Tạo cơ chế, chính sách mới cho doanh nghiệp nhà nước
Doanh nghiệp nhà nước cần có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ như các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế. Và đổi mới cơ chế, chính sách là để doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, chủ động và vận hành linh hoạt như các doanh nghiệp tư nhân. Có vậy, doanh nghiệp nhà nước mới vận hành hiệu quả.
Hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước những năm gần đây chưa có nhiều cải thiện, chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ và quá trình cơ cấu lại triển khai chậm so yêu cầu đề ra. Nguyên nhân khách quan nằm ở những hạn chế, bất cập từ cơ chế, chính sách quản lý nhà nước đối với khu vực doanh nghiệp này.
Lo mất dần vị thế
Trăn trở của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước hiện nay là nguy cơ mất dần vị thế trên thị trường, do tốc độ phát triển của khu vực doanh nghiệp nhà nước không đồng tốc với doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Câu chuyện này từng xảy ra với Tổng công ty Lắp máy Việt Nam-CTCP (Lilama). Đầu những năm 2000, Lilama ghi dấu ấn trên thị trường xây dựng với năng lực làm tổng thầu hàng loạt công trình thủy điện, nhà máy lọc dầu, nhà máy xi-măng… và nhất là gia công, chế tạo, lắp đặt kết cấu thép mái vòm của Trung tâm hội nghị quốc gia, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Doanh thu của Lilama có thời điểm đạt hơn 20 nghìn tỷ đồng/năm nhưng đến nay chỉ còn 4.000 tỷ đồng. Lý giải cho sự suy giảm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Lilama Bùi Đức Kiên cho biết, về sau này, Lilama không có nhiều dự án, lại đầu tư dàn trải từ xi-măng, điện đến ngân hàng… không mang lại hiệu quả và phải thực hiện thoái vốn để cơ cấu lại doanh nghiệp.
Ngay cả những tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang làm tốt vai trò chi phối thị trường cũng rất lo lắng về chặng đường phía trước, nếu cơ chế quản lý đối với doanh nghiệp nhà nước không có sự điều chỉnh phù hợp.
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội (Viettel) Tào Đức Thắng cho biết, dư địa lớn cho Viettel hiện nay là đầu tư vào các công ty khởi nghiệp thông qua quỹ đầu tư mạo hiểm nhưng mọi quyết định không thể linh hoạt như doanh nghiệp tư nhân. Khi cơ hội đến, doanh nghiệp tư nhân chỉ mất một tháng, thậm chí một tuần để ký hợp đồng nhưng doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục phải mất hàng năm. Cho nên doanh nghiệp nhà nước khó phát triển, quy mô ngày càng nhỏ hơn so với doanh nghiệp tư nhân.
Ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) chia sẻ, thị trường viễn thông đang đối mặt với tình trạng bão hòa, doanh thu của doanh nghiệp viễn thông đi ngang, thậm chí sẽ đi xuống cho nên không gian tăng trưởng mới là chuyển đổi số. Doanh nghiệp nhà nước chưa chiếm lĩnh được thị phần đáng kể ở lĩnh vực này.
Trước sự phát triển quá nhanh của thị trường, VNPT đã xây dựng đề án cơ cấu lại tập đoàn, đề nghị Chính phủ sớm thông qua để doanh nghiệp có cơ hội phát triển nhanh hơn. Khác với doanh nghiệp tư nhân có hiệu quả là đầu tư, doanh nghiệp nhà nước chỉ cái gì đúng mới được làm, không chấp nhận rủi ro cho nên rất khó đổi mới sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Ông Tô Dũng Thái kỳ vọng sẽ có luồng gió mới để doanh nghiệp nhà nước có thể phát huy vai trò dẫn dắt, tạo động lực đối với nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn khó khăn đặc biệt hiện nay.
Muốn được tự chủ kinh doanh
Mong mỏi lớn nhất của những người lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước hiện nay là được hoạt động như một doanh nghiệp. Nghĩa là được trao quyền tự chủ kinh doanh như các doanh nghiệp khác trên cơ sở định hướng phát triển, nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể; có quyền tài sản rõ ràng; được theo dõi, đánh giá, thanh tra, kiểm tra theo định hướng phát triển, theo nhiệm vụ và mục tiêu chung thay vì thanh tra, kiểm tra và đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất theo từng dự án/hoạt động cụ thể.
Để được vận hành như vậy, trong quản lý nhà nước, phải coi doanh nghiệp nhà nước có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ như các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế. Đổi mới cơ chế, chính sách để doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, chủ động và vận hành linh hoạt như các doanh nghiệp tư nhân. Yêu cầu này bao gồm thực hiện tách chức năng đại diện chủ sở hữu với chức năng quản lý doanh nghiệp, giảm bớt sự can thiệp trực tiếp của cơ quan đại diện chủ sở hữu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước như hiện nay.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) phản ánh, những bất cập trong cơ chế, chính sách quản lý đối với doanh nghiệp nhà nước hiện nay khiến doanh nghiệp nhà nước càng giảm hiệu quả, giảm sức cạnh tranh so với doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Vì tất cả vấn đề Hội đồng quản trị ra nghị quyết đều phải xin ý kiến chủ sở hữu, nhiều vấn đề phải chờ chủ sở hữu xin ý kiến các đơn vị liên quan. Như vậy không chỉ mất nhiều thời gian mà về bản chất, những người hiểu thị trường nhất là doanh nghiệp lại không được quyết định đầu tư để kịp nắm bắt cơ hội.
Dự án dệt may thường được đầu tư trong khoảng từ sáu đến 10 tháng, có khi doanh nghiệp FDI đi vào vận hành rồi nhưng doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa làm xong thủ tục đầu tư, khi đủ điều kiện triển khai thì cơ hội thị trường đã mất vì không còn đáp ứng được tính thời trang. Từ thực tế này, Vinatex muốn làm rõ các khái niệm về doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực dệt may để nếu đúng vai trò thì có cơ chế để phát huy, nếu không, Nhà nước thoái vốn khỏi ngành dệt may để tập trung đầu tư vào các ngành nghề cốt lõi.
Nhận diện được những hạn chế nêu trên, trong kiến nghị gửi Chính phủ về các giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất các bộ, ngành, địa phương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần thay đổi cách thức làm việc, chủ động thực hiện đầy đủ và hiệu lực các quyền chủ sở hữu tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế, không can thiệp vào quá trình điều hành, quản trị kinh doanh tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó là các giải pháp đồng bộ về chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, gắn phát triển doanh nghiệp nhà nước với thực hiện chiến lược phát triển ngành và lĩnh vực kinh tế; thay đổi nhận thức, quan điểm về cổ phần hóa, thoái vốn… Làm được như vậy, không gian phát triển cho doanh nghiệp nhà nước sẽ được nới ra, thúc đẩy doanh nghiệp dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh để thực hiện vai trò dẫn dắt.
Ý kiến ()