Tạo dấu ấn xuất khẩu cho chè Việt Nam
Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, hiện Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu chè đứng thứ 5 trên thế giới. Tuy nhiên, giá chè xuất khẩu bình quân của Việt Nam chỉ bằng 65% giá bình quân của các nước hàng đầu về xuất khẩu chè và bằng 55% giá chè xuất khẩu bình quân của Ấn Độ và Sri Lanka. Vì thế, nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo ra dấu ấn mới trong xuất khẩu đang là thách thức đối với ngành chè Việt Nam.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt 120,31 nghìn tấn, trị giá 211,93 triệu USD, tăng 28,3% về lượng và tăng 30,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá xuất khẩu chè bình quân trong 10 tháng năm 2024 đạt 1.762 USD/tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Tiềm năng chè Việt Nam
Hiện nay, chè Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, Pakistan là thị trường xuất khẩu lớn nhất. 10 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu chè sang thị trường này chiếm tới 34,7% tổng lượng và 41,2% tổng kim ngạch xuất khẩu chè cả nước. Tiếp đến là thị trường Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 10,3% về lượng và 10,1% về kim ngạch.
Hiện nay, chè Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, Pakistan là thị trường xuất khẩu lớn nhất.
Đáng chú ý, 10 tháng đầu năm 2024, tỷ trọng xuất khẩu chè sang Trung Quốc tăng mạnh, chiếm 9,5% tổng lượng và 7,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam (cùng kỳ năm 2023 chiếm 3,5% tổng lượng và 4,7% tổng kim ngạch).
Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam Hoàng Vĩnh Long cho biết: Ngành chè Việt Nam đã và đang phát triển theo hướng bền vững, áp dụng sản xuất theo các chứng nhận quốc tế. Điểm mạnh của Việt Nam là thổ nhưỡng khí hậu rất phù hợp sự phát triển của cây chè với nhiều vùng chè đặc sản, chất lượng cao như: Thái Nguyên, Sơn La, Lâm Đồng. Đặc biệt, Việt Nam còn có gần 20.000 héc-ta chè shan rừng. Nhiều vùng chè shan cổ thụ hàng trăm năm tuổi cho chất lượng cao như Suối Giàng (Yên Bái), Hà Giang, Tà Xùa (Sơn La)...
Theo đánh giá của các chuyên gia và người tiêu dùng quốc tế, chất lượng sản phẩm chè Việt Nam không thua kém bất kỳ quốc gia sản xuất chè nào trên thế giới. Đặc biệt, chè xanh Việt Nam được rất nhiều khách hàng đánh giá cao như chè xanh Mộc Châu, Thái Nguyên, Suối Giàng, Hà Giang, Ôlong Lâm Đồng, các sản phẩm chè ướp hương sen, nhài...
Tại Thái Nguyên, toàn tỉnh hiện có 17.824 héc-ta chè giống mới, chiếm gần 80% diện tích; gần 2.500 héc-ta chè được cấp chứng nhận VietGAP, hàng trăm héc-ta chè được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Hay xã vùng sâu Bản Liền, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai có hơn 300 hộ trồng chè shan tuyết. Nhiều hộ đã thoát nghèo và đang làm giàu từ chuyển đổi sang trồng chè shan tuyết, làm chè hữu cơ xuất khẩu sang các nước Pháp, Ðức, Hà Lan…
Mới đây, địa phương có thêm sản phẩm chè Hồng Ðào xuất khẩu sang thị trường Mỹ với giá cao, mở ra hướng đi mới cho người trồng chè. Tại tỉnh Tuyên Quang, Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm sản xuất các sản phẩm chè bảo đảm an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn Liên minh châu Âu (EU).
Công nghệ sản xuất của công ty đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và quản lý của các tập đoàn lớn trên thế giới. Sản lượng sản xuất của công ty đạt 2.050 đến 2.300 tấn/năm.
“Có một điều đáng tiếc là các sản phẩm nổi tiếng khi xuất khẩu ra nước ngoài đến tay người tiêu dùng phần lớn lại không mang thương hiệu chè Việt Nam. Nguyên nhân là do phần lớn chè vẫn xuất khẩu thô, chưa có thương hiệu mạnh, trong khi hoạt động quảng bá cho chè Việt Nam cũng còn rất hạn chế” - ông Long nhấn mạnh.
Gia tăng sản phẩm chế biến sâu
Để nâng cao chất lượng, giá trị cho ngành chè Việt Nam, Phó Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Quốc Mạnh cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có định hướng đến năm 2030, diện tích chè được chứng nhận sạch, an toàn (hữu cơ, GAP, VietGAP và tương đương) đạt hơn 70%; ứng dụng công nghệ cao trong các khâu tưới nước, bón phân, thu hái, bảo quản, chế biến...
Diện tích chè hữu cơ cả nước đến năm 2030 đạt khoảng 11.000 héc-ta, diện tích chè cho sản phẩm đạt 10.000 héc-ta, sản lượng đạt khoảng 70.000 tấn, tập trung tại các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái và Thái Nguyên. Diện tích chè đặc sản cả nước đạt khoảng 34,5 nghìn héc-ta; diện tích cho sản phẩm đạt 32.000 héc-ta, sản lượng đạt khoảng 290.000 tấn.
Trong đó, cần bảo tồn, khai thác và phát triển các vùng chè shan tuyết phục vụ nguyên liệu cho sản xuất chè hữu cơ, chè đặc sản cũng như các sản phẩm chè chế biến có giá trị gia tăng cao và bảo vệ môi trường sinh thái, như: Vùng chè shan tuyết Hà Giang với diện tích hơn 7.000 héc-ta; vùng trồng chè shan tuyết Suối Giàng (Yên Bái) với diện tích khoảng 400 héc-ta, vùng chè shan tuyết Tà Xùa (Sơn La) khoảng 200 héc-ta…
Cùng với sản xuất, giai đoạn từ nay đến năm 2030, ngành chè cần tập trung phát triển các mặt hàng chè mới có giá trị gia tăng cao, chế biến sâu, sản phẩm tinh chế cao cấp, được sử dụng trong các ngành thực phẩm và phi thực phẩm, dược phẩm hoặc mỹ phẩm; tiếp tục đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm chè.
Về thị trường xuất khẩu, dự báo sản lượng xuất khẩu chè của Việt Nam đến năm 2030 đạt 156.000 tấn, tăng trung bình 0,83%/năm, chiếm khoảng 80% sản lượng chè sản xuất ra. Các thị trường chính của sản phẩm chè Việt Nam vẫn là Pakistan, Trung Quốc, Nga, Indonesia,… và chuyển hướng xuất khẩu các sản phẩm chè chất lượng cao sang thị trường EU…
Hiện nay, tỷ lệ xuất khẩu chè đen có xu hướng giảm dần. Năm 2022, xuất khẩu chè đen chiếm tỷ lệ 43% và dự báo đến năm 2030, giảm xuống còn 41%; xuất khẩu chè xanh đạt tỷ lệ 54% vào năm 2022 và dự báo năm 2030 tăng lên 56%. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu chè nên nắm bắt thông tin và xu hướng của từng thị trường để có cách thức thâm nhập nhanh và hiệu quả.
Ý kiến ()