Tạo cơ chế đặc thù, góp phần phát triển toàn diện TP. Cần Thơ
Tại phiên họp thứ 25 chiều 13/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP. Cần Thơ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc xin ý kiến về dự thảo Nghị định quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP. Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết tại Kết luận số 07-KL/TW ngày 28 tháng 9 năm 2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX “về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hóa đất nước”, Bộ Chính trị đã giao TP. Cần Thơ chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù ở mức như thành phố Đà Nẵng và Hải Phòng; chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát đề xuất việc tổ chức thực hiện danh mục dự án trong Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 20/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng phương án trình Chính phủ phê duyệt cho phép thí điểm một số cơ chế mới, vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn đặt ra.
Vì vậy, nhằm tạo điều kiện, tăng tính đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của TP. Cần Thơ; Chính phủ nhận thấy cần ban hành Nghị định quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP. Cần Thơ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết mục tiêu xây dựng Nghị định nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng tại Kết luận số 07-KL/TW của Bộ Chính trị, chính sách của Nhà nước, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù đối với TP. Cần Thơ (tương tự các thành phố mang tính chất trung tâm kinh tế vùng như Đà Nẵng và Hải Phòng). Thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững kinh tế – xã hội của Thành phố; tạo điều kiện để Cần Thơ phát huy được những lợi thế trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế – xã hội lớn với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại và dịch vụ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2020; tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long…
Báo cáo thẩm tra một số nội dung của dự thảo Nghị định, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, TP. Cần Thơ là đô thị loại 1 cấp quốc gia và là 1 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Cần Thơ có vị trí chiến lược quan trọng của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và của cả nước về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Bộ chính trị đã giao: “Thành phố Cần Thơ chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù ở mức như đối với thành phố Đà Nẵng và Hải Phòng”.
Do đó, Ủy ban Tài chính-Ngân sách nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP. Cần Thơ
Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến phát biểu đã tập làm rõ những vấn đề Chính phủ xin ý kiến UBTVQH về Nghị định liên quan đến các vấn đề như mức dư nợ vay của ngân sách TP. Cần Thơ; bổ sung có mục tiêu từ nguồn tăng thu so với dự toán; tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính…
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc Hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, UBTVQH cơ bản nhất trí với những vấn đề Chính phủ xin ý kiến đối với Nghị định.
Phó Chủ tịch Quốc Hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của UBTVQH tại phiên họp và phối hợp cùng các cơ quan hữu quan của Quốc hội trong bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị định theo đúng tinh thần mà UBTVQH đã cho ý kiến./.
Ý kiến ()