Tạo đà cho thanh niên khởi nghiệp
LSO-Những năm qua, Tỉnh đoàn đã tích cực triển khai công tác ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) giúp đoàn viên thanh niên có điều kiện vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất.
Đoàn viên thanh niên xã Đồng Giáp, huyện Văn Quan
sử dụng nguồn vốn ưu đãi trồng cây ăn quả
Trước đây, kinh tế gia đình anh Hoàng Văn Tâm, thôn Nà Bản, xã Đồng Giáp, huyện Văn Quan rất khó khăn, chỉ phụ thuộc vào mấy sào lúa, ngô. Năm 2017, sau khi đi học hỏi mô hình trồng cây ăn quả tại Bắc Giang và được Đoàn, thanh niên xã tuyên truyền về các chương trình cho vay ưu đãi của NHCSXH, anh mạnh dạn vay 50 triệu đồng chương trình hộ nghèo đầu tư trồng cây ăn quả gồm cam Vinh và táo Đài Loan trên toàn bộ diện tích đất trồng lúa của gia đình.
Anh Tâm chia sẻ: “Thời gian đầu, do tôi chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Sau khi được sự hướng dẫn của các cơ quan, đoàn thể địa phương và sự tìm tòi của bản thân, mô hình trồng cây ăn quả của tôi bước đầu đã đem lại hiệu quả, cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Nhờ đó, cuộc sống gia đình tôi ổn định hơn trước, ngoài ra, tôi còn có vốn mở rộng diện tích cây ăn quả và trồng thêm rừng hồi, sở. ”
Cũng như anh Tâm, nhiều thanh niên trong toàn tỉnh đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng thành công các mô hình kinh tế từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Nguồn vốn không chỉ giúp thanh niên khởi nghiệp mà còn hỗ trợ thanh niên tiếp tục phát triển, mở rộng các mô hình kinh tế đã có. Tiêu biểu như anh Lương Văn Tuyển, thôn Keo, xã Minh Hòa, huyện Hữu Lũng.
Trước đây, anh Tuyển phát triển mô hình trồng đào cảnh phục vụ tết với số lượng khoảng 200 gốc, đem lại thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Nhận thấy thị trường đào cảnh có tiềm năng phát triển, năm 2019, anh vay 50 triệu đồng từ NHCSXH mở rộng quy mô vườn đào lên 400 gốc, gồm các gốc đào cổ, đào phai, đào thất thốn… Nhờ đó, hiện nay, mô hình đào cảnh giúp gia đình anh có thu nhập gần 400 triệu đồng/năm.
Anh Nguyễn Tuấn Nam, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Xác định công tác ủy thác vốn vay với NHCSXH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm giúp thanh niên phát triển kinh tế, lập nghiệp, hằng năm, Tỉnh đoàn tích cực chỉ đạo các huyện, thành đoàn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, định hướng sử dụng vốn cho đoàn viên thanh niên. Đồng thời phối hợp với NHCSXH tập huấn cho đội ngũ cán bộ phụ trách hoạt động ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn về nghiệp vụ quản lý vốn vay; kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay đảm bảo nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả.
Tính đến cuối tháng 3/2020, tổng dư nợ ủy thác qua Tỉnh đoàn là trên 570 tỷ đồng với 13.262 lượt hộ vay. Các mô hình kinh tế của thanh niên chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như: chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ….
Để nâng cao chất lượng nguồn vốn, hằng năm, Tỉnh đoàn thường xuyên kiểm tra, giám sát. Trong năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã kiểm tra được 11/11 huyện, thành đoàn, 11 xã, 27 tổ tiết kiệm và vay vốn, 29 hộ vay. Qua kiểm tra cho thấy: các hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích, trả gốc, lãi đúng kỳ hạn, chất lượng tín dụng đảm bảo. Hiện nợ quá hạn chỉ chiếm 0,09% (thấp hơn mức cho phép).
Từ hiệu quả nguồn vốn, hiện nay, toàn tỉnh có trên 300 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi với thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Trong năm 2019, Tỉnh đoàn giúp đỡ 137 thanh niên nghèo là chủ hộ thoát nghèo. Ngoài ra, các cấp bộ đoàn đã đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, huy động đoàn viên tham gia gửi tiết kiệm thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn NHCSXH được 456/456 tổ, với số dư tiền gửi tiết kiệm là 14,543 tỷ đồng.
Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc NHCSXH, Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn cho biết: Trong những năm qua, Tỉnh đoàn đã thực hiện tốt nhiệm vụ ủy thác vốn vay với NHCSXH. Qua đó tạo điều kiện cho thanh niên phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống cho gia đình cũng như địa phương.
KIM HUYÊN
Ý kiến ()