Tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như thời gian vừa qua, cơ hội việc làm đối với không ít người bình thường đã khó, với người khuyết tật (NKT) lại càng nhiều trở ngại. Tạo cơ hội việc làm phù hợp cho NKT để NKT có thu nhập, tự tin vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng là vấn đề cần quan tâm hiện nay.
Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có hơn 6,2 triệu NKT nhưng chỉ 31,7% trong số này nằm trong lực lượng lao động. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, NKT là đối tượng yếu thế, chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi mất việc làm và hiện rất khó quay trở lại thị trường lao động để tìm cho mình một công việc phù hợp.
Nhằm tạo điều kiện cho người lao động khuyết tật có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội vừa phối hợp với Hội NKT TP Hà Nội và hội NKT các quận, huyện trên địa bàn thành phố tổ chức phiên giao dịch việc làm (GDVL) lồng ghép tuyển dụng lao động là NKT. Phiên GDVL được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến từ sàn trung tâm tại 215 Trung Kính, Yên Hòa, Cầu Giấy đến 14 sàn/điểm GDVL vệ tinh trên địa bàn TP Hà Nội, với sự tham gia của 34 đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng tổng cộng 1.022 chỉ tiêu. Đặc biệt, có 10 doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề có sử dụng lao động là NKT tham gia tuyển dụng và tuyển hơn 300 chỉ tiêu.
Người khuyết tật tham gia phỏng vấn tại một phiên giao dịch việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: VŨ QUANG |
Các chỉ tiêu tuyển dụng tập trung vào nghề may, thủ công mỹ nghệ, nhân viên kinh doanh, thợ thêu tranh, thợ may công nghiệp. Mức lương mà các doanh nghiệp trả cho người lao động phụ thuộc vào vị trí việc làm và trình độ, năng lực của người lao động, dao động từ 5 đến 10 triệu đồng/người/tháng.”Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh phải đóng cửa khiến không ít NTK như tôi từng có việc làm nhưng hiện nay lại thất nghiệp. Tôi đã đi xin việc khắp nơi, “gõ cửa” nhiều công ty và xí nghiệp nhưng vẫn chưa có nơi nào nhận. Tôi mong muốn có một công việc phù hợp với mức thu nhập đủ nuôi sống bản thân để không còn là gánh nặng của gia đình”, anh Nguyễn Văn Thuyên, một lao động là NKT tham dự phiên GDVL chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: “Thời gian vừa qua, chúng tôi đã tổ chức gần 30 phiên GDVL dành riêng cho nhóm lao động yếu thế, đặc biệt là NKT. Trong năm 2022, chúng tôi có kế hoạch tổ chức hai phiên GDVL dành riêng cho NKT. Ngoài ra, chúng tôi còn có các hoạt động khác như thường xuyên phối hợp với Hội NKT TP Hà Nội và hội NKT của các quận, huyện trên địa bàn thành phố để làm công tác tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho người lao động tại chỗ”. Thực tế cho thấy, các phiên GDVL không chỉ cung cấp thông tin thị trường, học nghề cho người lao động, tạo điều kiện cho lao động là NKT có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp mà còn là dịp các doanh nghiệp, đơn vị tham gia tuyển dụng tìm được nguồn nhân lực để phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Một rào cản đối với NKT là thiếu thông tin. Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay, một bộ phận không nhỏ NKT còn chưa tiếp cận được những thông tin về chính sách ưu đãi mà họ được hưởng. Hiện vẫn chưa có một kênh thông tin có hệ thống và đáng tin cậy để NKT tìm đến, từ đó nắm được cơ hội đào tạo nghề và việc làm dành cho NKT. “Để nâng cao tỷ lệ NKT có việc làm, cùng với việc sửa đổi, bổ sung chính sách việc làm cho phù hợp đối với NKT trong tình hình mới, các chủ sử dụng lao động cần thay đổi nhận thức về khả năng làm việc của NKT. Các địa phương cần có chính sách tạo điều kiện để NKT tìm được việc làm tại chỗ, hỗ trợ sinh kế, tư vấn giới thiệu việc làm, bao tiêu sản phẩm do NKT tạo ra. Qua đó tạo điều kiện cho NKT có môi trường làm việc tốt hơn và thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng là bản thân mỗi NKT cần có ý thức vươn lên, chịu khó học hỏi để nâng cao trình độ, hiểu biết nhằm đáp ứng yêu cầu của từng vị trí việc làm”, ông Vũ Quang Thành cho biết thêm.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()