Tạo cơ chế “mở” thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp
LSO-Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, số lượng còn ít và quy mô còn nhỏ. Chính vì thế, UBND tỉnh đã ban hành một cơ chế “mở”, tạo sự thông thoáng và nhiều ưu đãi nhất nhằm thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Trang trại chăn nuôi bò của Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Phát triển Cửa Đông |
Thu hút ít do vướng chính sách đất đai
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có khoảng 10 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó phải kể đến 4 doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào 4 dự án lớn, đó là: Công ty Cổ phần Nông lâm nghiệp Cánh đồng vàng (đầu tư dự án trang trại chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt tại thôn Lân Vi, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn); Công ty Cổ phần Chăn nuôi Hòa Phát (đầu tư dự án xây dựng khu chăn nuôi lợn tập trung, an toàn sinh học tại xã Hòa Bình, huyện Chi Lăng); Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Phát triển Cửa Đông (đầu tư dự án trang trại chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt tại xã Trung Thành, huyện Tràng Định); Công ty TNHH Hồng Phong (đầu tư dự án liên kết trồng cây ăn quả tại một số xã của huyện Lộc Bình, Cao Lộc và Bắc Sơn). Tuy nhiên, so với hơn 4.080 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên toàn quốc (số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thì số doanh nghiệp đang đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tại Lạng Sơn là quá ít.
Môt trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là vướng về chính sách, trong đó có chính sách về đất đai và tín dụng. Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Phong cho biết: Hiện doanh nghiệp đã liên kết với bà con tại các xã: Bình Trung (Cao Lộc), Xuân Mãn (Lộc Bình), Tân Hương (Bắc Sơn) trồng 3 loại cây chính là cam, bơ, bưởi. Công ty đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng liên kết trồng cây ăn quả với bà con nông dân, lợi ích được hưởng là 50 – 50, tuy nhiên, chính vướng về chính sách hỗ trợ đất đai nên việc thuê đất của bà con chưa thể thực hiện.
Cũng trùng ý kiến này, ông Sầm Văn Tiến, Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Phát triển Cửa Đông cũng gặp khó khăn về chính sách thuê đất. Ông Tiến tâm sự: Doanh nghiệp đã đầu tư gần 15 tỷ đồng vào dự án, tuy nhiên hiện doanh nghiệp mới chỉ thuê được hơn 17,5 ha nên trang trại chăn nuôi vẫn chưa hoàn thiện đồng bộ. Để dự án chăn nuôi phát triển thì phải có khu vực trồng nguyên liệu cỏ, nhưng hiện doanh nghiệp vẫn chưa thể thực hiện vì vướng về thỏa thuận thuê đất đối với địa phương.
Lãnh đạo một số công ty khác cũng đều cho rằng, các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư nhưng lại vướng vì phải có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, sau đó đền bù hoặc thuê lại của người nông dân… mới có thể thực hiện dự án, điều này một mình doanh nghiệp thì không thể làm được. Đây là vướng mắc lớn nhất mà các doanh nghiệp đang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp gặp phải.
Tạo cơ chế, chính sách mở
Để giải bài toán này, ngày 9/2/2017 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 02 về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2017 – 2020. Theo đó khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản phẩm chủ lực của tỉnh, thuộc chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020, gồm: lĩnh vực lâm nghiệp, lĩnh vực chăn nuôi, lĩnh vực trồng trọt.
Đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Chính sách đặc thù này của tỉnh không ngoài mục đích để đẩy mạnh đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn. Chính sách “đột phá” này nêu rõ những ưu đãi về đất đai, ứng dụng khoa học công nghệ, tín dụng và cả hành lang pháp lý cũng như môi trường đầu tư thuận lợi để tạo đòn bẩy cho các doanh nghiệp thực hiện đầu tư phát triển bền vững.
Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tại miền núi sẽ có nhiều rủi ro hơn các lĩnh vực khác, vì thế, việc tỉnh ban hành chính sách đặc thù ưu đãi như vậy sẽ góp phần giải quyết các yếu tố gây cản trở đối với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Điều này cũng cho thấy Lạng Sơn đang từng bước cải thiện môi trường đầu tư ngay từ lĩnh vực khó khăn nhất, qua đó nhằm tạo lợi thế cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()