trong 1,4 triệu lượt người khám bệnh ở 3 tuyến thì tuyến xã là gần 666 ngàn lượt, bằng 48% tổng số lượt khám chữa bệnh trong toàn tỉnh. Việc kiện toàn đội ngũ y tế, cộng tác viên dân số, bà đỡ thôn bản đã tạo điều kiện cho việc thực hiện dự án chăm sóc sức khỏe sinh sản và cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em.
Năm 2016, tỷ lệ phụ nữ được tiêm đủ các mũi AT đạt trên 72%, tỷ lệ phụ nữ đẻ tại trạm y tế đạt 99%, tỷ lệ phụ nữ đẻ có y tế đỡ đạt 99,6%. Nhân lực cho ngành sản nhi được tăng cường về số lượng và chất lượng, tai biến sản nhi đã được giảm thiểu. Các chính sách và giải pháp nâng cao chất lượng dân số đã được ngành y tế triển khai một cách mạnh mẽ và từng bước mang lại hiệu quả thiết thực. Chiến dịch tuyên truyền lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS)/kế hoạch hóa gia đình đã được duy trì. Từ năm 2005 đến nay, toàn tỉnh đã có trên 1.200 lượt xã, phường, thị trấn tổ chức chiến dịch; huy động trên 1,2 triệu lượt phụ nữ tham gia. Ngoài việc cung ứng các dịch vụ tránh thai lâm sàng và phi lâm sàng, đã có trên 45 ngàn lượt phụ nữ được khám và điều trị các bệnh về đường sinh sản.
Những tác động tích cực
Các đề án, chương trình như: cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, chương trình làm mẹ an toàn, truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên – thanh niên, phòng chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con…là những chương trình, đề án mang tính thiết thực nhằm nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong cộng đồng và xã hội.
Ông Nguyễn Quang Bằng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh cho biết: Các buổi truyền thông về chăm sóc SKSS vị thành niên tại các nhà trường do Chi cục Dân số tỉnh phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo tổ chức, không những giúp trẻ em gái có những hiểu biết cơ bản về giới tính, về chức năng sinh sản, mà còn tăng tính tự tin cho các em, giúp các em có những kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình. Ý thức về giới được nâng lên, sự bình đẳng giới đã được tạo lập ngay trong nhà trường.
Dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS từ mẹ sang con là dự án lớn của ngành y tế trong phòng chống HIV/AIDS. Trong 5 năm (2011-2016), toàn tỉnh đã có trên 32 ngàn lượt phụ nữ mang thai tự nguyện làm các xét nghiệm dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Nhận xét về chương trình này, Thạc sĩ Đào Đình Cường, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS cho rằng: Đây là sự bứt phá trong suy nghĩ và hành động của phụ nữ; nó biểu hiện sự tự tin, tự khẳng định bản thân và là một hành động có trách nhiệm trước xã hội.
Kế hoạch số 53/KH-UBND, ngày 23/3/2017 của UBND tỉnh về thực hiện chương trình hành động quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2017-2020 đã giao cho ngành y tế hoàn thành 4 chỉ tiêu vào năm 2020 là: giảm tỷ số giới tính khi sinh; giảm tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản; nâng tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận với các dịch vụ thông tin giáo dục, tư vấn chăm sóc và dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS từ mẹ sang con; giảm tỷ lệ nạo phá thai…Để hoàn thành các chỉ tiêu này, cần sự nỗ lực của toàn ngành y tế, trong đó năng lực về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và đội ngũ mang ý nghĩa quyết định.
MINH HỒNG
Ý kiến ()