Tạo đà để Phú Quốc "cất cánh"
Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc. Giữa tháng 12 này Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc sẽ được đưa vào khai thác. Từ đây, đảo ngọc Phú Quốc nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung bắt đầu được kết nối với các nước trên thế giới, mở ra nhiều cơ hội "chuyển mình" tích cực cho miền đất phương Nam này.Nhu cầu bức thiếtCảng hàng không Phú Quốc hiện hữu nằm tại thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; là cảng hàng không nội địa, được xây dựng từ thời Pháp thuộc với đường hạ và cất cánh ban đầu chỉ dài 996 m. Do nằm ở đảo xa, các phương tiện giao thông đường thủy chưa phát triển, nên ngay sau ngày giải phóng đất nước (tháng 4-1975), Cảng hàng không Phú Quốc đã được khôi phục, đưa vào khai thác, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách đến đảo. Thời gian đầu, cảng chỉ tiếp nhận được các loại máy bay nhỏ như DC3 với 32 ghế. Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường hàng không, cảng đã liên tục được...
Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc. |
Giữa tháng 12 này Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc sẽ được đưa vào khai thác. Từ đây, đảo ngọc Phú Quốc nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung bắt đầu được kết nối với các nước trên thế giới, mở ra nhiều cơ hội “chuyển mình” tích cực cho miền đất phương Nam này.
Nhu cầu bức thiết
Cảng hàng không Phú Quốc hiện hữu nằm tại thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; là cảng hàng không nội địa, được xây dựng từ thời Pháp thuộc với đường hạ và cất cánh ban đầu chỉ dài 996 m. Do nằm ở đảo xa, các phương tiện giao thông đường thủy chưa phát triển, nên ngay sau ngày giải phóng đất nước (tháng 4-1975), Cảng hàng không Phú Quốc đã được khôi phục, đưa vào khai thác, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách đến đảo. Thời gian đầu, cảng chỉ tiếp nhận được các loại máy bay nhỏ như DC3 với 32 ghế. Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường hàng không, cảng đã liên tục được sửa chữa, nâng cấp. Năm 2003, cảng được đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, gồm: xây dựng nhà ga mới (hiện đang sử dụng), mở rộng sân đậu tàu bay với bốn vị trí đậu cho máy bay ATR 72 và tương đương. Nhà ga hiện hữu, được khánh thành năm 2004, có diện tích 2.400 m2, công suất 500 nghìn lượt khách/năm… Cảng hàng không Phú Quốc hiện hữu là cảng hàng không cấp 3C theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO), có năng lực bảo đảm phục vụ các loại máy bay ATR72, CRJ 900 và tương đương. Trong những năm qua, lượng khách đi và đến Cảng hàng không Phú Quốc luôn tăng trưởng đều đặn. Năm 2011, cảng tiếp đón 554.876 lượt khách; năm 2012 này dự kiến cảng sẽ đón khoảng 600 nghìn lượt khách. Tần suất phục vụ hiện tại của cảng trung bình 15 chuyến/ngày, vào thời gian cao điểm cảng có thể phục vụ 22 chuyến/ngày.
Theo số liệu thống kê của các cơ quan quản lý chức năng, trong những năm gần đây, hệ số sử dụng ghế trung bình trên các chuyến bay đến Phú Quốc luôn đạt hơn 90%, trong đó hơn 70% hành khách là khách du lịch trong và ngoài nước, còn lại là khách doanh nhân đến hòn đảo này để tìm kiếm cơ hội đầu tư và người dân của đảo. Tuy nhiên, do hạn chế về mặt địa lý, đường hạ – cất cánh không thể kéo dài thêm (đầu tây vướng biển, đầu đông vướng núi) nên Cảng hàng không Phú Quốc hiện hữu không thể tiếp nhận được các loại máy bay lớn, tần suất hoạt động cao, công suất khai thác của nhà ga tối đa chỉ đạt 800 nghìn lượt hành khách/năm. Do vậy, việc xây dựng Cảng hàng không Phú Quốc mới để đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường và tiêu chuẩn khai thác của các hãng hàng không quốc tế là hết sức cần thiết và cấp bách.
Hiện thực hóa giấc mơ
Từ thực tế nói trên, để đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không ngày càng tăng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội huyện đảo, ngày 10-11-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1608/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc – giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. Tiếp đó, ngày 23-11-2008, Cảng hàng không quốc tế (CHK QT) Phú Quốc đã chính thức được khởi công xây dựng tại xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. CHK QT Phú Quốc có tổng diện tích hơn 900 ha, với hệ thống cơ sở hạ tầng được xây dựng đồng bộ: Đường cất – hạ cánh kích thước 3.000m x 45m; tám đường lăn, sân đỗ với tám vị trí đỗ máy bay, nhà ga hàng hóa; trang-thiết bị dẫn đường: Đài kiểm soát không lưu, ra-đa, hệ thống đèn tín hiệu theo tiêu chuẩn ICAO, hệ thống đèn chiếu sáng… Và các công trình phụ trợ: hệ thống thoát nước; hệ thống đường giao thông; cầu cạn, sân đỗ ô-tô; hệ thống đèn tín hiệu theo tiêu chuẩn ICAO; hạ tầng kỹ thuật: mạng điện, thông tin liên lạc, hệ thống cấp nước, khí gas; xử lý nước thải… Nhà ga hành khách có diện tích sàn 24.325 m2, bố trí theo hai cao trình khai thác quốc tế và quốc nội, có khả năng đáp ứng khoảng bốn triệu hành khách/năm, công suất đạt 1.400 – 1.500 hành khách/giờ cao điểm; ga quốc tế được bố trí ở nửa phía đông, nhà ga trong nước được bố trí ở nửa phía tây.
