Năm 1982, do yêu cầu nhiệm vụ chung, Tòa án nhân dân (TAND) tối cao đã chuyển giao công tác quản lý về tổ chức các tòa án địa phương sang Bộ Tư pháp, Trường cao đẳng Tòa án cũng được sáp nhập với Trường đại học Pháp lý Hà Nội (nay là Trường đại học Luật Hà Nội) trực thuộc sự quản lý của Bộ Tư pháp. Đến năm 2002, theo Luật Tổ chức TAND mới, TAND tối cao tiếp nhận lại các tòa án địa phương về tổ chức và kinh phí, nhưng việc đào tạo thẩm phán và các chức danh tư pháp khác trong ngành tòa án vẫn do Học viện Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp đảm nhiệm.Tòa án Nhân dân tối cao luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc tổ chức các khóa đào tạo nghiệp vụ xét xử cho cán bộ, công chức ngành tòa án theo chỉ tiêu đào tạo được phân bổ hằng năm (mỗi năm khoảng 500 học viên). TAND tối cao thường xuyên rà soát đội ngũ cán bộ để xác định nhu cầu đào tạo, xác định tiêu chuẩn, điều kiện tuyển sinh, xác...
Năm 1982, do yêu cầu nhiệm vụ chung, Tòa án nhân dân (TAND) tối cao đã chuyển giao công tác quản lý về tổ chức các tòa án địa phương sang Bộ Tư pháp, Trường cao đẳng Tòa án cũng được sáp nhập với Trường đại học Pháp lý Hà Nội (nay là Trường đại học Luật Hà Nội) trực thuộc sự quản lý của Bộ Tư pháp. Đến năm 2002, theo Luật Tổ chức TAND mới, TAND tối cao tiếp nhận lại các tòa án địa phương về tổ chức và kinh phí, nhưng việc đào tạo thẩm phán và các chức danh tư pháp khác trong ngành tòa án vẫn do Học viện Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp đảm nhiệm.
Tòa án Nhân dân tối cao luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc tổ chức các khóa đào tạo nghiệp vụ xét xử cho cán bộ, công chức ngành tòa án theo chỉ tiêu đào tạo được phân bổ hằng năm (mỗi năm khoảng 500 học viên). TAND tối cao thường xuyên rà soát đội ngũ cán bộ để xác định nhu cầu đào tạo, xác định tiêu chuẩn, điều kiện tuyển sinh, xác định thứ tự ưu tiên của từng khu vực để cân đối số lượng cần đào tạo đối với từng tòa án địa phương. Đồng thời, đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành (các đơn vị trực thuộc TAND tối cao một số tòa án địa phương) lựa chọn và cử cán bộ, thẩm phán có trình độ, kinh nghiệm để tham gia làm giảng viên kiêm chức cho Học viện Tư pháp.
Tuy nhiên, việc TAND tối cao không chủ động tổ chức đào tạo đội ngũ thẩm phán mà giao cho đơn vị khác thực hiện dẫn đến những bất cập sau: Thứ nhất, cơ chế đào tạo hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo của ngành tòa án, chưa đào tạo các chức danh khác như thẩm tra viên, thư ký…, làm cho ngành tòa án bị động trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, thẩm phán; chưa gắn việc đào tạo, bồi dưỡng với công tác quy hoạch, đội ngũ thẩm phán và đội ngũ cán bộ lãnh đạo tòa án các cấp. Thứ hai, do cơ sở vật chất của cơ sở đào tạo còn hạn chế, gây khó khăn rất nhiều trong việc ăn ở, đi lại, ảnh hưởng đến chất lượng học tập. Thứ ba, đội ngũ giáo viên, giảng viên của Học viện Tư pháp chủ yếu là giảng dạy các kiến thức cơ bản, còn các giảng viên có kinh nghiệm trong công tác thực tiễn, nhất là kinh nghiệm trong công tác xét xử thì chủ yếu mời thỉnh giảng là các thẩm phán, kiểm sát viên…, trong khi đó lại mở nhiều lớp đào tạo chức danh tư pháp và bổ trợ tư pháp (luật sư, công chứng viên…), cho nên chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo của các cơ quan tư pháp nói chung, ngành tòa án nói riêng. Thứ tư, giáo trình đào tạo còn chồng chéo, thiếu thống nhất về nội dung tài liệu và quan điểm nghiệp vụ gây khó khăn trong việc áp dụng thống nhất pháp luật; chưa chú trọng việc bồi dưỡng nghiệp vụ, rút kinh nghiệm xét xử theo từng loại án và các chuyên đề cụ thể nhằm khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác chuyên môn nghiệp vụ của thẩm phán…
Nghị quyết 49-NQ/T.Ư ngày 2-6-2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định: Tòa án là trung tâm của cải cách tư pháp và hoạt động xét xử là trọng tâm của công tác tư pháp. Đây là trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó cho ngành tòa án nhằm thực hiện tốt mục tiêu “Tòa án các cấp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời phải là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm”.
