Tạo đà để cửa khẩu Chi Ma phát triển
LSO-Theo kế hoạch của UBND tỉnh Lạng Sơn, đến tháng 12/2017, cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ phối hợp với cơ quan chức năng của Trung Quốc tổ chức lễ công bố cặp cửa khẩu song phương Chi Ma (Việt Nam) - Ái Điểm (Trung Quốc). Việc công bố cặp cửa khẩu Chi Ma - Ái Điểm sẽ mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư, doanh nghiệp xuất nhập khẩu (XNK), người xuất nhập cảnh (XNC)qua cửa khẩu.
Xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Chi Ma |
Cửa khẩu Chi Ma nằm trên địa bàn xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, cách thành phố Lạng Sơn 36 km. Phía đối diện là cửa khẩu Ái Điểm (thuộc thị trấn Ái Điểm), huyện Ninh Minh, Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc). Cửa khẩu Chi Ma có vị trí thuận lợi trong phát triển kinh tế, nối liền từ cửa khẩu về thị trấn Lộc Bình và thành phố Lạng Sơn là quốc lộ 4B. Đồng thời kết nối với khu kinh tế ven biển trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh.
Hiện nay, cửa khẩu Chi Ma được Chính phủ công nhận là cửa khẩu chính (cửa khẩu Quốc gia), hoạt động có đầy đủ các lực lượng chức năng. Tuy vậy, giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa tổ chức lễ công bố chính thức công nhận cặp cửa khẩu Chi Ma – Ái Điểm là cửa khẩu song phương nên cặp cửa khẩu Chi Ma – Ái Điểm vẫn đang được hoạt động với hình thức cặp chợ biên giới, chỉ mở cho những người mang giấy thông hành XNC vùng biên giới và hàng hóa mậu dịch biên giới.
Trung tá Đoàn Duy Tiến, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Chi Ma cho biết: Khi hai bên (Việt Nam – Trung Quốc) tổ chức lễ công bố chính thức cặp cửa khẩu Chi Ma – Ái Điểm là cửa khẩu song phương thì hoạt động XNK hàng hóa, XNC qua cửa khẩu có nhiều thuận lợi. Trong đó, hoạt động XNC không chỉ áp dụng với người có giấy thông hành như trước đây mà còn áp dụng với người có hộ chiếu là cư dân hai nước. Việc sử dụng hộ chiếu sẽ có thời gian lưu lại và đi được toàn bộ trên lãnh thổ mỗi nước (nếu sử dụng giấy thông hành thì chỉ có giá trị trong một ngày với phạm vi chỉ trong một khu vực). Trong hoạt động XNK hàng hóa, các doanh nghiệp, công ty XNK qua cửa khẩu sẽ được áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi theo điều kiện thông lệ quốc tế và thỏa thuận song phương đã ký kết giữa hai bên; được hưởng chính sách của khu mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc.
Để đảm bảo các điều kiện cho lễ công bố mở cặp cửa khẩu song phương Chi Ma – Ái Điểm, các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng, lực lượng chức năng, phương tiện làm việc đã được đầu tư; trong đó, các công trình hạ tầng được đầu tư và đi vào hoạt động như: hệ thống đường giao thông, điện, nước; bến bãi đỗ xe; thông tin liên lạc,… Cùng với các công trình đã được đầu tư, hiện tại, dự án nhà kiểm soát liên ngành số 1 cửa khẩu Chi Ma là một trong những công trình quan trọng đang được khẩn trương hoàn thiện.
Việc công bố mở cặp cửa khẩu song phương Chi Ma – Ái Điểm sẽ mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho hoạt động XNK, XNC. Một số doanh nghiệp đã sẵn sàng nâng mức xuất khẩu hàng qua cửa khẩu Chi Ma. Ông Lê Văn Chung, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Quốc gia IDI, cụm công nghiệp Vàm Cống (tỉnh Đồng Tháp) cho biết: Công ty xuất khẩu cá tra đông lạnh sang Trung Quốc mỗi tháng khoảng 100 tấn. Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng phối hợp với Trung Quốc để công bố chính thức cặp cửa khẩu Chi Ma – Ái Điểm thành cửa khẩu song phương. Khi đó, các chính sách về thuế sẽ được ưu đãi hơn, chúng tôi sẽ nâng mức xuất khẩu cá đông lạnh qua đây từ 100 tấn/tháng lên trên 200 tấn/tháng.
Ông Phùng Trung Liên, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý cửa khẩu Chi Ma cho biết: Việc công bố chính thức cặp cửa khẩu Chi Ma – Ái Điểm thành cửa khẩu song phương đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho XNC về người, phương tiện giao thông vận tải, hàng hóa XNK, phát triển du lịch, phát triển kinh tế – xã hội, kết nối giữa hai bên; là điều kiện và cơ hội cho phát triển kinh tế cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn nói riêng, cả nước nói chung. Đồng thời, tạo thêm một cửa khẩu đường bộ kết nối giữa ASEAN với Trung Quốc và ngược lại.
ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()