Tạo cơ hội cho học sinh vùng khó
– Để đảm bảo công tác giáo dục cho người dân tộc thiểu số, thời gian qua tỉnh Lạng Sơn đã mở rộng quy mô, hệ thống đào tạo của các trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) cấp huyện. Qua đó góp phần đảm bảo công tác giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) vùng kinh tế – xã hội (KT – XH) đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Học sinh khối 10, Trường Phổ thông DTNT THCS – THPT Cao Lộc trong giờ học
Trường phổ thông DTNT là loại hình trường công lập, chuyên biệt trong hệ thống giáo dục quốc dân, có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội và củng cố quốc phòng – an ninh ở vùng DTTS, miền núi. Tuy nhiên, từ năm 2016 về trước, toàn tỉnh chỉ có 1 trường THPT DTNT tỉnh thực hiện công tác tuyển sinh khối cấp 3, còn lại 10 trường ở cấp huyện là trường phổ thông DTNT THCS. Do đó, học sinh học đến lớp 9 nếu như không thi được vào Trường THPT DTNT tỉnh sẽ phải học tại các trường khác. Qua đó, đã hạn chế phần nào nhu cầu học tập của các em học sinh DTTS vùng KT- XH đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Để đảm bảo yêu cầu học tập cho học sinh, ngày 20/12/2016, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 148/KH-UBND về tiếp tục thực hiện Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông DTNT giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ năm học 2018 – 2019, tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện chuyển đổi 3 trường phổ thông DTNT THCS (Bình Gia, Tràng Định, Lộc Bình) thành trường liên cấp Phổ thông DTND THCS và THPT. Đến năm 2020, tỉnh Lạng Sơn có 1 trường THPT DTNT tỉnh với 20 lớp, 605 học sinh; 3 trường Phổ thông DTNT THCS-THPT với 35 lớp, 1.050 học sinh và 7 trường Phổ thông DTNT THCS với 62 lớp, 1.832 học sinh.
Việc triển khai mô hình trường phổ thông DTNT đã đáp ứng nguyện vọng của đông đảo Nhân dân, tạo điều kiện để học sinh ở miền núi, vùng sâu, vùng xa được học và chăm sóc trong môi trường giáo dục toàn diện. Theo báo cáo, năm học 2020 – 2021, toàn tỉnh có 3.487 học sinh được hưởng theo chế độ nội trú. Chất lượng giáo dục tại các trường phổ thông DTNT không ngừng được nâng lên, luôn đạt mức ngang bằng hoặc cao hơn so với chất lượng các trường phổ thông cùng cấp đóng trên địa bàn. Tỷ lệ học sinh các trường DTNT thi đỗ tốt nghiệp luôn đạt từ 95 đến100%.
Trường Phổ thông DTNT THCS-THPT Lộc Bình, là một trong 3 trường phổ thông DTNT đầu tiên trên địa bàn tỉnh được chuyển đổi thành trường liên cấp, thực hiện tuyển sinh đầu cấp THPT. Cô Dương Thị Huyền, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc có thêm cấp THPT đã giúp nhiều học sinh có cơ hội học tập. Cùng đó, chất lượng học tập của học sinh hằng năm đều tăng hơn năm trước. Cụ thể như trong năm học 2020 – 2021 vừa qua, trường có 13 lớp với 401 học sinh, trong đó, xét về hạnh kiểm, có 93,8% học sinh đạt hạnh kiểm tốt (tăng 5,7% so với năm học trước); học lực giỏi đạt 28,4% (tăng 7,9% so với năm học trước). Đặc biệt, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, là khóa đầu tiên nhà trường có thí sinh lớp 12 dự thi, kết quả đạt tốt nghiệp 100%.
Tiếp tục mở rộng quy mô đào tạo ở hình thức này, tháng 6/2021, UBND tỉnh ký ban hành các Quyết định số 1185, 1186, 1187/QĐ-UBND ngày 16/6/2021, tổ chức lại Trường Phổ thông DTNT THCS các huyện: Cao Lộc, Văn Quan, Chi Lăng thành trường liên cấp Phổ thông DTND THCS – THPT trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh. Qua đó, hiện toàn tỉnh có 6 trường phổ thông DTNT THCS – THPT, 4 trường phổ thông DTNT THCS và 1 trường THPT DTNT tỉnh. Trung bình số học sinh DTTS được học tại các trường phổ thông DTNT chiếm gần 6% học sinh toàn tỉnh.
