Tạo cơ hội học tập cho trẻ thiệt thòi
Thầy giáo Trường THCS Hoàng Đồng hướng dẫn học sinh thiệt thòi hòa nhập học tập |
Theo ông Vũ Thái Hùng, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh: Hơn 20 năm qua, trẻ nuôi dưỡng tại trung tâm có khả năng hòa nhập đều được rà soát, lập danh sách, phối hợp với các trường trên địa bàn xã Hoàng Đồng để bố trí cho các cháu được học tập. Việc học tập ở địa điểm trường gần nơi ở giúp các cháu đi lại tập trung, thuận tiện đưa đón, chăm sóc. Có những năm nhiều cháu đi học nhất của cả 3 cấp lên đến gần 50 cháu; trung bình mỗi năm có 15 – 20 cháu theo học. Năm học 2017 – 2018, trung tâm có 28 cháu được đi học ở các cấp học từ mầm non đến đại học, trong đó có 13 cháu được học từ mầm non đến THCS ở xã Hoàng Đồng (8 cháu học THCS, 4 cháu học tiểu học, 1 cháu học mầm non).
Chúng tôi có dịp thực tế tại lớp 8A3, Trường THCS Hoàng Đồng – lớp có 2 học sinh của trung tâm đang theo học. Nếu không có chiếc xe lăn và chỗ ngồi riêng giữa dãy lớp thì chắc hẳn khó phát hiện ra em Hoàng Thị Hằng trong màu áo đồng phục của nhà trường. Hằng chia sẻ: Các bạn biết em bị xương thủy tinh lại sống ở trung tâm nên có việc gì cần đều giúp đỡ em, không có bất cứ sự phân biệt đối xử nào. Mỗi ngày đi học với em đều quý giá và vui lắm.
Trường THCS Hoàng Đồng năm học này có 8 em ở trung tâm theo học. Các em bị khuyết tật hệ vận động, hệ thần kinh, mồ côi hoặc bị bệnh xã hội. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các em học tập, nhà trường giao nhiệm vụ cho giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn quan tâm, nắm bắt tâm lý, động viên các em kịp thời, nhất là có biện pháp giáo dục phù hợp để học sinh tiến bộ. Đặc biệt học sinh thiệt thòi sẽ được miễn học phí và các khoản đóng góp; các dịp lễ, tết đều được quà tặng, học bổng. Với các em học hòa nhập, sẽ không tính bằng điểm số mà chỉ đánh giá trên sự tiến bộ của học sinh. Bà Tô Thị Bình, Hiệu phó nhà trường cho biết: Học sinh Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh học tập ở nhà trường được giúp đỡ về mọi mặt. Hằng năm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS ở trường đạt 100%; có em tốt nghiệp xong thi được vào trường chuyên, lớp chọn và tiếp tục học tập. Những trường hợp nghỉ học đều có lý do sức khỏe.
Còn ở Trường Tiểu học Hoàng Đồng, năm học này chỉ có 4 học sinh của trung tâm. Theo bà Đồng Thị Phương Anh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, ở lứa tuổi tiểu học, các em chưa có nhiều kỹ năng sống nên cần được quan tâm nhiều. Do đó, ngoài việc đảm bảo các chế độ chính sách cho các em theo quy định, nhà trường còn phân tổ nhóm giáo viên giúp đỡ các em tiến bộ; cho các em tham gia tất cả các hoạt động của nhà trường; chú ý rèn luyện kỹ năng sống cho các em. Thậm chí giáo viên về hưu của nhà trường nhận kèm cặp, giúp đỡ 1 học sinh học hòa nhập ngay tại trung tâm.
Học sinh là những trẻ thiệt thòi không chỉ được tạo mọi điều kiện mà các thầy, cô giáo còn luôn tiếp cận, động viên trẻ; đặt tình thương, sự cảm thông lên trên hết để uốn nắn, theo dõi, quản lý các trẻ thiệt thòi. Đối với trẻ – giáo viên sẽ là người cha, người mẹ, người thân, là người tiếp thêm nghị lực để trẻ tiếp tục đến trường.
Thực tế cho thấy, các cháu được tạo điều kiện đi học đều bộc lộ khả năng học tập, hòa nhập được với thầy cô, bạn bè. Nhiều cháu được nhận giấy khen, phần thưởng do có nhiều cố gắng trong học tập… Điều đó minh chứng cho nỗ lực của các thầy cô trường mầm non, tiểu học, THCS Hoàng Đồng trong việc giúp đỡ trẻ thiệt thòi học tập hòa nhập cộng đồng.
Ý kiến ()