Tạo chuyển biến về xây dựng văn hóa học đường
Văn hóa học đường là một môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện đức-trí-thể-mỹ. Vì vậy, xây dựng văn hóa học đường cần được coi là vấn đề trọng tâm của ngành giáo dục nói chung, mỗi cơ sở giáo dục nói riêng.
Tiết mục văn nghệ của học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trung Chải (Sa Pa, Lào Cai). |
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, những năm qua, công tác xây dựng văn hóa học đường luôn được chú trọng. Ngành giáo dục đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”; Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022-2030”… tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường nhằm tăng cường phát triển văn hóa, xây dựng văn hóa học đường, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tin, khát vọng, tự hào dân tộc đối với học sinh, sinh viên.
Cùng với những đề án, chương trình của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành, triển khai nhiều quy định liên quan xây dựng văn hóa học đường như: Quy định tổ chức hoạt động văn hóa của học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục; quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên… Đến nay, 100% số cơ sở giáo dục trên cả nước xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, góp phần rèn nền nếp học tập, ứng xử văn hóa cho người học; phòng ngừa bạo lực và các tệ nạn xã hội; củng cố mối quan hệ thân thiện giữa thầy với thầy, thầy với trò và trò với trò.
Quá trình triển khai, các địa phương, cơ sở giáo dục đã tích cực đổi mới nội dung chương trình, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá môn học, các hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, kỹ năng sống, giáo dục hài hòa đức, trí, thể, mỹ cho học sinh.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An Thái Văn Thành, những năm qua, các nhà trường trên địa bàn đều thực hiện nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động như: “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Xây dựng trường học xanh-sạch-đẹp”… tạo chuyển biến tích cực về môi trường văn hóa học đường.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục tạo cơ hội cho học sinh tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm, tổ chức tham quan tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, giúp các em tự hào hơn về truyền thống cách mạng của quê hương, về các thế hệ cha ông đi trước. Quan hệ giữa thầy và trò, giữa thầy với thầy, giữa trò với trò, giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và cộng đồng được quan tâm đúng mức, góp phần xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh, thân thiện, hình thành tốt các phẩm chất, năng lực cho học sinh.
Từ thực tiễn triển khai tại cơ sở giáo dục, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cho biết, để giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh có hiệu quả, cán bộ, giáo viên nhà trường đã tuân thủ các quy trình theo mô hình quản lý chất lượng của UNESCO và tổ chức quản lý chất lượng quốc tế ISO 9001-2000.
Nhà trường đưa ra năm nguyên tắc ứng xử để giúp thầy cô, cha mẹ học sinh tạo ra những thói quen ứng xử tốt cho các em. Đó là: Kiên trì chấp nhận những mặt mạnh và cả những mặt yếu kém của học sinh; khách quan trong việc nhìn nhận đánh giá thiếu sót của học sinh; giúp học sinh thấy rõ những cái lợi cái hại để tự lựa chọn cách ứng xử sao cho hợp chuẩn mực chung xã hội; giúp học sinh biết cách hòa nhập tập thể, tôn trọng lợi ích tập thể, cộng đồng; gieo nhu cầu mới và biết tổ chức cho học sinh thực hiện dần yêu cầu giáo dục đó. Vì vậy, chất lượng giáo dục của trường không chỉ bền vững mà còn mang đậm bản sắc văn hóa riêng, phù hợp tâm sinh lý, cá tính, hoàn cảnh của học sinh.
Mặc dù đạt được kết quả tích cực nhưng thực tế hiện nay vẫn còn xảy ra tình trạng một số cơ sở giáo dục, cá nhân có những hành vi lệch chuẩn ảnh hưởng môi trường giáo dục, gây bức xúc trong xã hội. Việc tổ chức các phong trào thi đua, hưởng ứng các cuộc vận động của ngành giáo dục ở một số địa phương, cơ sở giáo dục còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu.
Nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục văn hóa học đường ở một số nơi khô cứng, thiếu hấp dẫn; bộ quy tắc ứng xử thiếu sáng tạo, thậm chí được xây dựng mang tính đối phó. Bệnh thành tích trong giáo dục (thiếu trung thực trong dạy và học, kiểm tra, thi, đánh giá); bạo lực học đường; hành vi lệch lạc, thiếu chuẩn mực trong giao tiếp… vẫn còn xảy ra không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, mà còn gây tổn hại đến môi trường học đường.
Vì vậy, theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, xây dựng và phát triển văn hóa học đường được coi là một trong những nhiệm vụ lớn, trọng tâm của toàn ngành Giáo dục và của mỗi địa phương, cơ sở giáo dục, đào tạo. Ngành giáo dục đang triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, tập trung phát triển phẩm chất và năng lực của người học, lấy việc dạy người làm trung tâm.
Trong đó, xây dựng văn hóa học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục người học trở thành những con người phát triển toàn diện đức-trí-thể-mỹ. Ngành giáo dục cũng thực hiện chuẩn hóa, ban hành các bộ quy tắc ứng xử trường học; tăng cường những yếu tố thuộc về phẩm chất, ý thức, kỹ năng và chuẩn mực của đội ngũ nhà giáo.
Bên cạnh đó, để xây dựng văn hóa học đường hiệu quả, cần có sự tham gia của gia đình và xã hội nhằm tạo niềm tin về chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài góp phần đào tạo nên những thế hệ công dân tốt, có phẩm chất, năng lực, đạo đức, văn hóa đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Ý kiến ()