CHK QT Phú Quốc là cảng hàng không cấp 4E theo tiêu chuẩn của ICAO, đáp ứng hoạt động của các loại máy bay hiện đại như Boeing 777, Boeing 747-400 và tương đương. Quy trình khai thác hàng không được áp dụng tiêu chuẩn tính toán mức C (Level of service C) theo phân mức tiêu chuẩn phục vụ hành khách của IATA, giúp bảo đảm tuân thủ các quy định quốc tế nhưng vẫn mang lại sự thoải mái, thuận lợi và tiện nghi cho hành khách. Đây là dự án cảng hàng không quốc tế đầu tiên tại Việt Nam được triển khai theo hình thức 100% vốn đầu tư của doanh nghiệp – Tổng công ty Cảng hàng không miền nam trước đây (nay là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam). Việc xây dựng CHK QT Phú Quốc nhằm đón đầu thị trường khi Phú Quốc trở thành đặc khu hành chính, trung tâm du lịch, tài chính – ngân hàng và đầu mối giao thông quan trọng trong giao thương quốc gia và quốc tế. CHK QT Phú Quốc có vị trí quan trọng nhất định trong việc phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng của đảo Phú Quốc và tỉnh Kiên Giang cũng như cả nước ta.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, suốt bốn năm qua, Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam đã nỗ lực hoàn thành dự án đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng công trình. Những nỗ lực này sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu và tạo điều kiện để phát triển đảo Phú Quốc theo hướng mà Chính phủ đã đề ra. Đó là: Tập trung xây dựng và phát triển đảo Phú Quốc theo một kế hoạch và bước đi thích hợp thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, giao thương quốc tế lớn, hiện đại của vùng đồng bằng sông Cửu Long và từng bước hình thành một trung tâm du lịch, giao thương mang tầm cỡ khu vực và quốc tế, trong đó giao thông hàng không là yếu tố được kỳ vọng sẽ đem lại sự thay đổi ấn tượng cho Phú Quốc trong tương lai.
CHK QT Phú Quốc sẽ chính thức được khánh thành vào ngày 15-12-2012. Khi đi vào khai thác, CHK QT Phú Quốc sẽ góp phần quan trọng phát triển toàn diện của Phú Quốc, của Kiên Giang, của cả vùng và cả nước, đóng góp không chỉ cho lĩnh vực kinh tế mà còn tăng cường sức mạnh phòng thủ của quốc gia. CHK QT Phú Quốc sẽ giúp vùng đồng bằng sông Cửu Long kết nối trực tiếp với các thành phố trong khu vực châu Á. Có như vậy mới tạo cơ sở và điều kiện để Phú Quốc sớm trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ chất lượng cao và trở thành trung tâm giao thương của cả nước.
Công suất sẽ đạt bảy triệu lượt khách/năm vào năm 2030 Theo “Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc – giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” đến giai đoạn sau năm 2030 CHK QT Phú Quốc đáp ứng được từ 25 đến 27 vị trí đỗ máy bay. Đồng thời, nếu xét có nhu cầu sẽ đầu tư thêm sân đỗ nhà ga hàng hóa với 2 – 6 vị trí đỗ. Giai đoạn 2030, sẽ xây dựng đường băng đủ để tiếp nhận 20 máy bay tại giờ cao điểm. Đối với nhà ga hành khách, đến năm 2020 sẽ xây dựng nhà ga đáp ứng đủ công suất 2,5 triệu khách/năm, đến năm 2030 lượng hành khách tiếp nhận là bảy triệu lượt hành khách/năm. Nhà ga hàng hóa có công suất đạt 8.600 tấn hàng hóa quốc tế và 5.700 tấn hàng hóa nội địa. Đến năm 2020, xây dựng sân đỗ ô-tô trước nhà ga hành khách đáp ứng 493 chỗ đỗ và tăng lên 1.304 chỗ đỗ vào giai đoạn năm 2030. Giai đoạn đầu khai thác đến năm 2020 không sử dụng cầu ống dẫn khách. Sau giai đoạn này, khi công suất tăng sẽ tiếp tục đầu tư ống lồng dẫn khách và mở rộng nhà ga để đáp ứng công suất khoảng bảy triệu hành khách/năm và lượng hàng hóa tiếp nhận là 27.600 tấn/năm. |
Theo Nhandan
Ý kiến ()