Tạo đà thúc đẩy hoạt động xuất bản
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Xuất bản năm 2012. Qua 10 năm, ngành xuất bản, in và phát hành đã từng bước đi vào cuộc sống và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Độc giả trẻ tham quan gian hàng sách đoạt Giải thưởng sách Quốc gia 2022. |
Luật Xuất bản được kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/11/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013. Nhìn lại chặng đường 10 năm thi hành, Luật Xuất bản đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản phát triển nhanh, mạnh cả về số lượng và chất lượng, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của đất nước và góp phần cải thiện, nâng cao nhu cầu đọc của nhân dân, khẳng định được vị trí, vai trò của hoạt động xuất bản thuộc lĩnh vực văn hóa tư tưởng.
Theo thông tin từ Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính đến tháng 10/2022, cả nước có 57 nhà xuất bản, 2.310 cơ sở in và khoảng 505 doanh nghiệp, 1.400 điểm phát hành. Nhịp độ tăng trưởng duy trì ở mức bình quân khoảng 6-8%/năm. Năm 2020 và 2021, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, số lượng xuất bản phẩm có giảm, song ngành xuất bản vẫn đạt 64.816 đầu sách, 777 triệu bản sách, đưa tỷ lệ sách bình quân đầu người đạt 4,3 bản/người/năm, tăng 1,1 lần so năm 2012. Thị trường xuất bản phẩm điện tử dần được hình thành.
Dù còn khiêm tốn về số lượng (khoảng 2.000 đầu sách/năm) nhưng ngày càng đa dạng về nội dung với loại hình, tích hợp nhiều tính năng, tăng trải nghiệm cho người đọc, người nghe; là cơ sở để hình thành một thị trường sách điện tử với hơn 2 triệu người đăng ký tài khoản.
Trong bức tranh toàn cảnh, Luật Xuất bản và các văn bản hướng dẫn đã tạo đà tăng trưởng cho hoạt động xuất bản, in và phát hành của cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, nhiều vấn đề mới cũng đã phát sinh trong thực tiễn, khiến việc thi hành Luật gặp những hạn chế, bất cập. Chẳng hạn, cùng với sự phát triển của xuất bản điện tử, hành vi vi phạm bản quyền càng nhức nhối.
Trước đây chỉ có việc in lậu sách giấy, hiện nay đã xuất hiện hình thức vi phạm mới, đó là hành vi phát tán sách điện tử tràn lan trên môi trường số. Các chuyên gia nhận định, đây là hành vi phức tạp, khó phát hiện và khó xử lý hơn nhiều. Do đó, đã có nhiều ý kiến đề xuất tăng chế tài xử lý sai phạm trong hoạt động xuất bản, phát hành sách để bảo vệ quyền lợi của các nhà xuất bản và bảo vệ độc giả.
Bên cạnh đó, tuy xuất bản điện tử đang là xu thế và xuất bản điện tử trong nước cũng đang dần khởi sắc, nhưng mới đạt 7% về số đầu sách và khoảng 5% về số bản sách, ở mức trung bình thấp trong khu vực, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của xã hội. Đến nay, mới có 17/57 nhà xuất bản được cấp đăng ký hoạt động xuất bản và phát hành điện tử và trên thực tế, chỉ có ba cơ quan chủ quản bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ đầu tư xây dựng, hiện đại hóa cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến cho nhà xuất bản để xuất bản xuất bản phẩm điện tử; các đơn vị còn lại tham gia bằng nguồn lực tự có hoặc dưới hình thức liên kết với các công ty công nghệ.
Số lượng cơ sở phát hành xuất bản phẩm đã tăng đáng kể nhưng phân bố chủ yếu ở các đô thị, thành phố. Hệ thống mạng lưới phát hành xuất bản phẩm tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn ngày càng bị thu hẹp. Những vấn đề nhức nhối của ngành xuất bản, như: Tàng trữ, mua bán sách lậu, vi phạm bản quyền, sách có nội dung vi phạm quy định Luật Xuất bản… vẫn ngổn ngang.
Bên cạnh đó, không ít cơ sở nhập khẩu chưa thực hiện nghiêm các quy định về thẩm định nội dung xuất bản phẩm nhập khẩu để kinh doanh trước khi phát hành khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước. Vẫn còn hiện tượng cơ sở phát hành không thẩm định sách hoặc tổ chức thẩm định qua loa, hình thức, buộc các cơ quan chức năng phải xử lý.
Ngoài ra, việc triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển hoạt động xuất bản cũng bộc lộ nhiều hạn chế.
Trước những thay đổi về chính sách, pháp luật có liên quan và những biến động của thực tiễn diễn ra trong 10 năm qua, việc xem xét, đánh giá, tổng kết và nghiên cứu, đề xuất phương hướng hoàn thiện pháp luật về hoạt động xuất bản, in, phát hành là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết.
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan chủ quản nhà xuất bản tiếp tục quan tâm, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn về kinh phí, vốn và nhân sự lãnh đạo nhà xuất bản, bảo đảm đúng quy định. Đồng thời tăng cường theo dõi, giám sát hoạt động của nhà xuất bản, phát hiện và giải quyết kịp thời hạn chế, tồn tại của nhà xuất bản trực thuộc theo trách nhiệm của cơ quan chủ quản đã được luật định.
Các đơn vị, doanh nghiệp trong toàn ngành nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm trong việc tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật và các nghị định, thông tư hướng dẫn, nhất là các quy định về liên kết trong hoạt động xuất bản; không để xảy ra vi phạm về nội dung xuất bản phẩm. Chú trọng công tác đào tạo tại chỗ, nâng cao chất lượng đội ngũ biên tập viên và xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo nhà xuất bản. Có kế hoạch chi tiết về chuyển đổi số từ chính hoạt động của đơn vị…
Đối với Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xuất bản cho các đối tượng quản lý, nhất là trong lĩnh vực in, phát hành xuất bản phẩm theo phân cấp; tăng cường công tác giám sát, theo dõi việc tuân thủ các điều kiện hoạt động sau khi cấp giấy phép, xác nhận đăng ký hoạt động; chủ động trao đổi, phối hợp giữa các địa phương để có thông tin quản lý khi có sự biến động, thay đổi địa điểm kinh doanh, thành lập chi nhánh hoặc thay đổi địa điểm trụ sở chính của các cơ sở in, cơ sở phát hành; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm trong hoạt động xuất bản, in, phát hành trên địa bàn.
Ý kiến ()