Tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ cho du lịch
Năm 2013 sắp khép lại cùng tin vui của ngành du lịch Việt Nam khi đón 6,8 triệu lượt du khách quốc tế trong 11 tháng đầu năm, tăng 10,2 % so với cùng kỳ năm trước. Với tốc độ tăng trưởng này, nhiều khả năng năm 2013 du lịch nước ta sẽ đón được khoảng 7,4 triệu lượt khách quốc tế và 35 triệu lượt khách nội địa, đạt tổng thu 195 nghìn tỷ đồng. Tính từ năm 2009 (thời điểm ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề do suy thoái kinh tế thế giới), sau bốn năm phục hồi, đến nay, lượng khách quốc tế vào Việt Nam đã tăng gấp hai lần, tổng doanh thu từ du lịch tăng hơn 2,2 lần. Số liệu thống kê cho thấy, các mục tiêu của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2015 đã hoàn thành sớm trước hai năm.
Sự tăng trưởng ấn tượng này cho thấy tính đúng đắn trong định hướng chỉ đạo phát triển du lịch của Ðảng, Nhà nước và Chính phủ trong nhiều năm qua với mục tiêu đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Bên cạnh đó là những yếu tố thuận lợi mà quan trọng nhất là sự đánh giá cao của du khách quốc tế về Việt Nam một điểm đến an toàn trong bối cảnh thế giới đầy biến động, tình hình an ninh, chính trị ở nhiều nơi đang có bất ổn. Ngoài ra, nguồn tài nguyên du lịch phong phú cũng là tiền đề cho việc tạo dựng những sản phẩm du lịch đa dạng với giá trị độc đáo. Du lịch nước ta đang mở rộng về quy mô, tính chất và từng bước nâng cao về chất lượng, tiềm lực cơ sở vật chất kỹ thuật dịch vụ không ngừng được đầu tư, đổi mới. Riêng số lượng buồng khách sạn cao cấp từ ba đến năm sao hiện tại đã chiếm 34% trong hơn 320 nghìn buồng của các cơ sở lưu trú du lịch trên cả nước. Cơ sở hạ tầng được đầu tư gắn với quy hoạch và đầu tư phát triển của các khu, tuyến, điểm, đô thị du lịch trên bảy vùng du lịch của cả nước. Hệ thống doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực lữ hành, lưu trú, vận chuyển, giải trí, dịch vụ với sản phẩm đa dạng đang hướng tới nhiều thị trường mới, đồng thời lực lượng lao động trực tiếp và gián tiếp phục vụ du lịch ngày càng được tăng cường cả về số lượng và trình độ chuyên nghiệp.
Có thể nói, thành tựu của năm 2013 là sự tiếp nối của nhiều năm trước đó và nỗ lực của toàn ngành du lịch cũng như sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các ban, ngành hữu quan. Ðầu năm 2013, những người tâm huyết với ngành du lịch không khỏi lo lắng khi lượng khách quốc tế vào Việt Nam tạm chững lại với nhiều nguyên nhân khách quan do các biến động bên ngoài, nhưng chúng ta cũng nhìn nhận một cách thẳng thắn về các nguyên nhân chủ quan, xuất phát từ chính yếu kém, hạn chế của du lịch Việt Nam để tìm ra giải pháp khắc phục như công tác quản lý điểm đến chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả; tình trạng mất vệ sinh, an ninh, trật tự tại các điểm du lịch vẫn thường xảy ra bên cạnh các tệ nạn ta-xi dù “chém khách”, hàng rong chèo kéo, đeo bám… Ở một số địa phương vẫn diễn ra tình trạng núp bóng, lừa đảo, ép giá khách, nhất là vào mùa cao điểm. Sản phẩm du lịch đơn điệu, chậm đổi mới, thiếu sáng tạo và còn trùng lặp giữa các vùng miền. Công tác xúc tiến quảng bá du lịch còn hạn chế, nghiên cứu mở rộng thị trường còn thụ động, yếu kém. Nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp còn thiếu và yếu. Trong khi đó, sức ép cạnh tranh giá thành sản phẩm, chất lượng phục vụ, dịch vụ và năng lực doanh nghiệp với du lịch các nước trong khu vực ngày càng lớn, đặc biệt là sau năm 2015 khi các nước ASEAN đồng loạt loại bỏ hàng rào phi thuế quan và thuế suất trong ASEAN chỉ còn từ 0 đến 5%. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, chắc chắn thị trường của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam sẽ bị thu hẹp.
Trong dịp cao điểm đón khách mừng năm mới 2014, trước mắt ngành du lịch có nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết. Cụ thể là tập trung thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ làm trong sạch, lành mạnh hóa môi trường du lịch, tăng cường kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý tình trạng cướp giật, chèn ép, lừa đảo, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách; xây dựng các nhà vệ sinh đạt chuẩn tại tất cả các điểm tham quan, du lịch. Ðể giải quyết vấn đề này, ý kiến chung của nhiều cơ quan quản lý và doanh nghiệp du lịch là đề xuất thành lập Cảnh sát Du lịch. Về lâu dài, ngành du lịch cần hướng trọng tâm phát triển theo chiều sâu, đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách, luật pháp liên quan đến du lịch, giải quyết các vấn đề phức tạp để tạo thuận lợi cho du lịch phát triển; coi trọng và đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường và xúc tiến quảng bá du lịch theo tám đề án phát triển thị trường du lịch trọng điểm và kế hoạch xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam của Tổng cục Du lịch; coi trọng và đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho du lịch…
Trên đà đi lên của năm 2013, hy vọng ngành du lịch sẽ có bước tạo đà mạnh mẽ, tiếp tục phát triển với mục tiêu thu hút khoảng tám triệu lượt du khách quốc tế và 40 triệu lượt khách du lịch nội địa, phấn đấu tổng thu từ du lịch đạt 220 nghìn tỷ đồng trong năm 2014.
Ý kiến ()