Tạo đà giảm nghèo bền vững
LSO-Mặc dù mới được triển khai nhưng chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo theo Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo đã bước đầu cho kết quả. Chương trình do Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) thực hiện).
Chị Phan Thị Hiệp, xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình chăm sóc ruộng khoai của gia đình |
Tại xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình, chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo triển khai được gần 2 năm. Đến nay, tổng dư nợ cho vay hộ mới thoát nghèo do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã quản lý là 552 triệu đồng với 14 hộ vay. Theo đánh giá của bà Hoàng Thị Kim, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã thì đây là 1 trong 4 chương trình vay vốn chính sách có dư nợ cao nhất của hội phụ nữ. Từ nguồn vốn của chương trình, các hội viên phụ nữ đã có thêm điều kiện phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất kinh doanh, thu nhập ổn định hơn nên chuyện tái nghèo sẽ rất ít.
Chị Phan Thị Hiệp, thôn Phiêng Quăn, xã Đồng Bục chia sẻ: Sau nhiều nỗ lực, cố gắng, đến năm 2012, gia đình thoát được nghèo. Rồi lại phải mất đến mấy năm tiếp theo, gia đình mới vươn lên và ra được khỏi danh sách hộ cận nghèo, nhưng hướng đi để phát triển kinh tế ổn định, bền vững thì chưa xác định được. Giữa lúc khó khăn đó, năm 2016, gia đình tôi được vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo để mua con giống, cải tạo chuồng trại, nuôi 15 con lợn thịt/lứa; cấy lúa, trồng khoai. Tính dài hơn, gia đình còn đầu tư trồng thông để có thêm thu nhập những năm sau này. Đến nay, thu nhập ổn định, kinh tế gia đình khá dần lên và không còn lo chuyện tái nghèo.
Với dư nợ trên 9,7 tỷ đồng, 231 hộ được vay vốn từ chương trình hộ mới thoát nghèo, Lộc Bình là một trong những huyện có dư nợ cao đối với chương trình cho vay này.
Từ năm 2016 đến nay, NHCSXH huyện Cao Lộc đã giải ngân vốn chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo được 12.600 triệu đồng với trên 500 hộ vay. Các xã có dự nợ cao như: Gia Cát, Hợp Thành, Thạch Đạn, Hải Yến… Vốn vay được các hộ mở rộng chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất kinh doanh… Đây thực sự là đòn bẩy tạo đà giúp các hộ thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, một số huyện khác cũng có dư nợ cao triển khai cho vay chương trình này như các huyện: Văn Quan, Bắc Sơn…
Ông Trần Việt Sơn, Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh cho biết: Tính đến giữa tháng 10/2017, dư nợ cho vay hộ mới thoát nghèo là 54,7 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,1% tổng dư nợ, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hằng năm đạt 139,3%. Số hộ còn dư nợ trên 1.200 hộ, bình quân 43,4 triệu đồng/hộ. Thực tiễn triển khai cho vay cũng như kết quả cụ thể cho thấy, chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo là một trong những giải pháp giúp giảm nghèo bền vững. Lý do vì hầu hết những hộ mới thoát nghèo điều kiện kinh tế tuy đã khá hơn trước nhưng chưa ổn định, rất dễ rơi vào tình trạng tái nghèo nếu gặp rủi ro. Kể từ khi triển khai trên địa bàn tỉnh, chương trình đã giúp cho hàng nghìn hộ mới thoát nghèo có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước ổn định cuộc sống. Cơ bản các hộ được vay vốn đều sử dụng vốn có hiệu quả, tăng thu nhập, góp phần thoát nghèo bền vững.
Theo Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ: hộ mới thoát nghèo là hộ từng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, qua điều tra, rà soát hằng năm có thu nhập bình quân đầu người cao hơn chuẩn hộ cận nghèo theo quy định hiện hành. Thời gian kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo tối đa là 3 năm. |
TÂN AN
Ý kiến ()