Thực tế cho thấy: việc mở rộng quy mô đào tạo ở các trường DTNT cấp huyện thành trường liên cấp có bậc THPT đã giúp cho nhiều học sinh có thêm cơ hội học tập. Bởi nếu như trước đây chỉ có 1 trường THPT DTNT tỉnh, hằng năm, thực hiện tuyển sinh khoảng 200 chỉ tiêu, trung bình mỗi huyện chỉ có 20 học sinh sau khi tốt nghiệp THCS được vào học trong khi tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS ở các trường DTND cấp huyện là từ 60 đến 80 học sinh/trường. Qua đó, không đảm bảo nhu cầu học tập của học sinh vùng KT – XH còn nhiều khó khăn muốn theo học. Bởi vậy, với việc mở rộng quy mô đào tạo các trường học này, đã giúp các em có thêm cơ hội học tập tốt hơn. Theo đó, năm học 2021 – 2022, toàn tỉnh có hơn 3.500 học sinh được học tại các trường Phổ thông DTNT, với khoảng 400 học sinh được tuyển sinh vào lớp 10 (năm học trước là hơn 300 học sinh).
“Ngoài nhiệm vụ giáo dục của một trường phổ thông, các trường phổ thông DTNT còn thực hiện nhiệm vụ tạo nguồn cán bộ, lực lượng lao động có trình độ văn hóa và phẩm chất tốt để tham gia xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh. Có thể nói, việc mở rộng quy mô và hệ thống đào tạo cấp THPT của các trường DTNT, từ 1 trường như trước, đến nay là 7 trường có cấp THPT, đã ngày càng phát huy hiệu quả tích cực. Nhiều học sinh là con em người dân tộc thiểu số vùng KT – XH đặc biệt khó khăn được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước khi học tập lên các bậc học tiếp theo tại các trường này. Qua đó, tỷ lệ huy động học sinh vùng dân tộc thiểu số ra lớp ngày càng cao, chất lượng đào tạo từng bước được nâng lên, góp phần nâng cao tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số làm việc, đáp ứng ngày càng tốt hơn nguồn nhân lực phục vụ phát triển KT – XH của các địa phương trên địa bàn tỉnh”. Ông Vy Minh Tú, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh |
Năm học 2020 – 2021, Trường Phổ thông DTNT THCS-THPT huyện Cao Lộc có 84 học sinh tốt nghiệp THCS. Từ năm học 2021 – 2022, nhà trường được chuyển đổi thành trường liên cấp nên nhà trường đã thực hiện tuyển sinh đầu cấp lớp 10, do là năm đầu tiên nên chỉ tuyển 1 lớp 10 với 30 học sinh. Hiện toàn trường có 12 lớp với 343 học sinh. Em Đinh Phương Ngọc lớp 10A1 chia sẻ: Khi nhà trường thông báo về việc chuyển đổi mô hình trường liên cấp và thực hiện tuyển sinh, em rất vui và đăng ký dự thi tuyển sinh tại trường. Với em, việc thi đỗ và được học tập tại trường, nơi đã gắn bó nhiều năm, đã quen trường, lớp, bạn bè giúp em phấn khởi và học tập tốt hơn.
Bà Hà Thị Khánh Vân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Cùng với việc mở rộng quy mô các trường phổ thông DTNT, ngành giáo dục cũng quan tâm, chỉ đạo các trường DTNT thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống cho các em học sinh; chú trọng tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, giáo dục kỹ năng sống, tăng cường các hoạt động ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, trải nghiệm cho học sinh với các nội dung thiết thực, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi và đặc điểm văn hóa dân tộc. Cùng đó, tích cực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của học sinh các trường phổ thông DTNT, góp phần vào chất lượng giáo dục chung của toàn tỉnh.
Với việc mở rộng hệ thống, quy mô đào tạo và trên kết quả chất lượng giáo dục những năm vừa qua, hệ thống trường phổ thông DTND trên địa bàn tỉnh đang từng bước thực hiện hiệu quả công tác giáo dục, đặc biệt là công tác giáo dục học sinh DTTS vùng KT – XH khó khăn. Qua đó, góp phần đào tạo nhân lực, phát triển KT – XH và củng cố an ninh, quốc phòng ở vùng DTTS, miền núi trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()