Tạo đầu ra ổn định cho nông sản
Vừa sau Tết Nguyên đán chưa lâu, nông dân miền tây Nam Bộ đã lâm vào cảnh lao đao khi điệp khúc “được mùa rớt giá” tái diễn. Hàng chục nghìn héc-ta cam sành ở tỉnh Vĩnh Long đang vào mùa thu hoạch rộ nhưng giá liên tục giảm sâu, thương lái vắng bóng, ế hàng dội chợ khiến nông dân trước nguy cơ thua lỗ nặng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, toàn tỉnh có hơn 17.000ha trồng cam sành, vượt 30% diện tích so với quy hoạch được phê duyệt. Phần lớn là do nông dân tự chuyển đổi từ đất trồng lúa rồi lên liếp, đắp mô để trồng cam sành với mật độ rất dày. Giá cam sành tại nhà vườn Vĩnh Long hiện dao động ở mức từ 3.000-6.000 đồng/kg. Có thời điểm giá cam sành cao nhất lên tới 35.000 đồng/kg khiến phong trào bỏ lúa trồng cam diễn ra ồ ạt ở nhiều địa phương trong tỉnh Vĩnh Long.
Ðể hỗ trợ người trồng cam, nhiều tổ chức, cá nhân đã kêu gọi “giải cứu cam sành”. Bằng nhiều kênh, nhiều cách khác nhau, từ nhỏ lẻ đến quy mô, từ cá nhân đến các tổ chức chính quyền, đoàn thể đã kết nối tiêu thụ cho người trồng cam, các hợp tác xã thu mua cam với các trung tâm thương mại, siêu thị, mua cam để tặng bệnh nhân nghèo ở bệnh viện.
Không chỉ cam sành, thời gian qua, nông dân nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã “xé rào” khi tự chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng các loại cây ăn trái khác như: xoài Ðài Loan (xoài Ba Màu), xoài keo, mít Thái, thanh long… không tuân thủ quy hoạch. Hiện nay, diện tích xoài Ðài Loan và xoài keo ở miền tây lên đến khoảng 30.000ha, sản lượng hơn 300.000 tấn/năm. Các tỉnh có diện tích trồng xoài lớn như: Ðồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, thành phố Cần Thơ… Loại trái cây này chủ yếu được các thương lái trong nước thu mua rồi xuất bán sang Trung Quốc với giá cả tăng giảm thất thường.
Chỉ phát triển trong vài năm gần đây, diện tích trồng mít Thái siêu sớm ở đồng bằng sông Cửu Long cũng vượt ngưỡng 30.000ha. Dẫn đầu là tỉnh Tiền Giang với hơn 13.000ha, kế đến là Hậu Giang khoảng 7.000ha, tỉnh Ðồng Tháp khoảng 2.700ha… Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, việc phát triển “nóng” cây mít Thái sẽ khiến người trồng chịu nhiều hệ lụy, bởi đầu ra của trái mít Thái 90% là tại thị trường Trung Quốc.
Câu chuyện “giải cứu” nông sản không phải mới diễn ra lần đầu ở miền tây Nam Bộ và chắc chắn cũng không phải là lần cuối. Bởi đầu ra cho nông sản là một vấn đề lớn của nền nông nghiệp Việt Nam thời gian qua, khi tư duy và quan điểm sản xuất của nhà nông chưa thấm nhuần quy luật thị trường.
Câu chuyện “giải cứu” nông sản không phải mới diễn ra lần đầu ở miền tây Nam Bộ và chắc chắn cũng không phải là lần cuối. Bởi đầu ra cho nông sản là một vấn đề lớn của nền nông nghiệp Việt Nam thời gian qua, khi tư duy và quan điểm sản xuất của nhà nông chưa thấm nhuần quy luật thị trường. Ðó là hậu quả của tình trạng mạnh ai nấy làm. Nông dân hễ thấy ai nuôi con gì, trồng gì đó mà bán được giá thì làm theo, không cần biết thị trường yêu cầu thế nào. Thương lái thì thu gom nông sản theo nhu cầu của vựa đầu nậu ở các chợ đầu mối hoặc các công ty.
Không có thì kể như thương lái vắng bóng, nông dân không bán được. Các đơn vị liên quan thì chờ dân kêu mới lo tìm cách “giải cứu”. Nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tình thế chứ không giải quyết được gốc lõi của vấn đề đối với nông sản Việt.
Không một nông dân nào muốn trồng cây trái ra để chờ được “giải cứu”. Nhưng trong tình thế hiện nay, nông dân chỉ biết sản xuất theo kiểu người sau làm theo người đi trước và trông chờ vào cái lợi ngay trước mắt. Ðây không phải chỉ là lỗi của nông dân. Cơ quan quản lý nhà nước, nhất là ngành nông nghiệp phát triển nông thôn, chính quyền các cấp của các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng có phần trách nhiệm khi để tình trạng chuyển đổi cây trồng không tuân thủ quy hoạch. Vì thế cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước ở địa phương, cơ sở, kiên quyết ngăn chặn từ đầu đối với những diện tích chuyển đổi trái quy hoạch, xử lý nghiêm theo quy định.
Bên cạnh đó, cần xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản với sự tham gia của các doanh nghiệp, tập đoàn và nông dân với vai trò kết nối và giám sát của Nhà nước. Từ việc doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu của thị trường xuất khẩu sẽ đặt hàng nông dân sản xuất theo “địa chỉ” sẽ hạn chế được tình trạng “cung” vượt “cầu” và sẽ không còn tình thế phải “giải cứu” trong tương lai.
Theo Nhandan
Ý kiến ()