Tạo cơ chế, chính sách, cơ hội bình đẳng cho doanh nghiệp nữ
Lao động nữ đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước với lực lượng hơn 50,2% dân số cả nước, khoảng 71,24% phụ nữ tham gia lực lượng lao động, cao hơn mức trung bình của thế giới.
Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được nhân dân cả nước quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết. Một trong những đề xuất quan trọng là xây dựng cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý tốt nhất cho doanh nghiệp nữ phát triển, thúc đẩy bình đẳng giới trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Khẳng định vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế
Trải qua hơn 30 năm đổi mới, nước ta đã chủ động hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới, mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước, tham gia tích cực và có trách nhiệm tại nhiều diễn đàn, tổ chức kinh tế-thương mại lớn.
Cùng với những nỗ lực cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế tích cực, chủ động và sâu rộng trong thời gian qua đã giúp Việt Nam gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài, khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Trong quá trình đó, lao động nữ đã và đang đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước với lực lượng hơn 50,2% dân số cả nước, khoảng 71,24% phụ nữ tham gia lực lượng lao động, cao hơn mức trung bình thế giới.
Ở Việt Nam, doanh nghiệp do nữ làm chủ tăng nhiều trong những năm qua, từ 4% năm 2009, lên 21% năm 2011 và đến nay đạt 25%, cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 19/54 trong bảng chỉ số xếp hạng Chỉ số nữ doanh nhân.
Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga đánh giá, dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã điểm lại những kết quả của nhiệm kỳ qua, trong đó khẳng định nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục phát triển; hội nhập kinh tế quốc tế phát triển sâu, rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức. Nước ta ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương thế hệ mới; đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, dự thảo văn kiện cũng nêu hạn chế trong lĩnh vực này là năng lực hội nhập quốc tế của doanh nghiệp tuy đã được nâng cao một bước nhưng vẫn còn bất cập, hạn chế. Việc triển khai thực hiện các thỏa thuận, cam kết quốc tế, các hiệp định thương mại tự do hiệu quả chưa cao.
Nguyên nhân của những hạn chế là do nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở một số nội dung còn chưa thật sự sâu sắc, thống nhất; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa đầy đủ, hiện đại, hội nhập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thực sự được đẩy mạnh kể từ khi tiến hành Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986 cùng với việc bắt đầu công cuộc “Đổi mới”.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ở nước ta vẫn còn những hạn chế nhất định, trong đó phụ nữ ở Việt Nam thường không nhận được sự đối xử bình đẳng.
Vì vậy, việc giải quyết vấn đề bình đẳng giới và nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, trong đó có việc tạo điều kiện để phát triển các doanh nghiệp do nữ giới làm chủ cần được coi là ưu tiên quan trọng trong phát triển kinh tế, phát huy các tiềm năng của phụ nữ, góp phần đảm bảo tăng trưởng bền vững, tăng trưởng bao trùm và tiến bộ xã hội.
Cần có cơ chế thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho phụ nữ
Có thể thấy, dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã định hướng tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, trọng tâm là thị trường; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế…
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bình đẳng giới và các doanh nhân nữ khẳng định, việc đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của phụ nữ nói chung và doanh nghiệp nữ nói riêng còn nhiều tiềm năng. Do đó, việc tạo cơ hội nhiều hơn để phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế và phát triển kinh doanh sẽ mang lại nhiều lợi ích đáng kể như đóng góp vào GDP, cải thiện thu nhập cho gia đình, tạo việc làm cho xã hội, thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới…
Việc thiết lập môi trường xã hội, kinh doanh, xây dựng các công cụ chính sách phù hợp, lồng ghép bình đẳng giới, tạo thuận lợi, cơ hội công bằng cho doanh nhân, nữ doanh nhân trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nhằm triển khai hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế gắn với bình đẳng giới là rất quan trọng trong công tác hoạch định chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết Minh cho rằng, các doanh nghiệp do nữ làm chủ của Việt Nam hiện nay đa số vẫn là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ với trình độ quản trị, công nghệ còn lạc hậu, khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động thấp, mức độ sẵn sàng và liên kết khu vực đầu tư nước ngoài hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh đề xuất, các chỉ tiêu chủ yếu trong dự thảo báo cáo nên cân nhắc bổ sung thêm một số chỉ tiêu, trong đó có tỷ trọng doanh nghiệp do nữ làm chủ đến năm 2025; chỉ số liên quan đến giới (GDI), chỉ số vai trò của phụ nữ (GEM), chỉ tiêu giảm chỉ số bất bình đẳng giới (GII); điều chỉnh các chính sách và quy định pháp luật có liên quan để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho phụ nữ và thúc đẩy các doanh nghiệp do nữ doanh nhân làm chủ, đánh giá kỹ lưỡng tác động giới, lồng ghép vấn đề giới trong chính sách.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng khung chiến lược quốc gia về thúc đẩy các doanh nghiệp do nữ làm chủ; khuyến khích thị trường cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh và nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp do nữ làm chủ, tích cực hỗ trợ doanh nhân nữ…
Theo Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) Phạm Thị Kiều Oanh, cần có chiến lược phát triển doanh nghiệp xã hội quốc gia, có cơ chế thúc đẩy và hỗ trợ hệ sinh thái doanh nghiệp xã hội như chính sách, tài chính, thị trường, văn hóa, dịch vụ hỗ trợ, nhân lực…
Trong khi đó, Chủ tịch Tập đoàn Deloitte Việt Nam Hà Thị Thu Thanh cho rằng, hội nhập kinh tế với những Hiệp định Thương mại thế hệ mới đang mở ra rất nhiều cơ hội phát triển kinh tế nói chung và cho cộng đồng doanh nghiệp nói riêng.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn tồn tại hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp, độ mở nền kinh tế cao, khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài còn yếu. Già hóa dân số tăng nhanh dẫn đến áp lực lên hệ thống an sinh xã hội và tác động đến tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, cũng là những thách thức, lực cản cho phát triển kinh tế.
Bà Hà Thị Thu Thanh đề xuất, cần tập trung ưu tiên phát triển doanh nghiệp nữ làm chủ, mạng lưới nữ doanh nhân Việt Nam; định hướng một cách rõ ràng cho sự phát triển của phong trào nữ doanh nhân Việt Nam với mục tiêu là gia tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy bình đẳng giới thực sự trong khu vực kinh tế tư nhân, góp phần thúc đẩy sự nghiệp bình đẳng giới trong toàn xã hội…./.
Ý kiến ()