Năng lực của đội ngũ thẩm phán ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng xét xử, được thể hiện ở hai khía cạnh là trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm, kỹ năng điều khiển phiên tòa khi tranh tụng… Trong đó trình độ chuyên môn, nghiệp vụ có tính chất quyết định vì chủ yếu các trường hợp án bị sửa, hủy là do việc nắm và vận dụng pháp luật của thẩm phán còn hạn chế. Do đó, việc đào tạo lại và bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao năng lực xét xử, xây dựng đội ngũ thẩm phán trong sạch, vững mạnh là một yêu cầu cấp bách của công tác cải cách tư pháp.
Trong những năm vừa qua, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TAND tối cao luôn kiên trì và chú trọng công tác xây dựng ngành toàn diện cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức cán bộ; thực hiện tốt các mặt công tác cán bộ như: tuyển chọn cán bộ, xây dựng kế hoạch, quy hoạch cán bộ, tuyển dụng, bố trí sắp xếp cán bộ, bảo đảm thực hiện việc luân chuyển cán bộ, thực hiện tốt chính sách cán bộ. Bên cạnh đó, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị, tin học, ngoại ngữ… cho cán bộ, nhất là đội ngũ thẩm phán và hội thẩm nhân dân, với quan điểm đào tạo nguồn bổ nhiệm thẩm phán phải gắn với việc nâng cao trình độ chuyên môn và kinh nghiệm xét xử của ngành tòa án.
Để thực hiện mục tiêu của Đảng và Nhà nước đặt ra đối với các cơ quan tư pháp nói chung, ngành TAND nói riêng, việc chủ động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Tòa án tối cao là hết sức cần thiết và bức bách. Bởi những căn cứ sau: Bảo đảm nguyên tắc công tác tổ chức cán bộ phải luôn gắn liền với việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Cơ sở đào tạo ngành tòa án có đội giáo viên cơ hữu, có những thẩm phán TAND tối cao, lãnh đạo một số tòa án địa phương có trình độ chuyên môn, chính trị cao, có bề dày kinh nghiệm trong công tác thực tiễn, nhất là nhiều năm làm công tác xét xử. Đây là nguồn giảng viên dồi dào, vô cùng quan trọng mà không cơ sở đào tạo nào có được.
Chủ động công tác đào tạo sẽ giúp cho ngành tòa án làm tốt nhiệm vụ nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, ngoài việc đào tạo đội ngũ thẩm phán, còn kịp thời đào tạo các chức danh tư pháp trong ngành tòa án như thẩm tra viên, thư ký, nhân viên nghiệp vụ khác, đáp ứng nhu cầu công tác; đồng thời chủ động bồi dưỡng nghiệp vụ, rút kinh nghiệm xét xử theo từng loại án và các chuyên đề cụ thể, nhằm khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác chuyên môn nghiệp vụ của thẩm phán.
Ngành tòa án có đủ điều kiện về cơ sở vật chất cho công tác đào tạo. Hiện nay, ngành tòa án đang có Trường đào tạo cán bộ tòa án ở Hà Nội (đang được xây dựng với quy mô lớn, hiện đại do Hàn Quốc tài trợ), tiếp tục ưu tiên cho việc thành lập các trung tâm đào tạo tại Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. TAND tối cao đã xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực và mở rộng quy mô Trường cán bộ tòa án” với phương hướng chiến lược của Trường cán bộ tòa án đến năm 2020 trở thành Trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ xét xử tương xứng với vị trí của ngành tòa án, là trung tâm của hệ thống tư pháp.
Chủ động đào tạo thẩm phán và các chức danh tư pháp trong ngành tòa án nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ thẩm phán cũng như chất lượng xét xử. Đây là yêu cầu và đòi hỏi chính đáng, rất cần được Đảng, Nhà nước và các cơ quan hữu quan xem xét.
Theo Nhandan
Ý kiến ()